Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, trong bối cảnh các bệnh viện phải tự xoay xở như hiện nay, cần hỗ trợ ngân sách đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin cho các cơ sở y tế.
Không thể phủ nhận lợi ích chuyển đổi số mang lại cho người dân, trong đó, chất lượng khám, chữa bệnh không ngừng nâng cao, người dân được thụ hưởng dịch vụ tối ưu, giảm đáng kể thời gian chờ đợi, giảm chi phí khi đi khám, chữa bệnh.
Thế nhưng đến nay, vấn đề chuyển đổi số của ngành y tế Thành phố Hồ Chí Minh còn chậm, manh mún, không đồng bộ, chưa thể phát huy hiệu quả như mong đợi.
Bệnh viện nào cũng kêu khó
Năm 2004, Bệnh viện Trưng Vương là một trong những đơn vị đi đầu tại Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng hệ thống quản lý bệnh viện điện tử (HIS). Năm 2014, Ủy ban Nhân dân thành phố đã cấp kinh phí cho Bệnh viện Trưng Vương đầu tư nâng cấp hạ tầng, tuy nhiên đến nay hầu hết các máy chủ, thiết bị lưu trữ trang bị cho Bệnh viện Trưng Vương đã hết khấu hao.
Các máy chủ, thiết bị lưu trữ trang bị mới và cũ không đồng bộ, làm cho hệ thống bị phân mảnh, không phát huy hết tài nguyên của từng thiết bị.
Đặc biệt, sau khi chuyển đổi công năng hoàn toàn thành bệnh viện điều trị COVID-19, hầu như các trang thiết bị của đơn vị này bị hư hỏng nhưng không có kinh phí thay mới.
Tiến sỹ, bác sỹ Phạm Ngọc Huy Tuấn, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Trưng Vương cho hay quá trình điều trị COVID-19 phải phun, khử khuẩn liên tục, do đó máy móc, thiết bị hầu như đều hư hỏng, không sử dụng được, chỉ còn là những cái “vỏ rỗng."
Thừa nhận điều này, bác sỹ Huỳnh Ngọc Hớn, Phó Giám đốc điều hành Bệnh viện Trưng Vương cho biết từ trước đến nay, hầu như mỗi khoa chỉ có 1-2 máy tính. Đa số các máy đều đã cũ nhưng không có kinh phí nâng cấp, nhân viên công nghệ thông tin phải liên tục lấy bộ phận còn dùng được ở máy hỏng này lắp vào máy hỏng khác để tiếp tục sử dụng.
“Chi phí dành cho công nghệ thông tin của bệnh viện chỉ là 0,2% trong khi quy định phải 1%, do đó chúng tôi phải 'liệu cơm gắp mắm' rất kỹ," bác sỹ Huỳnh Ngọc Hớn lo ngại.
Bệnh viện Hùng Vương là một trong những đơn vị có bước chuyển mình ngoạn mục khi đã triển khai 27 phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin và một công trình nghiên cứu trí tuệ nhân tạo cũng gặp không ít khó khăn trong quá trình chuyển đổi số.
Theo Phó giáo sư, tiến sỹ, bác sỹ Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương, cơ chế, chính sách để phát triển y tế thông minh, chuyển đổi số vẫn còn nhiều vướng mắc.
Tại Bệnh viện Hùng Vương, riêng Dự án Phát triển hệ thống an ninh mạng và wifi cho bệnh viện 3 năm qua vẫn chưa hoàn thành. Nguyên nhân là do dự án được lập, gửi qua các sở, ngành, Ủy ban Nhân dân thành phố phê duyệt. Đến khi dự án được duyệt thì ở bệnh viên, các máy móc đã lỗi thời, không tiếp tục thực hiện được còn nếu làm lại dự án thì lãng phí.
Tiến sỹ, bác sỹ Nguyễn Anh Dũng, Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh nhìn nhận hiện nay, hạ tầng công nghệ thông tin, phần mềm ứng dụng ở các cơ sở y tế chưa được đầu tư đúng mức, đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số.
Các hệ thống phần mềm quản lý thông tin trong bệnh viện như HIS, LIS… được triển khai trong bệnh viện từ rất sớm, không được nâng cấp kịp thời. Điều này khiến công nghệ sử dụng trên phần mềm lạc hậu, rất khó ứng dụng chữ ký số thực hiện quy trình nghiệp vụ trên môi trường số hoặc không đảm bảo tính toàn vẹn dữ liệu.
Bên cạnh đó, chi phí đầu tư công nghệ thông tin chưa được tính vào chi phí thu viện phí, dẫn đến việc đầu tư mới và tái đầu tư trong quá trình vận hành hệ thống công nghệ thông tin tại các cơ sở y tế gặp nhiều khó khăn. Hầu hết các cơ sở y tế phải sử dụng nguồn quỹ phát triển sự nghiệp để đầu tư.
