Thứ Sáu, 20/9/2024
Xã hội
Thứ Hai, 21/1/2019 10:20'(GMT+7)

Ngành Y tế nỗ lực khắc phục tình trạng quá tải bệnh viện

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến.

Đầu năm 2019, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã dành cho báo chí cuộc trao đổi xung quanh vấn đề này.

Phóng viên (PV): Thưa Bộ trưởng, một vấn đề trăn trở nhiều năm qua của ngành Y tế là giảm quá tải ở các bệnh viện. Chính phủ đã giao Bộ Y tế đến năm 2020 phải giải quyết căn bản tình trạng quá tải tại một số bệnh viện tuyến cuối. Vậy việc giải quyết quá tải bệnh viện đến nay đạt hiệu quả như thế nào?

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Để giảm quá tải bệnh viện, thời gian qua, ngành Y tế đã triển khai mạnh mẽ nhiều giải pháp như: Đề án giảm tải bệnh viện; đề án cải tiến quy trình khám bệnh; đề án bệnh viện Vệ tinh; đề án Bác sĩ Gia đình; đề án 1816; đề án Nâng cao năng lực công tác kiểm chuẩn chất lượng hệ thống xét nghiệm tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; đề án đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp; chương trình hành động quốc gia nâng cao năng lực quản lý chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh...

Kết quả khảo sát trực tuyến hơn một triệu người bệnh cho thấy tỉ lệ khi điều trị nội trú đạt 75,6%, ngoại trú đạt 66,3%, nhiều bệnh viện có tỉ lệ người bệnh hài lòng tới 80-90%. Số liệu năm 2012 và 2018 cho thấy tỉ lệ bệnh nhân phải nằm ghép giảm từ 58% xuống 16,7% ở tuyến Trung ương; và ở tuyến tỉnh từ 47% xuống 11,4%. Đây là sự chuyển mình ngoạn mục của ngành Y tế, giảm tỷ lệ nằm ghép xuống hơn 3 lần, mang lại sự thoải mái và hài lòng cho người bệnh. Bên cạnh đó, mạng lưới 17 bệnh viện vệ tinh đã giúp giảm tỉ lệ chuyển tuyến Trung ương đối với chuyên khoa tim mạch, ngoại khoa là 98,5%, ung thư 97%, sản khoa 99%, nhi khoa 73%.

Hiện nay, tình trạng quá tải vẫn còn diễn ra tại các bệnh viện ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh và cần phải tiếp tục có các giải pháp quyết liệt. Sắp tới cơ sở 2 của Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện Bạch Mai đi vào hoạt động đồng bộ ở tất cả các khu vực sẽ hạn chế rất nhiều tình trạng quá tải ở Bệnh viện tuyến Trung ương.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến kiểm tra Trung tâm y tế thị xã Giá Rai, Tỉnh Bạc Liêu.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến kiểm tra Trung tâm y tế thị xã Giá Rai, Tỉnh Bạc Liêu.

PV: Xin Bộ trưởng cho biết về kết quả thực hiện đề án Bệnh viện vệ tinh năm 2018?

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Ngày 9-1-2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 92 /QĐ-TTg phê duyệt Đề án giảm quá tải bệnh viện giai đoạn 2013-2020, trong đó có nhiệm vụ: Thành lập và phát triển mạng lưới bệnh viện vệ tinh; ưu tiên thành lập mạng lưới bệnh viện vệ tinh của 5 chuyên khoa: Ung bướu, ngoại - chấn thương, tim mạch, sản và nhi theo hướng lấy một số bệnh viện tuyến Trung ương, bệnh viện tuyến cuối của Hà Nội và TP Hồ Chí Minh làm bệnh viện hạt nhân; đồng thời phát triển một số bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện làm bệnh viện vệ tinh của các bệnh viện hạt nhân…

Nhằm thực hiện Đề án giảm tải bệnh viện, những năm qua, Bộ Y tế đã xây dựng Đề án bệnh viện vệ tinh giai đoạn 2013-2020 nhằm nâng cao năng lực về khám bệnh, chữa bệnh cho các bệnh viện vệ tinh, thông qua các hoạt động đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, cải tạo cơ sở vật chất, nâng cấp trang thiết bị y tế, giúp người dân được khám bệnh, chữa bệnh chất lượng cao tại các bệnh viện vệ tinh, không phải lên tuyến trên.

