Thứ Hai, 30/9/2024
Pháp luật
Thứ Năm, 17/10/2013 18:22'(GMT+7)

Dương Chí Dũng và đồng bọn cố ý làm trái, tham ô, gây thất thoát hàng trăm tỷ đồng

Ụ nổi 83M cũ được mua với giá chín triệu USD.

Ụ nổi 83M cũ được mua với giá chín triệu USD.

Mua thiết bị "đồng nát" giá chín triệu USD

Tháng 5-2006, từ chủ trương mở rộng đầu tư sang lĩnh vực sửa chữa tàu biển, Vinalines có đề xuất Bộ Giao thông vận tải (GTVT) xin xây dựng một nhà máy sửa chữa tàu biển phía nam. Trong khi Bộ GTVT còn chưa hoàn thiện các thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ quyết định, thì tháng 6-2007, Dương Chí Dũng với tư cách Chủ tịch HÐQT Vinalines đã tự ý ký quyết định phê duyệt xây dựng nhà máy với tổng mức đầu tư 3.854 tỷ đồng. Trong dự án này có một hạng mục là xây dựng, lắp đặt một ụ nổi để phục vụ sửa chữa tàu. Ðể thực hiện dự án, Dương Chí Dũng cùng thuộc cấp mua những thiết bị cũ kỹ từ những năm 60 của thế kỷ trước, đã quá hạn sử dụng hoặc đã hỏng, sau đó sửa chữa rồi khai khống giá để chiếm đoạt hàng tỷ đồng.

Theo tài liệu điều tra, tháng 10-2008, Vinalines mới có quyết định phê duyệt đầu tư dự án nhà máy, nhưng từ tháng 10-2007, Vinalines đã tổ chức đấu thầu mua, nhập khẩu ụ nổi và dùng hình thức chào giá cạnh tranh để lựa chọn nhà thầu. Trong quá trình này, Vinalines cũng không có thông báo mời thầu. Trong hồ sơ đấu thầu của Vinalines chỉ có hai đơn vị chào bán ba ụ nổi. Trong đó, Addpower Ventures Singapore (Công ty AP) chào bán hai ụ nổi: ụ nổi 220, sản xuất năm 1969, tại Thụy Ðiển và ụ nổi 83M, sản xuất năm 1965, tại Nhật Bản. Công ty môi giới Mega Marine LLC/USA chào bán ụ nổi 194M, sản xuất năm 1988, tại Nam Tư. Trên thực tế, Luật Ðấu thầu quy định rõ, phải có ba nhà thầu độc lập cùng chào giá.

Với cách làm này, khi tổ chức khảo sát, Vinalines cũng chỉ khảo sát ụ nổi 220 và 83M, không khảo sát ụ nổi 194M, mà chỉ giao dịch qua thư điện tử. Vì xác định ụ nổi là tàu biển, cho nên muốn nhập khẩu vào Việt Nam phải được Ðăng kiểm Việt Nam kiểm tra và xác nhận trạng thái kỹ thuật phù hợp các yêu cầu an toàn hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường. Ðể hợp thức hóa về mặt thủ tục, Vinalines đã cử một đoàn khảo sát có đại diện của Cục Ðăng kiểm Việt Nam sang Liên bang Nga khảo sát tình trạng kỹ thuật của ụ nổi này. Theo Kết luận điều tra của Bộ Công an, qua khảo sát, các thành viên trong đoàn đều biết rõ chủ sở hữu ụ nổi 83M là Công ty Nakhodka (Liên bang Nga), Công ty AP chỉ là nhà môi giới. Ụ nổi 83M được sản xuất năm 1965, bị hư hỏng nhiều, không còn hoạt động và đã bị đăng kiểm Nga dừng phân cấp vào năm 2006. Giá ụ nổi Công ty Nakhodka đưa ra đàm phán là dưới năm triệu USD.

Khi về đến Việt Nam, nhóm lãnh đạo Vinalines trong đoàn khảo sát đã báo cáo thông tin nêu trên với Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc, Tổng Giám đốc Vinalines. Tuy nhiên, Dũng và Phúc vẫn chỉ đạo phải lập báo cáo kết quả khảo sát để đủ điều kiện mua được ụ nổi 83M qua Công ty AP, mà không mua trực tiếp từ Công ty Nakhodka. Tháng 6-2008, nhận chỉ đạo, nhóm cán bộ này câu kết với Lê Văn Dương, cán bộ Cục Ðăng kiểm Việt Nam (cùng đoàn sang Liên bang Nga khảo sát) hợp thức hóa thủ tục mua ụ nổi 83M, dù biết "tuổi" của ụ nổi 83M là 43 năm, là đồ "đồng nát" không thể hoạt động được nữa. Theo Cơ quan cảnh sát điều tra, việc Vinalines mua ụ nổi 83M là trái với Nghị định 49/2006/NÐ-CP: Trường hợp đăng ký lần đầu tại Việt Nam, tàu biển đã qua sử dụng, các loại tàu biển khác không quá 15 tuổi tính từ năm đóng tàu. Thế nhưng, ngay sau đó, Dương Chí Dũng đã phê duyệt dự án mua ụ nổi 83M với tổng mức đầu tư 14,136 triệu USD, phương thức mua sửa chữa tại Nga và lai dắt về Việt Nam. Sau đó, vì thời tiết ở Nga đang lạnh, nước đóng băng, cho nên Dũng lại ký phê duyệt điều chỉnh phương thức từ mua sửa chữa ụ nổi tại Nga, lai dắt về Việt Nam sang vận chuyển ụ nổi bằng tàu nâng nặng rồi tổ chức sửa chữa tại Việt Nam, nâng tổng mức đầu tư từ 14,136 triệu USD lên 19,5 triệu USD, trong đó giá mua ụ nổi lên tới chín triệu USD.

Gây thiệt hại của Nhà nước gần 370 tỷ đồng

Cùng với một loạt các sai phạm cố ý làm trái trong việc thanh toán hợp đồng và cố ý làm trái trong việc làm thủ tục thông quan, nhập khẩu mua ụ nổi 83M của hàng loạt cấp dưới Dương Chí Dũng, Cơ quan điều tra Bộ Công an đã trưng cầu giám định để xác định sai phạm, thiệt hại trong vụ án. Theo báo cáo chi phí tổng hợp của Vinalines cung cấp, tổng đầu tư thương vụ mua ụ nổi 83M là hơn 525 tỷ đồng với tất cả các hạng mục từ mua, vận chuyển, sửa chữa, neo đậu... Giám định viên đã kết luận tổng thiệt hại do các sai phạm nêu trên là gần 370 tỷ đồng. Tuy nhiên, con số thiệt hại hàng trăm tỷ đồng này không phải là con số cuối cùng, bởi những sai phạm nêu trên đã dẫn đến hậu quả là dự án nhà máy bị phá sản giữa chừng, ụ nổi 83M không đưa vào hoạt động được, trở thành đống sắt gỉ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Về hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng của Dương Chí Dũng và đồng bọn, Cơ quan điều tra Bộ Công an đã xác định bảy bị can, gồm: Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc, Trần Hữu Chiều (Phó Tổng Giám đốc, Trưởng ban quản lý Dự án Nhà máy sửa chữa tàu biển phía nam), Trần Hải Sơn (Tổng Giám đốc Công ty TNHH sửa chữa tàu biển  Vinalines), Mai Văn Khang (Phó Trưởng ban đóng mới tàu biển), Bùi Thị Bích Loan (Trưởng ban Tài chính - Kế toán) và Lê Văn Dương. Ngoài ra, ba bị can khác là cán bộ Chi cục Hải quan Vân Phong cũng bị khởi tố do có hành vi cố ý làm trái trong thủ tục thông quan, nhập khẩu ụ nổi 83M, gồm: Huỳnh Hữu Ðức (Phó Chi cục trưởng), Lê Ngọc Triện (cán bộ kiểm tra chi tiết hồ sơ, tính thuế), Lê Văn Lừng (cán bộ kiểm hóa).

Hơn 1,6 triệu USD "lại quả"

Theo kết luận điều tra của Bộ Công an, đến ngày 18-6-2008, Vinalines thanh toán, chuyển khoản hết chín triệu USD tiền mua ụ nổi 83M vào tài khoản Công ty AP qua một ngân hàng tại Xin-ga-po. Năm ngày sau khi nhận được tiền bán ụ nổi, Công ty AP đã chuyển 1,666 triệu USD vào tài khoản của Công ty Phú Hà tại TP Hồ Chí Minh do Trần Hải Sơn đứng ra nhờ Trần Thị Hải Hà cho mượn tài khoản của Công ty Phú Hà (do Hà làm giám đốc). Với lý do, nhận tiền của bạn từ Xin-ga-po gửi về, Hà đã mở tài khoản của Công ty Phú Hà tại Ngân hàng UOB, Xin-ga-po chi nhánh TP Hồ Chí Minh để nhận tiền. Sau này, Hà được Sơn chia hai tỷ đồng tiền công làm thủ tục nhận tiền hộ.

Trần Hải Sơn khai nhận, ông Goh Hoon Seow, Giám đốc Công ty AP có gặp Sơn tại trụ sở Vinalines và nói: "Ông chuẩn bị tiếp nhận khoản tiền lại quả, tôi đã thống nhất với ông Dũng và ông Phúc rồi. Các ông ấy nói là giao cho ông nhận số tiền lại quả là 1,666 triệu USD". Sau đó, Sơn đến phòng làm việc của Dương Chí Dũng, nói lại nội dung cuộc trao đổi trên. Dũng nói: "Chia theo tỷ lệ 10 tỷ đồng cho anh, 10 tỷ đồng cho anh Phúc, còn lại cho em". Sau đó, Sơn cũng đến phòng làm việc của Phúc, và Phúc cũng bảo: "Anh đồng ý, em xúc tiến nhanh nhé". Nhận tiền xong, Sơn đã hai lần chuyển tiền cho Dũng (mỗi lần năm tỷ đồng) và ba lần chuyển cho Phúc (hai lần 2,5 tỷ đồng và một lần năm tỷ đồng).

Cơ quan công an đã xác định hành vi của Dương Chí Dũng và đồng bọn phạm vào tội tham ô. Trong đó, Dương Chí Dũng với vai trò chủ mưu, cầm đầu chỉ đạo thực hiện hành vi tham ô hơn 1,6 triệu USD. Cá nhân Dũng chiếm hưởng 10 tỷ đồng. Các đối tượng Mai Văn Phúc, Trần Hải Sơn, Trần Hữu Chiều đều là các đồng phạm tích cực của Dũng và được ăn chia hàng trăm triệu đến nhiều tỷ đồng...

 

NAM ANH/NhanDan

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất