Ý kiến lệch lạc, bình luận ác ý
Trước ngày diễn ra lễ mít tinh, diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, trên một tờ báo điện tử nước ngoài đăng tải bài viết mà ngay cái tên tiêu đề đã tỏ ra thiếu khách quan và mang tính kích động: “Tranh cãi về cuộc diễu binh 2-9” (!).
Bài báo trích đăng một số ý kiến trên mạng với những lời lẽ rất “sốc” như: “Mình chẳng thích diễu binh và chả quan tâm đến sự háo hức vô bờ bến của các bác vào những đợt diễu binh, chỉ cảm thấy dân như bị lừa..."; “Ai cho phép làm rối loạn giao thông thế này? Căn cứ pháp luật nào để bạ đâu cấm đấy thế này? Những người nắm quyền đang coi Thủ đô như mảnh đất trong vườn nhà họ hay sao mà tùy tiện như vậy?... Hay thực ra họ đang muốn chứng tỏ quyền lực, ảo tưởng quyền lực” (!)...
|
Lễ Mít tinh kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 tại Quảng trường Ba Đình. Ảnh: Trọng Hải.
|
Cần phải khẳng định ngay rằng, những ý kiến trên đây vừa lạc lõng, vừa sai trái. Vì trên thực tế cũng có vài kẻ nào đó thờ ơ với quá khứ có thể không quan tâm đến lễ mít tinh, diễu binh, diễu hành của đất nước, nhưng không thể nói việc phân luồng giao thông để phục vụ sự kiện này là “làm rối loạn giao thông”, là “bạ đâu cấm đấy” (!). Những nhận định đó không chỉ xúc phạm nghiêm trọng đến tình cảm, niềm tin, danh dự, nhân phẩm của hàng vạn người dân Thủ đô luôn có ý thức thường trực trong việc bảo đảm đường thông hè thoáng để phục vụ lễ diễu binh, diễu hành; mà còn xúc phạm đến uy tín của chính quyền và các cơ quan chức năng đã thực thi đúng pháp luật, thể hiện rõ trách nhiệm chính trị cao cả trong ngày hội lớn của đất nước. Từ nhiều năm qua, hầu hết người dân Thủ đô đã tự nguyện, tự giác gác lại một chút lợi ích riêng tư để giúp cộng đồng, giúp mọi người cùng hưởng niềm vui, niềm hạnh phúc chung trong ngày Quốc khánh. Đó là tình cảm hết sức tự nhiên, một lẽ thường tình ai cũng biết. Ấy vậy mà vẫn có những kẻ nhìn đời bằng con mắt hằn học mới có suy nghĩ thiển cận và cố tình bình luận ác ý như vậy.
Tôn vinh lịch sử hào hùng để bồi đắp sức mạnh tinh thần cho toàn dân tộc
Trong tâm thức người Việt Nam, ngày Quốc khánh 2-9-1945 là một ngày “đặc biệt của đặc biệt”. Đó không chỉ là dấu mốc chói lói trong lịch sử dựng nước và giữ nước hàng nghìn năm của dân tộc Việt Nam, mà còn là ngày sinh ra chế độ chính quyền mới, là thời khắc biến con người Việt Nam từ thân phận nô lệ trở thành chủ nhân của chính mình và chủ nhân của xã hội. Bởi vậy, từ trong sâu thẳm trái tim, khối óc của mỗi người Việt Nam, tưởng nhớ, tri ân các bậc tiên hiền, tiên liệt đã có công khai cơ lập quốc, sinh thành ra chế độ chính quyền cách mạng của nhân dân vừa là niềm tin, tình cảm cao cả, vừa là bổn phận, trách nhiệm thiêng liêng. Niềm tin, tình cảm, bổn phận, trách nhiệm ấy như dồn vào, như hội tụ, như thăng hoa tại lễ mít tinh, diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9-2015. Hơn 30.000 cán bộ, chiến sĩ các LLVT và người dân đại diện cho hơn 90 triệu người dân Việt được tham gia sự kiện trọng đại này trong ngày hội lớn của non sông, vừa là niềm vinh dự tự hào lớn lao, vừa là kỷ niệm thiêng liêng, sâu sắc trong cuộc đời mỗi người.
Diễn ra trong khoảng thời gian chưa đầy hai tiếng đồng hồ, lễ mít tinh kỷ niệm với những nghi thức hết sức thiêng liêng, chương trình diễu binh, diễu hành chỉ với mục đích biểu dương sự trưởng thành, lớn mạnh của các LLVT, các giai cấp, tầng lớp nhân dân và chặng đường phát triển của đất nước ta trong 70 năm qua. Chương trình này được tổ chức trang trọng, giàu ý nghĩa giáo dục truyền thống lịch sử và mang thông điệp khát vọng hòa bình của dân tộc Việt Nam, nên để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế. Điều này hoàn toàn trái ngược với một số ít nhận định lạc lõng rằng, đây là chương trình diễu binh “gây tốn kém, lãng phí không cần thiết” (!).
