(TG)-Ngày 15/8, tại Trụ sở Bộ VHTTDL, Đoàn khảo sát của Ban Tuyên giáo Trung ương đã có buổi làm việc Ban Cán sự Đảng bộ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) về tổng kết 20 năm thực hiện Chỉ thị số 42 – CT/TW, ngày 25/08/2004 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về "Nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản".
Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy và Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy đồng chủ trì buổi làm việc.
NGÀNH XUẤT BẢN PHÁT TRIỂN LÀ NỀN TẢNG PHÁT TRIỂN VĂN HÓA ĐỌC
Báo cáo tổng kết 20 năm thực hiện Chỉ thị số 42 – CT/TW, ngày 25/08/2004 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về "Nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản", Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ VHTTDL Phạm Cao Thái cho biết: Nhận thức rõ sự nghiệp xuất bản là một lĩnh vực hoạt động tư tưởng sắc bén của Đảng, Nhà nước và nhân dân, là một bộ phận quan trọng của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, có nhiệm vụ tích lũy và truyền bá các giá trị tinh thần, góp phần nâng cao dân trí, phát triển văn hoá, xây dựng nền tảng tư tưởng, thế giới quan, nhân sinh quan cách mạng và khoa học của xã hội, Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ VHTTDL đã chỉ đạo, lãnh đạo quát triệt sâu sắc Chỉ thị số 42-CT/TW thông qua việc ban hành các văn bản chỉ đạo các đơn vị xuất bản thực hiện nghiêm túc, hiệu quả định hướng thông tin của Ban Tuyên giáo Trung ương; tôn chỉ, mục đích được quy định trong giấy phép hoạt động xuất bản; giữ vững kỷ luật thông tin; xử lý nghiêm, kịp thời các sai phạm của cơ quan xuất bản và các cá nhân liên quan.
Qua đó, thực hiện chỉ đạo của Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ, các cơ quan xuất bản đã tổ chức nghiên cứu, quán triệt Chỉ thị số 42-CT/TW, triển khai thực hiện đến cán bộ, đảng viên, viên chức và người lao động, nhằm ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ cũng như phát huy vai trò quan trọng của xuất bản trong việc góp phần bảo vệ nền tư tưởng của Đảng, xây dựng Đảng. Tỷ lệ số người tham gia các đợt học tập, quán triệt chỉ thị, nghị quyết của Đảng trong đó có Chỉ thị 42-CT/TW đều đạt tỷ lệ cao.
Việc phổ biến quán triệt Chỉ thị 42-CT/TW đã tạo nên sự chuyển biến trong nhận thức, hành động của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị. 100% các cơ quan, đơn vị xuất bản đã xây dựng, hoàn thiện quy chế làm việc giữa cơ quan chủ quản và cơ quan xuất bản. Công tác cán bộ đã chú trọng chăm lo xây dựng tổ chức bộ máy, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho cơ quan xuất bản bước đầu đáp ứng yêu cầu phát triển trong môi trường truyền thông đa phương tiện, truyền thông hội tụ.
Cũng theo ông Phạm Cao Thái, công tác xuất bản của các nhà xuất bản thuộc Bộ cũng đã thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích được quy định trong giấy phép hoạt động xuất bản. Các xuất bản phẩm thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nhiều bộ sách, đầu sách phục vụ kịp thời, hiệu quả nhiệm vụ chính trị của đất nước, đặc biệt tuyên truyền có hiệu quả, chất lượng các nội dung thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch.
Đồng thời, nhận thức rõ ngành xuất bản và phát hành sách phát triển là nền tảng, là cơ sở cho phát triển văn hóa đọc. Khi nhiều sách hay, sách đẹp với nhiều định dạng khác nhau sẽ tạo sự hứng thú, thúc đẩy văn hóa đọc phát triển. Vậy nên, trong những năm qua, các đơn vị xuất bản, phát hành và hệ thống thư viện đã có sự phối hợp chặt chẽ trong việc tổ chức các sự kiện tôn vinh văn hóa học, bồi dưỡng hình thành tình yêu đọc sách. Các hoạt động khuyến đọc và cung cấp xuất bản phẩm đã được tổ chức dưới nhiều hình thức: trực tiếp và trực tuyến tạo ra một môi trường đọc thân thiện, hấp dẫn. Nhờ đó văn hóa đọc đã không ngừng được lan tỏa phát triển.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ VHTTDL cho biết: Việc thực hiện Chỉ thị số 42 – CT/TW vẫn còn một số khó khăn, bất cập như: Chính sách thuế, phí và đầu tư cho xuất bản chưa phù hợp, đầu tư về cơ sở vật chất còn hạn chế, còn thiếu các chương trình hành động cụ thể….
