Đầu tư dài hạn cho cơ sở hạ tầng; Xói mòn cơ sở thuế và Chuyển dịch
lợi nhuận; Tài chính và Bảo hiểm rủi ro thiên tai cũng là nội dung được
thảo luận trong ngày đầu tiên này.
Ông Trần Xuân Hà, Thứ trưởng Bộ Tài chính Việt Nam phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: Nguyễn Khang/TTXVN
|
Trong
khuôn khổ Hội nghị các quan chức cao cấp Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á
- Thái Bình Dương lần thứ nhất (SOM 1), Hội nghị Thứ trưởng Tài chính
và Phó Thống đốc ngân hàng Trung ương Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á -
Thái Bình Dương (APEC) diễn ra tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa
trong hai ngày 23-24/2, mở đầu cho Tiến trình Bộ trưởng Tài chính APEC
năm 2017.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cùng
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng chủ trì Hội
nghị. Tham dự Hội nghị, bên cạnh Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc
ngân hàng Trung ương của 21 nền kinh tế thành viên APEC, còn có sự tham
gia của đại diện cấp cao từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế
giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Tổ chức hợp tác và phát
triển kinh tế (OECD) và các đối tác quốc tế.
Trong ngày thứ
nhất, đại diện các nền kinh tế và các tổ chức quốc tế đã thảo luận về
các nội dung: Tình hình kinh tế tài chính vĩ mô quốc tế và khu vực;
Triển khai Kế hoạch hành động Cebu; Đầu tư dài hạn cho cơ sở hạ tầng;
Xói mòn cơ sở thuế và Chuyển dịch lợi nhuận; Tài chính và Bảo hiểm rủi
ro thiên tai.
Về tình hình kinh tế tài chính toàn cầu và khu
vực, các Thứ trưởng và Phó thống đốc ngân hàng Trung ương APEC đã tập
trung thảo luận các vấn đề nổi bật, khó khăn, thách thức đối với các nền
kinh tế thành viên cũng như các chính sách ứng phó.
Các
tổ chức quốc tế đều có chung nhận định: Tăng trưởng kinh tế toàn cầu và
khu vực mặc dù có những dấu hiệu tích cực, song đang phải đối mặt với
nhiều khó khăn, thách thức như tổng cầu tăng chậm, vấn đề năng suất lao
động, bảo vệ môi trường, bất bình đẳng... Phản ứng chính sách của các
nền kinh tế trong khu vực có nhiều xu hướng khác nhau.
Nhu cầu
hợp tác và phối hợp chính sách vĩ mô trong khu vực là đặc biệt quan
trọng nhằm thúc đẩy tăng trưởng và tái cân bằng kinh tế vĩ mô của các
nền kinh tế trong khu vực, thúc đẩy thương mại, tham gia chuỗi giá trị
gia tăng, tăng cường kết nối khu vực.
Về triển khai Kế hoạch
hành động Cebu và chiến lược đổi mới Tiến trình Bộ trưởng Tài chính
APEC, các Thứ trưởng Tài chính và Phó thống đốc ngân hàng Trung ương đã
nghe báo cáo cập nhật tiến độ triển khai Kế hoạch hành động Cebu, phê
duyệt danh mục các sáng kiến đã được các nền kinh tế thành viên, các tổ
chức quốc tế đăng ký triển khai thực hiện, cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và
định hướng triển khai các sáng kiến trong khuôn khổ Kế hoạch hành động
Cebu.
Các đại biểu tham dự hội nghị chụp ảnh chung. Ảnh: Nguyễn Khang/TTXVN
|
Hội
nghị cũng khuyến khích các nền kinh tế thành viên tiếp tục đăng ký các
hoạt động, sáng kiến với Ban thư ký APEC để triển khai trong thời gian
tới, đồng thời đề nghị các tổ chức quốc tế dành nhiều hơn nữa các nguồn
lực hỗ trợ kỹ thuật để giúp các nền kinh tế thành viên thực hiện tốt các
hoạt động của mình, góp phần hướng tới các mục tiêu chung của Kế hoạch
hành động Cebu.
Về chủ đề đầu tư dài hạn cơ sở hạ tầng, các Thứ
trưởng, Phó Thống đốc đã chia sẻ kinh nghiệm, tập trung vào cơ chế chia
sẻ rủi ro trong các dự án đầu tư theo hình thức hợp tác công tư (PPP),
tập trung vào vấn đề chia sẻ rủi ro giữa nhà nước và nhà đầu tư,
các công cụ tài chính, cơ chế giảm thiểu và chia sẻ rủi ro, vai trò của
khu vực tư nhân trong thực hiện các dự án đầu tư theo hình thức hợp tác
công tư. Các Thứ trưởng, Phó Thống đốc cũng nhất trí sẽ tiếp tục hợp tác
và triển khai các hoạt động trong năm 2017 về vấn đề này.
Đối
với vấn đề Xói mòn cơ sở thuế và Chuyển dịch lợi nhuận (BEPS), các Thứ
trưởng, Phó Thống đốc đã chia sẻ kinh nghiệm triển khai Xói mòn cơ sở
thuế và Chuyển dịch lợi nhuận, trong đó có Tiêu chuẩn tối thiểu Xói mòn
cơ sở thuế và Chuyển dịch lợi nhuận.
Các nền kinh tế thành viên
như Australia, Nhật Bản và Indonesia cũng đã chia sẻ kinh nghiệm của
mình trong việc thực hiện gói Xói mòn cơ sở thuế và Chuyển dịch lợi
nhuận trong APEC.
Hội nghị kết thúc ngày họp thứ nhất với phần
trao đổi về Tài chính và Bảo hiểm cho rủi ro thiên tai. Các chuyên gia
tập trung trao đổi về các phương pháp xây dựng cơ sở dữ liệu và chiến
lược quốc gia về Tài chính và Bảo hiểm rủi ro thiên tai. Các nội dung đã
trao đổi tại Hội thảo về Tài chính và Bảo hiểm cho rủi ro thiên tai
ngày 21/2 cũng đã được báo cáo tại phiên thảo luận này.
Ngoài
ra, một số nước như Nhật Bản, Australia đã chia sẻ kinh nghiệm xây dựng
Chiến lược cấp quốc gia về Tài chính và Bảo hiểm rủi ro thiên tai và
quản lý tài sản công ứng phó với tác động thiên tai.
Hội nghị sẽ tiếp tục ngày làm việc thứ hai (24/2/2017) với các nội dung về Tài chính toàn diện và các vấn đề quan tâm khác.
Thu Phương (TTXVN)