Không riêng gì Việt Nam, hầu hết các quốc gia trên thế giới, dù to hay nhỏ, dù là nước phát triển hay đang phát triển, đều coi ngày Quốc khánh của nước mình là ngày lễ trọng nhất của quốc gia dân tộc. Trong ngày đặc biệt đó, mỗi quốc gia đều có những hình thức, nội dung kỷ niệm phù hợp nhằm khơi dậy lòng yêu nước, ý thức tự tôn, tự cường dân tộc cho cộng đồng, qua đó nhắc nhớ, động viên, cổ vũ người dân trong nước luôn có ý thức “hướng cội, trọng nguồn” để xác định rõ hơn trách nhiệm của mình với hiện tại và tương lai đất nước. Thông thường, ngày Quốc khánh của các nước vào các năm tròn, chẵn thì quy mô, hình thức, cấp độ tổ chức sự kiện trên bình diện quốc gia; thậm chí có nhiều nước không dừng lại ở lễ mít tinh, diễu binh, diễu hành bình thường, mà tổ chức lễ duyệt binh rất hoành tráng kết hợp với phô trương các loại vũ khí trang bị quân sự tối tân, hiện đại nhất của quốc gia.
Đối với nước ta, khoảng cách tròn 10 năm chẵn mới tổ chức lễ mít tinh, diễu binh, diễu hành trên Quảng trường Ba Đình một lần. Điều này rất phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội của đất nước, vừa đáp ứng nhu cầu tình cảm, lòng mong đợi của các tầng lớp nhân dân. Việc tổ chức sự kiện này được Đảng, Nhà nước và các cấp, các ngành tổ chức một cách khoa học, hợp lý, không phô trương hình thức, không gây lãng phí, nhưng vẫn bảo đảm trang trọng, thiết thực, tiết kiệm với mục đích cao nhất là vừa tri ân lịch sử hào hùng của các thế hệ ông cha, vừa khơi dậy tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc và động viên, cổ vũ các tầng lớp nhân dân đoàn kết một lòng, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, quyết tâm xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN trong tình hình mới.
Nét đẹp truyền thống lâu năm ở nước ta là vào các dịp lễ trọng như Quốc khánh 2-9, ngoài các hoạt động mít tinh, kỷ niệm, giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao, các địa phương, các cấp, các ngành đã chủ động tổ chức các hoạt động tình nghĩa như: Gặp mặt những chiến sĩ cộng sản bị địch bắt, tù đày; thăm hỏi, tặng quà cán bộ lão thành cách mạng, những người có công với nước; đưa thế hệ trẻ về nguồn thăm các vùng quê cách mạng, căn cứ kháng chiến; tri ân và vinh danh những tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp, cống hiến cho quê hương, Tổ quốc; xây dựng các công trình văn hóa, y tế, giáo dục... cho đồng bào các dân tộc ở các vùng chiến khu xưa. Những việc làm đó vừa thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc ta; vừa thể hiện tinh thần “Ý Đảng, lòng dân, nghĩa nước” đã hòa quyện vào nhau một cách hài hòa, nhuần nhị.
Có thể nói rằng, ngày lễ trọng Quốc khánh 2-9-2015 là ngày vui của toàn dân Việt Nam. Hình ảnh hàng vạn người dân Thủ đô từ tờ mờ sáng đứng đợi hai bên đường phố chờ đoàn diễu binh đi qua vỗ tay chào mừng nồng nhiệt và hàng chục triệu đồng bào, chiến sĩ cả nước theo dõi truyền hình trực tiếp lễ mít tinh, diễu binh, diễu hành sáng 2-9, đã nói lên tình cảm yêu nước nồng nàn, niềm tự hào và lòng tự tôn dân tộc của quân dân ta sâu sắc đến nhường nào. Vì trong tiềm thức sâu xa, ngày Quốc khánh là ngày mà đồng bào, chiến sĩ ta đều thấy sức mạnh Việt Nam trong quá khứ đang được các thế hệ người Việt hôm nay tiếp tục bồi đắp, nhân lên để đạp bằng mọi chông gai, quyết tâm đưa đất nước Việt Nam phát triển, từng bước vươn lên ngang tầm với các nước trong khu vực và trên thế giới, xứng danh với vị thế của một quốc gia đã có nền tảng độc lập từ 70 năm qua.
Thiện Văn/QĐND