Thứ Bảy, 23/11/2024
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Thứ Hai, 17/8/2015 11:2'(GMT+7)

Đằng sau luận điệu xuyên tạc về Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9

Trong khi cả nước đang náo nức hướng tới kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 thì một số trang mạng của các thế lực thù địch, phản động đang cố gắng xuyên tạc, bóp méo tính chất và ý nghĩa của các sự kiện lịch sử này. Trong đó có những luận điệu hết sức hoang đường và thâm hiểm là: Thứ nhất, ngày độc lập cho Việt Nam là ngày 11-3-1945, khi Bảo Đại ký đạo dụ tuyên bố hủy bỏ Hòa ước Giáp Thân (hay còn gọi là Hòa ước Patenôtre) ký với Pháp năm 1884. Thứ hai, không cần phải tiến hành Cách mạng Tháng Tám để giành độc lập cho đất nước vì lúc ấy đã có “chính thể” Bảo Đại-Trần Trọng Kim, chỉ còn chờ được các nước công nhận nền độc lập. Cũng do đó, Cách mạng Tháng Tám thực chất là Việt Minh giành chính quyền từ Bảo Đại-Trần Trọng Kim. Thứ ba, Cách mạng Tháng Tám thành công nhờ may mắn từ hoàn cảnh lịch sử. Những luận điệu trên sai trái ở những điểm nào?

1. Đầu tiên, có thể thấy sự kiện ngày 11-3-1945 khi Bảo Đại ký đạo dụ tuyên bố hủy bỏ Hòa ước Giáp Thân ký với Pháp năm 1884 chỉ diễn ra sau sự kiện đêm 9-3-1945 “Nhật đảo chính Pháp” trên toàn cõi Đông Dương. 

Sau khi hất cẳng thực dân Pháp, vấn đề quan trọng nhất đối với quân Nhật là phải lập ra được một bộ máy cai trị tay sai bản xứ để duy trì trật tự và ổn định. Vì thế, "chính phủ" Trần Trọng Kim được ra đời dưới sự bảo hộ của phát xít Nhật. Phát xít Nhật đã chọn hai quân bài để phục vụ mục đích của mình bao gồm: Bảo Đại làm vua, còn Trần Trọng Kim là thủ tướng dưới một hình thái tổ chức chính quyền kiểu quân chủ lập hiến. Nhất cử nhất động của “chính phủ” Trần Trọng Kim đều phải xin phép và phải được sự đồng ý của Nhật. Danh sách nội các mà Trần Trọng Kim trình với Bảo Đại cũng phải được sự chấp thuận của Đại sứ Nhật Bản tại Huế là Masayuki Yokoyama.

Đạo dụ ngày 11-3-1945 của Bảo Đại thực chất là một văn bản dưới sức ép của phát xít Nhật nhằm chối bỏ sự đô hộ của thực dân Pháp đối với Việt Nam, đồng thời đặt Việt Nam nằm trong vòng kiềm tỏa của nước Nhật. Mang danh nghĩa là vua, nhưng không có thực quyền nên trong Tuyên ngôn thoái vị ngày 25-8-1945 trước Ngọ Môn, Bảo Đại đã thốt lên rằng: “Trong hai mươi năm ở ngôi, trẫm đã trải qua bao nhiêu cay đắng. Trẫm muốn được làm dân một nước tự do, hơn làm vua một nước bị trị. Từ nay trẫm lấy làm sung sướng được là dân tự do, trong một nước độc lập”.

Sau này, trong hồi ký “Một cơn gió bụi”, ông Trần Trọng Kim cũng cay đắng chỉ ra bản chất và thâm ý của phát xít Nhật: "Nhật Bản trước vốn là một nước đồng văn đồng hóa ở Á Đông, nhưng về sau đã theo Âu hóa, dùng những phương pháp quỷ quyệt để mở rộng chủ nghĩa đế quốc của họ, trước đã thôn tính Cao Ly và Mãn Châu, sau lại muốn xâm lược nước Tàu và các nước khác ở Á Đông đã bị người Âu châu chiếm giữ. Người Nhật tuy dùng khẩu hiệu "đồng minh cộng nhục" và lấy danh nghĩa "giải phóng các dân tộc bị hà hiếp" nhưng thâm ý là muốn thu hết quyền lợi về mình.”

2. Cũng chính bởi vậy, mặc dù từ ngày 17-4 đến 23-8-1945, tại Việt Nam có một chính thể do người Việt Nam đứng đầu nhưng chính thể ấy do phát xít Nhật lập ra, đất nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam vẫn hoàn toàn chưa có độc lập, tự do. Thực chất mọi quyền hành tại Việt Nam thời gian đó đều trong tay phát xít Nhật. Vì thế, Cách mạng Tháng Tám là cuộc cách mạng của toàn thể dân tộc ta, nhân dân ta giành chính quyền từ tay phát xít Nhật. Trong Tuyên ngôn Độc lập ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã công bố rõ điều này: “Sự thật là từ mùa thu năm 1940, nước ta đã thành thuộc địa của Nhật, chứ không phải thuộc địa của Pháp nữa. Khi Nhật hàng Đồng minh thì nhân dân cả nước ta đã nổi dậy giành chính quyền lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Sự thật là dân ta đã lấy lại nước Việt Nam từ tay Nhật, chứ không phải từ tay Pháp”. Có thể khẳng định, chính thể Bảo Đại-Trần Trọng Kim chỉ là con bài trong tay Nhật. Vì thế, không thể nói rằng Cách mạng Tháng Tám là cuộc cách mạng mà Việt Minh giành chính quyền từ Bảo Đại-Trần Trọng Kim.

Luận điệu cho rằng, chính thể Bảo Đại-Trần Trọng Kim chỉ chờ được các nước công nhận thì Việt Namsẽ được độc lập cũng hết sức nực cười. Thực tế lịch sử đã chỉ ra rằng, quân đội Đồng minh bao gồm quân Tàu- Tưởng, liên quân Anh-Pháp khi vào giải giáp quân Nhật tại Việt Nam đều có mưu đồ muốn áp đặt sự thống trị của họ đối với đất nước ta. Do đó, từ vĩ tuyến 16 trở vào Nam, chỉ ngay khi vừa đổ bộ vào Sài Gòn, liên quân Anh- Pháp đã tấn công chính quyền và lực lượng vũ trang của ta để tái chiếm Nam Bộ. Còn từ vĩ tuyến 16 ra Bắc, quân Tàu-Tưởng có âm mưu lật đổ chính quyền của ta, đưa bọn phản động thân Tàu-Tưởng lên nắm quyền. 

Thực tế lịch sử đất nước ta đã cho thấy:  tất cả những người trông mong vào sự trợ giúp của ngoại bang để giành chính quyền, giành độc lập, tự do cho dân tộc đều bị thất bại. Hiểu rõ được điều ấy, trong Thư kêu gọi Tổng khởi nghĩa tháng 8-1945, lãnh tụ Hồ Chí Minh kêu gọi: “Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”. “Đem sức ta mà tự giải phóng cho ta” đã trở thành chân lý mang lại thành công cho các cuộc cách mạng của Việt Nam.

3. Một số kẻ cho rằng: “Cách mạng Tháng Tám thành công nhờ may mắn từ hoàn cảnh lịch sử”, rõ ràng là có dã tâm muốn hạ thấp giá trị cuộc cách mạng của toàn thể dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng. 

Điều mà ai cũng nhận thấy là hoàn cảnh lịch sử thời điểm tháng 8- 1945 đã tạo ra thời cơ vàng để dân tộc Việt Nam đứng lên làm một cuộc cách mạng giành độc lập, tự do. Lúc ấy, phát xít Nhật đã bại trận hoàn toàn, Nhật hoàng tuyên bố đầu hàng Đồng minh vào ngày 15-8-1945. Quân Nhật tại Việt Nam đã rệu rã về tinh thần, chờ quân Đồng minh vào giải giáp. Các lực lượng Đồng minh như quân Tàu-Tưởng, liên quân Anh-Pháp chưa vào đến nước ta. 

Nhưng nếu chỉ có thời điểm thuận lợi thì chưa thể tạo nên cuộc cách mạng thành công. Độc lập, tự do không phải là món quà bỗng dưng từ trên trời rơi xuống. Trong Thư kêu gọi Tổng khởi nghĩa, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã khẳng định điều này: “Không phải Nhật bại mà bỗng nhiên ta được giải phóng, tự do…”. 

Cách mạng Tháng Tám thành công vì đó là kết tinh của nghệ thuật chuẩn bị lực lượng, xác định đúng thời cơ và chớp thời cơ. Cách mạng Tháng Tám thành công, ít phải đổ máu là do các nhà lãnh đạo cách mạng Việt Nam đã luôn trên thế chủ động chiến lược.

Để có một cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền thành công trên cả nước trong mùa thu Tháng Tám năm 1945, Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân ta 15 năm, qua 3 cao trào cách mạng 1930-1931, 1936-1939 và 1939-1945 với những giai đoạn thử thách vô cùng khốc liệt, gian khổ. Đảng đã trưởng thành về tổ chức và lý luận, nhận được sự ủng hộ của nhân dân cả nước, tập hợp sức mạnh đoàn kết toàn dân trong một mặt trận dân tộc thống nhất gọi là Việt Minh. Ở tất cả các địa phương trên cả nước, Việt Minh đều có cán bộ, có cơ sở bám nắm nhân dân, vận động nhân dân. Nhờ đó, khi có kêu gọi Tổng khởi nghĩa, ngay lập tức hàng triệu người dân cả nước đều nhất tề đứng lên giành chính quyền.

Việc nhận định đúng thời cơ và chớp được thời cơ đòi hỏi những nhà lãnh đạo Cách mạng phải có một trí tuệ và tầm nhìn lớn. Từ giữa năm 1944, khi ở châu Âu, Hồng quân Liên Xô chuyển sang phản công thắng lợi trên nhiều mặt trận, không khí chuẩn bị khởi nghĩa sục sôi ở khắp nơi trên đất nước ta. Nhân dân vùng Cao-Bắc-Lạng sẵn sàng khởi nghĩa. Thế nhưng, cuối tháng 10-1944, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc từ Trung Quốc trở về Hà Quảng, Cao Bằng chỉ thị hoãn cuộc khởi nghĩa Cao-Bắc-Lạng. Người nói: “Thời kỳ cách mạng hòa bình phát triển đã qua, nhưng thời kỳ toàn dân khởi nghĩa chưa tới”. Đồng thời, Người chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân-tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam-để vừa tuyên truyền cách mạng, vừa sẵn sàng lực lượng quân sự hỗ trợ phong trào nổi dậy của nhân dân trong Tổng khởi nghĩa khi thời cơ đến. 

Hoãn khởi nghĩa lúc chưa đúng thời điểm, nhưng khi thấy thời cơ cho Tổng khởi nghĩa đã chín muồi, các nhà lãnh đạo cách mạng của ta thể hiện quyết tâm sắt đá lãnh đạo nhân dân đứng lên giành độc lập. Đó là vào cuối tháng 7-1945, Bác Hồ nói với đồng chí Võ Nguyên Giáp: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”.

Trong bài viết của mình rút ra những bài học kinh nghiệm từ thành công của Cách mạng Tháng Tám, Giáo sư Văn Tạo, Nguyên viện trưởng Viện Sử học (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) cho rằng: “Phương châm chiến lược kết hợp chặt chẽ đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, nắm đúng thời cơ để nổi dậy đã góp phần quyết định vào việc giành được chính quyền ít phải đổ máu. Nếu cuộc khởi nghĩa nổ ra sớm hơn, sẽ bị bọn phát-xít Nhật dập tắt; nếu nổ ra muộn hơn - khi quân Đồng minh, trong đó có Anh, Pháp và Tàu-Tưởng vào, thì cũng gặp khó khăn. Việc Chính phủ cách mạng lâm thời Việt Nam nhân danh là người đứng về phía Đồng Minh chống phát-xít giành được quyền độc lập, đã nói lên tài vận dụng chiến lược của cách mạng Việt Nam.”

70 năm đã qua, thời gian càng lùi xa càng có sự chiêm nghiệm, càng có thêm nhiều thông tin thì càng thấy được ý nghĩa vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 đối với đất nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam. Nó đã đập tan xiềng xích của thực dân, đế quốc, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, đưa nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ thành người dân một nước độc lập, làm chủ vận mệnh của mình. Cách mạng Tháng Tám mở ra kỷ nguyên mới của dân tộc là kỷ nguyên đấu tranh vì độc lập, thống nhất, xây dựng đất nước hùng cường, nhân dân ấm no, hạnh phúc. Không chỉ vậy, cuộc cách mạng giành độc lập, tự do của dân tộc ta đã trở thành một biểu tượng, một bài học kinh nghiệm quý giá, một sự khích lệ to lớn cổ vũ phong trào giải phóng dân tộc của nhân dân các nước thuộc địa. Ngày nay, đi tới bất cứ nơi đâu trên thế giới, người Việt Nam luôn được ngưỡng mộ vì là người dân của một đất nước anh hùng.

Các luận điệu cố gắng bôi nhọ những sự kiện lịch sử trọng đại đã trở thành niềm tự hào của đất nước, của dân tộc như Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2-9, Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước… đều là từ các thế lực thù địch, những kẻ cơ hội chính trị. Họ cố tình ngụy tạo thông tin, đưa ra các thông tin sai lệch, quan điểm sai trái để hòng phủ bóng đen lên con đường mà đất nước ta, dân tộc ta đã lựa chọn dưới sự lãnh đạo của Đảng. Tuy nhiên, sự thật lịch sử đã phơi bày sự vô lương tâm của họ, thực tế cuộc sống ấm no, hạnh phúc ngày hôm nay đã cho thấy sự trơ tráo của họ. Dù trước mắt còn không ít thử thách nhưng đất nước ta, dân tộc ta đang tiến bước để trở thành một đất nước phát triển, hội nhập với thế giới.

Xuyên tạc, bóp méo, bôi nhọ, hạ thấp Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2-9 của Việt Nam cũng có nghĩa là chà đạp lên khát vọng của dân tộc, chà đạp lên xương máu của biết bao thế hệ người Việt Nam đã ngã xuống vì độc lập, tự do, thống nhất của Tổ quốc. Những luận điệu lạc lõng đang bơi ngược dòng sự thật ấy chắc chắn sẽ bị nhấn chìm.

Hồ Quang Phương/QĐND

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất