Ông Trần Mạnh Tuấn, Cục Phó Cục Viễn thông cho biết, từ 0h ngày
15/4/2017 các doanh nghiệp viễn thông sẽ tiến hành giai đoạn 2 kế hoạch
chuyển đổi mã vùng 23 tỉnh, thành phố.
Ngày 31/3/2016, Bộ TT&TT đã có buổi họp với các
nhà cung cấp dịch vụ viễn thông để triển khai công tác chuyển đổi mã
vùng điện thoại cố định lần 2. Phát biểu tại hội nghị này, đại diện Cục
Viễn thông cho biết, về cơ bản quá trình đổi mã vùng điện thoại cố định
lần 1 đã thành công. Tỷ lệ khách hàng thực hiện quay số theo mã vùng mới
rất cao, đặc biệt khi có thực hiện bật âm thông báo về chuyển đổi mã
vùng thì tỷ lệ quay số theo cách mới là trên 80%, thậm chí có doanh
nghiệp là gần 100% như Viettel là 98% và Vietnamobile là 100%.
Theo phân tích của Cục Viễn thông, sở dĩ có được kết quả này là vì sự
vào cuộc tích cực của truyền thông đã đưa thông tin đến cho khách hàng
để triển khai kế hoạch của Bộ TT&TT. Cục Viễn thông đã biểu dương
các doanh nghiệp chuẩn bị tốt và thực hiện đổi mã vùng điện thoại cố
định thành công.
Ông Tô Cường, Phó Tổng giám đốc VNPT cho hay, thời gian qua VNPT đã
tiến hành đổi mã vùng điện thoại cố định theo chỉ đạo của Bộ TT&TT.
Do đặc điểm mạng cố định của VNPT đã đầu tư lâu năm, có nhiều thiết bị
lạc hậu nên trong quá trình chuyển đổi có những khó khăn nhất định. Về
cơ bản đến thời điểm này việc chuyển đổi mã vùng điện thoại cố định đã
thành công.
Phát biểu tại cuộc họp, đại diện Viettel, MobiFone, Gtel,
Vietnamobile, FPT cho biết, quá trình chuyển đổi mã vùng lần thứ nhất cơ
bản đã hoàn tất. Phía Viettel chia sẻ tỷ lệ khách hàng gọi đúng theo mã
vùng mới chiếm đến trên 90%. Theo thống kê của Vietnamobile, trong quá
trình quay số song song có 80% khách hàng gọi theo mã vùng mới, chỉ có
20% khách hàng quay số theo cách cũ. Theo các doanh nghiệp viễn thông,
số lượng khách hàng thắc mắc liên quan đến việc chuyển đổi mã vùng không
nhiều.
Ông Trần Mạnh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông nhấn mạnh, ngày
15/4/2017 sẽ chính thức chuyển đổi mã vùng điện thoại cố định lần thứ 2.
Vì vậy, các doanh nghiệp phải phối hợp với nhau để thực hiện tốt việc
này.
Trong giai đoạn 2, sẽ chuyển
đổi mã vùng 23 tỉnh, thành phố là Quảng Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn, Cao
Bằng, Tuyên Quang, Bắc Cạn, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Hải Phòng, Hà
Nam, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Cà Mau, Bạc Liêu, Cần Thơ, Hậu
Giang, Trà Vinh, An Giang, Kiên Giang và Sóc Trăng. Thời gian bắt đầu
chuyển đổi từ 0h ngày 15/4/2017, kết thúc quay số song song từ 23h59
ngày 14/5/2017 và kết thúc thời gian duy trì âm thông báo từ 23h59 ngày
16/6/2017.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm đánh
giá cao các doanh nghiệp đã thực hiện tốt việc chuyển đổi mã vùng điện
thoại cố định giai đoạn 1 ngày 11/2/2017. Tuy nhiên, để thực hiện tốt
việc chuyển đổi mã vùng điện thoại cố định giai đoạn 2, Thứ trưởng Phan
Tâm chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông phải phối hợp chặt chẽ với nhau.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp phải đẩy mạnh công tác truyền thông đến
khách hàng để tạo được sự đồng thuận. Các doanh nghiệp viễn thông phải
truyền thông về việc đổi mã vùng điện thoại cố định trên hóa đơn cước,
mạng xã hội… để cung cấp thông tin đầy đủ cho khách hàng, đặc biệt trước
thời điểm ngắt quay số song song.
Thứ trưởng Phan Tâm cũng chỉ đạo Cục Viễn thông làm công văn gửi UBND
các tỉnh, thành thông báo về chuyển mã vùng điện thoại cố định giai
đoạn 2 và đề nghị các địa phương chỉ đạo các cơ quan báo chí của địa
phương tuyên truyền về vấn đề này.
|
23 tỉnh, thành sẽ chuyển đổi mã vùng giai đoạn 2
|
Theo ICTnews