NGHIÊN CỨU TRIỂN KHAI MÔ HÌNH XUẤT BẢN MỚI
Tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn khảo sát và đại diện lãnh đạo các đơn vị liên quan đã tập trung trao đổi, thảo luận về những kết quả đạt được, làm rõ những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân trong việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cho biết: "Ngành văn hóa, thể thao và du lịch đã xác định rõ ngành xuất bản là một trong 12 lĩnh vực quan trọng của các ngành công nghiệp văn hóa. Đây là một ngành quan trọng cung cấp tri thức cho con người, cho nhân loại cũng như phát huy các giá trị văn hóa, đưa hình ảnh đất nước con người Việt Nam ra thế giới. Vậy nên, về cách tiếp cận trong lĩnh vực xuất bản, Chỉ thị số 42-CT/TW đã thể hiện rất cụ thể sâu sắc và toàn diện nhưng do bối cảnh hiện nay, cần phải có những cách tiếp cận, cơ chế chính sách mới cụ thể, phù hợp hơn.
Trong đó, phải giải quyết được vấn đề mâu thuẫn giữa xác định vị trí, vai trò nghĩa vụ của hoạt động xuất bản với việc xác định được các cơ chế, chính sách để đáp ứng được vị trí, vai trò của nó trong bối cảnh mới. Giải quyết được bài toán này mới giải quyết được những khó khăn vướng mắc hiện nay. Nếu chúng ta vẫn giữ nguyên sự phát triển của ngành xuất bản theo mô hình hiện nay thì chắc chắn những khó khăn vướng mắc như: chính sách thuế, chế độ dành cho cán bộ,… sẽ không tháo gỡ được".
"Chính vì thế, để ngành xuất bản thật sự trở thành một ngành công nghiệp văn hóa đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế xã hội trong thời gian tới, chúng tôi mong muốn Ban Tuyên giáo Trung ương cùng với các đơn vị liên quan sẽ hỗ trợ chúng tôi kiến nghị với các cơ quan thẩm quyền để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trước mắt cho các đơn vị xuất bản của Bộ VHTTDL. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng nghiêm túc tiếp thu ý kiến đóng góp của các thành viên Đoàn khảo sát để hoàn thiện Báo cáo tổng kết 20 năm thực hiện Chỉ thị số 42 – CT/TW, ngày 25/08/2004 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về "Nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản"" – Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy nói.
Phát biểu tại kết luận buổi làm việc, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy đánh giá cao những kết quả đạt được của Ban Cán sự Đảng Bộ VHTTDL trong việc thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW, ngày 25/08/2004 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về "Nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản".
Tuy nhiên, để phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những tồn tại hạn chế trong công tác chỉ đạo, quản lý hoạt động xuất bản trong thời gian tới, ông Phan Xuân Thủy đề nghị: Ban Cán sự Đảng Bộ VHTTDL cần tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo các nhà xuất bản trực thuộc quán triệt, thực hiện nghiêm túc, chất lượng, hiệu quả việc tổng kết 20 năm Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 25/08/2004 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về "Nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản". Thực hiện đúng vai trò, trách nhiệm của cơ quan chủ quản xuất bản theo đúng quy định của Đảng, Nhà nước. Nghiên cứu có giải pháp xây dựng nhà xuất bản theo hướng "tinh gọn, chất lượng, hiện đại hóa" đã được nêu trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng.
Giải quyết tốt mối quan hệ giữa yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị với hiệu quả hoạt động sản xuất – kinh doanh; quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, nguồn lực bảo đảm cho các nhà xuất bản hoạt động ổn định và phát triển. Quan tâm chỉ đạo thực hiện công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, biên tập viên, người làm xuất bản vững vàng về chính trị, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, có đạo đức nghề nghiệp trong sáng nhằm đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Tiếp tục đẩy mạnh phát triển văn hóa đọc, đổi mới hoạt động thư viện, đa dạng hóa các hoạt động khuyến đọc. Nghiên cứu, triển khai mô hình xuất bản mới phù hợp với sự phát triển của công nghiệp xuất bản hiện đại, phù hợp với nền kinh tế thị trường, triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng xuất bản phẩm, mở rộng mạng lưới phát hành xuất bản phẩm đến mọi người dân, nhất là khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.
"Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Xuất bản Việt Nam và các cơ quan liên quan ghi nhận các đề xuất, kiến nghị của Ban Cán sự Đảng Bộ VHTTDL để đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền xây dựng cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho các đơn vị xuất bản triển khai các hoạt động thuận lợi, ổn định và phát triển" – Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh./.
TG