Theo đó, sẽ hình thành và phát triển mạng lưới bệnh viện vệ tinh gồm một số bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, Sở Y tế Hà Nội và một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về các chuyên khoa hiện đang quá tải trầm trọng. Đồng thời, đề án sẽ nâng cao năng lực khám bệnh, chữa bệnh của nhân viên y tế tại các bệnh viện vệ tinh thông qua việc tăng cường đào tạo, chuyển giao kỹ thuật và tư vấn khám, chữa bệnh từ xa bằng công nghệ thông tin (telemedicine). Giai đoạn 2013-2015: Ưu tiên đầu tư 48 bệnh viện tuyến tỉnh là bệnh viện vệ tinh của 14 bệnh viện hạt nhân (8 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và 6 bệnh viện trực thuộc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh). Giai đoạn 2016-2020: Tiếp tục duy trì kết quả của Đề án bệnh viện vệ tinh giai đoạn 2013-2015, đồng thời căn cứ vào thực trạng quá tải bệnh viện, điều kiện kinh tế xã hội để mở rộng đề án.

Đến nay, sau 5 năm thực hiện Đề án bệnh viện vệ tinh giai đoạn 2013-2018 đã xây dựng và hình thành  23 bệnh viện hạt nhân và 127 bệnh viện vệ tinh. 10 chuyên khoa được đầu tư và ưu tiên phát triển là: Ung bướu, ngoại chấn thương, tim mạch, sản, nhi, nội tiết, thần kinh, huyết học lâm sàng, hồi sức cấp cứu, chống độc.

Những kết quả của Đề án bệnh viện vệ tinh đã từng bước giảm tình trạng quá tải của các bệnh viện, đặc biệt là tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Thực hiện Đề án bệnh viện vệ tinh góp phần nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của các bệnh viện vệ tinh, củng cố lòng tin của người dân với bệnh viện vệ tinh, tăng tỷ lệ người bệnh tới khám, điều trị tại bệnh viện vệ tinh, giảm tỷ lệ chuyển tuyến từ bệnh viện vệ tinh lên bệnh viện hạt nhân, tăng tỷ lệ chuyển tuyến phù hợp từ bệnh viện hạt nhân về bệnh viện vệ tinh, giảm quá tải tại bệnh viện hạt nhân ở tuyến Trung ương, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân do Đảng và Nhà nước giao cho ngành Y tế.

PV: Bộ Y tế có những kế hoạch gì để nâng cao chất lượng dịch vụ y tế trong năm 2019?

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Năm 2019, ngành Y tế tiếp tục thực hiện Nghị quyết  20-NQ/TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. Cụ thể, trong năm 2019, ngành Y tế tiếp tục hoàn thiện hệ thống phác đồ, quy trình, hướng dẫn điều trị thống nhất trong cả nước; ban hành tiêu chí đánh giá, thực hiện kiểm định độc lập, xếp hạng bệnh viện theo chất lượng phù hợp với thông lệ quốc tế; thực hiện lộ trình thông tuyến khám, chữa bệnh; lộ trình liên thông, công nhận kết quả xét nghiệm, giữa các cơ sở khám, chữa bệnh gắn với nâng cao chất lượng dịch vụ và có chính sách khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ ngay tại tuyến dưới; phát triển mạng lưới bệnh viện vệ tinh; tăng cường đào tạo, luân phiên cán bộ y tế, chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới. Ban hành danh mục dịch vụ kỹ thuật các tuyến phải có đủ năng lực thực hiện, tiến tới bảo đảm chất lượng từng dịch vụ kỹ thuật đồng đều giữa các tuyến; đổi mới phong cách, thái độ phục vụ, nâng cao y đức; xây dựng bệnh viện xanh - sạch - đẹp, an toàn, văn minh, hướng tới thực hiện chăm sóc toàn diện người bệnh./.

THÁI SƠN (ghi)/QĐND.VN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất