(TG) – Năm 2013 là năm đầu tiên tổ chức Ngày Pháp luật trong phạm vi toàn quốc và cũng là năm ghi nhận một sự kiện rất quan trọng trong đời sống chính trị - pháp lý của đất nước, đó là việc toàn dân tích cực tham gia đóng góp ý kiến xây dựng dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.
Theo thông tin từ Bộ Tư pháp, Lễ công bố “Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” sẽ diễn ra vào sáng 9/11/2013 và sẽ được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1, Đài Truyền hình Việt Nam.
Trong đời sống xã hội, pháp luật có vai trò đặc biệt quan trọng, vừa là công cụ quản lý nhà nước hữu hiệu, vừa là hành lang pháp lý an toàn, tin cậy, thuận lợi cho sự phát triển kinh tế xã hội. Trong công cuộc đổi mới đất nước hiện nay, yêu cầu tăng cường vai trò của pháp luật được đặt ra như một tất yếu khách quan. Cùng với việc không ngừng xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, đưa pháp luật vào cuộc sống trở thành yêu cầu cấp thiết, cần được thực hiện thường xuyên, liên tục và hiệu quả với nhiều hình thức, biện pháp phù hợp. Ngày Pháp luật được xác định là một mô hình triển khai cụ thể nhằm đáp ứng yêu cầu đó.
Ngày Pháp luật (9/11) được tổ chức để tôn vinh pháp luật, đồng thời tăng cường nhận thức cho mọi người về vai trò của luật pháp trong đời sống hiện đại, tăng cường sự hiểu biết pháp luật và khả năng thực thi pháp luật trong hoạt động quản lý nhà nước, hoạt động kinh tế - xã hội và sinh hoạt thường ngày của người dân.
Thông qua Ngày Pháp luật giúp cho mọi tổ chức, cá nhân công dân nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật, là dịp để đánh giá lại những kết quả đã đạt được và những hạn chế trong hoạt động xây dựng, thực thi pháp luật; là cơ hội để tổ chức nhiều hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật cho cộng đồng thông qua những cách thức khác nhau. Qua đó, những người thi hành pháp luật cũng sẽ nhận được những thông tin phản hồi, những quan điểm đánh giá về tất cả các quy định pháp luật cũng như cách thức thực hiện, hiệu quả của hệ thống pháp luật đối với đời sống xã hội; từ đó hoàn thiện hơn hệ thống pháp luật, cũng như cải thiện, nâng cao hoạt động của hệ thống tư pháp.
Bên cạnh đó, Ngày Pháp luật còn có ý nghĩa giáo dục, đề cao giá trị của pháp luật trong nhà nước pháp quyền, hướng mọi tổ chức, cá nhân tích cực cộng hưởng tham gia với hành vi, thái độ xử sự pháp luật đúng đắn. Qua đó, góp phần vận động, khuyến khích, kêu gọi toàn thể nhân dân chung sức, chung lòng vì sự nghiệp xây dựng và hoàn thiện nhà nước Việt Nam, phát huy triệt để tinh thần đại đoàn kết dân tộc cùng tích cực hành động vì một xã hội Việt Nam dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh.
Theo quy định tại điều 8, Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, ngày 9 tháng 11 hằng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 28/2013/NĐ-CP này 4/4/2013 quy định một số điều và biện pháp thi hành Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật.
|
Giao Tuyến