Chỉ tính riêng trong 5 tháng cuối năm 2015, tại một số cảng biển, lực lượng chức năng đã bắt giữ hơn 7 tấn vảy tê tê có nguồn gốc từ nước ngoài tuồn vào Việt Nam.
Nhằm lan tỏa tinh thần đấu tranh bảo vệ các giống loài hoang dã, mới đây, Chương trình Môi trường Liên hợp quốc đã đưa ra nội dung hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới (5/6) năm 2016 là hướng về cuộc chiến chống nạn buôn bán trái phép động thực vật hoang dã.
Mục tiêu của Ngày Môi trường thế giới năm 2016 nhằm gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh đến công dân toàn cầu về điểm giới hạn của hệ sinh thái trên Trái Đất. Hơn bao giờ hết việc bảo vệ động, thực vật hoang dã cần sự chung tay của toàn thể cộng đồng.
Theo Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), việc buôn bán bất hợp pháp các sản phẩm từ động, thực vật hoang dã không chỉ làm suy thoái hệ sinh học, cướp đi những di sản, mà còn đẩy các giống loài đến gần sự tuyệt chủng. Thậm chí còn làm suy yếu nền kinh tế, gia tăng tổ chức tội phạm, tham nhũng và bất ổn trên toàn cầu.
Mặc dù, gần đây, các cơ quan chức năng và cộng đồng đã có nhiều nỗ lực nhằm bảo vệ các giống loài hoang dã. Thế nhưng, những loài mang tính biểu tượng được ghi danh vào sách đỏ như voi, tê giác, hổ, khỉ đột, rùa biển và một số loài ít được biết đến như chim mỏ sừng, tê tê, các loài lan rừng vẫn đang bị đe dọa bởi lợi ích của con người.
Ví dụ như loài hổ, mặc dù số lượng hổ thế giới gia tăng nhưng ở các nước Đông Nam Á thực trạng buôn bán trái phép loài động vật hoang dã quý, hiếm này vẫn đang ở mức “báo động đỏ.” Thậm chí, mới đây, Campuchia còn tuyên bố hổ tại quốc gia này đã tuyệt chủng.
Hàng trăm cá thể tê tê bị chết đang được bảo quản đông lạnh tại một trung tâm cứu hộ. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)
Còn tại Việt Nam thì sao? Theo bà Nguyễn Phương Dung, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên, năm 2010, Việt Nam còn lại khoảng 30 con hổ hoang dã ngoài tự nhiên. Thế nhưng, sau một thời gian vấn nạn buôn bán trái phép động vật hoang dã “vượt mức kiểm soát,” đến nay số lượng hổ ước tính đã giảm chỉ còn dưới 5 con.
Hay như tê tê, loài động vật hoang dã được buôn bán với số lượng nhiều nhất trong những năm gần đây, hiện nay cũng đang phải đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Theo thống kê của Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên, trong vòng một thập kỷ qua đã có khoảng 1 triệu cá thể tê tê bị săn bắt, buôn bán trái phép để lấy vẩy và làm thịt.
Chỉ tính riêng trong 5 tháng cuối năm 2015, tại một số cảng biển, lực lượng chức năng đã bắt giữ hơn 7 tấn vảy tê tê có nguồn gốc từ nước ngoài tuồn vào Việt Nam.
Trước thực trạng buôn bán bất hợp pháp các giống loài hoang dã đáng lên án trên, các chuyên gia bảo tồn cho rằng, cộng đồng Việt Nam cần phải thay đổi thói quen và hành vi để giảm nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm từ động, thực vật hoang dã.
Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng cần nâng cao nhận thức, tăng cường áp lực đối với chính phủ, các tổ chức quốc tế nhằm ban hành, tăng cường thực thi pháp luật và ngăn chặn những cá nhân, tổ chức vi phạm.
Với tinh thần trên, Ngày Môi trường Thế giới năm 2016 khuyến khích người dân quan tâm, bảo vệ tất cả các loài đang bị đe dọa và có những hành động của riêng bạn để bảo vệ động, thực vật và bảo vệ các thế hệ tương lai./.
Theo VN+