Ngoài ra, thời gian thực hiện dự án đầu tư công nghệ thông tin thường kéo dài do thủ tục đầu tư phức tạp, do đó đầu tư vào hạ tầng công nghệ thông tin là không dễ dàng, không đồng bộ ở các cơ sở y tế.
Có “thực” mới vực được “đạo”
Theo lãnh đạo nhiều bệnh viện tại Thành phố Hồ Chí Minh, công nghệ thay đổi rất nhanh, nếu các bệnh viện không có chiến lược đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin đúng đắn dễ dẫn đến lạc hậu, gây tốn kém kinh phí, không hiệu quả.
Trong khi đó, đầu tư cho chuyển đổi số, y tế thông minh rất tốn kém, nhiều bệnh viện chưa biết sẽ lấy nguồn từ đâu và thu lại như thế nào. Do đó, các bệnh viện đề xuất điểm đầu tiên để thực hiện chuyển đổi số, hướng đến y tế thông minh thì giá viện phí buộc phải tính đủ các yếu tố cấu thành.
Thực tế, lấy tiền ở đâu để đầu tư cho công nghệ thông tin, ứng dụng chuyển đổi số đang là bài toán khó. Hầu hết các bệnh viện đều trông chờ vào Quỹ phát triển sự nghiệp của đơn vị, trong khi quỹ này ở một số bệnh viện khá eo hẹp.
“Ở một số bệnh viện, chênh lệch thu chi gần như bằng 0, tiền chi thu nhập tăng thêm cho nhân viên y tế còn không có thì lấy đâu ra để đầu tư cho công nghệ thông tin," một lãnh đạo bệnh viện bức xúc.
Cùng với đó, chế độ lương, đãi ngộ phù hợp cho nhân viên công nghệ thông tin làm việc tại các bệnh viện là chính sách cần thiết. Thực tế, thiếu nguồn nhân lực giỏi để vận hành hệ thống công nghệ thông tin là khó khăn chung của nhiều đơn vị y tế. Các bệnh viện hầu như không tuyển được nhân sự công nghệ thông tin có năng lực do mức lương quá thấp.
Như tại Bệnh viện Nhi đồng 1, chỉ có 12 nhân sự nhưng phải quản lý gần 700 máy tính. Còn Bệnh viện Hùng Vương đăng tuyển nhân sự nhiều lần nhưng không tuyển dụng được bởi mặt bằng chung thu nhập của nhân sự công nghệ thông tin ở bên ngoài rất cao, trong khi lương của các bệnh viện chi trả hiện còn ở mức thấp.
Tiến sỹ, bác sỹ Lê Trường Giang, Chủ tịch Hội Y tế công cộng Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành y tế rất phức tạp, mỗi đơn vị có một đặc thù riêng, không đơn vị nào giống đơn vị nào.
Đặc biệt, vấn đề nhân lực công nghệ thông tin rất nan giải, mỗi nhân sự cần làm việc trong các bệnh viện từ 3-5 năm mới có thể am hiểu hết được lĩnh vực y tế. Do đó, thành phố cần có chính sách, cơ chế đặc thù để phát triển y tế thông minh, đồng thời chú trọng đến vấn đề xây dựng đội ngũ nhân lực, từ công tác đào tạo đến chế độ đãi ngộ đặc thù.
“Trong bối cảnh khó khăn tìm nguồn nhân sự chất lượng cao như hiện nay, các bệnh viện có thể xã hội hóa bằng hình thức đặt hàng, thuê mướn bên ngoài nhưng cần phải có các quy định chặt chẽ để đảm bảo tính an toàn vừa giúp các bệnh viện không vi phạm pháp luật," ông Lê Trường Giang gợi ý.
Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Anh Dũng cho rằng để các bệnh viện có thể phát triển được y tế thông minh, trước hết, cần hoàn thiện và đồng bộ hệ thống cơ sở pháp lý cho hoạt động chuyển đổi số y tế trên phương diện quốc gia. Đặc biệt, cần có quy định pháp lý rõ ràng cho việc lưu trữ hồ sơ, bệnh án trên môi trường điện tử, thừa nhận các loại giấy phép được cấp trên môi trường mạng.
Trong bối cảnh các bệnh viện phải tự xoay xở như hiện nay, cần hỗ trợ ngân sách đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin cho các cơ sở y tế nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý và mục tiêu chuyển đổi số của ngành.
Điểm mấu chốt là tính đúng-tính đủ giá thu dịch vụ khám, chữa bệnh, trong đó có yếu tố áp dụng công nghệ thông tin, từ đó các bệnh viện mới có nguồn lực triển khai y tế thông minh, phục vụ tốt hơn công tác khám, chữa bệnh cho người dân./.
Đinh Hằng