Nhân dịp kỷ niệm 94 năm thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, TTXVN
đã phỏng vấn Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ
Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương về những nội dung liên quan đến việc đảm bảo bình đẳng giới,
nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ Việt Nam trong thời kỳ mới.
PV: Bà đánh giá như thế nào về những tiến bộ của Việt Nam trong việc
thực hiện các cam kết về quyền phụ nữ theo Tuyên bố Bắc Kinh trong 30
năm qua?
Bà Nguyễn Thị Minh Hương: Kể từ Tuyên bố Bắc Kinh đến nay, Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ
trong việc thực hiện các cam kết về quyền phụ nữ. Trước hết, có thể thấy
hệ thống pháp luật của Việt Nam đang ngày càng được hoàn thiện.
Luật Bình đẳng giới được ban hành năm 2006 và sau đó là các văn
bản hướng dẫn thi hành luật đã đi vào cuộc sống và phát huy tác
dụng. Các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành hay sửa đổi,
bổ sung đều thực hiện lồng ghép vấn đề bình đẳng giới, đồng
thời đánh giá tác động về giới nếu có vấn đề giới, tạo ra
khung pháp lý ngày càng thu hẹp khoảng cách và thúc đẩy bình đẳng giới
hiệu quả hơn.
Toàn bộ 12 nội dung trong Cương lĩnh hành động Bắc Kinh đều
được Việt Nam triển khai nghiêm túc và có những kết quả tích
cực, trong đó nổi bật là những nội dung “Phụ nữ và đói nghèo”,
“Phụ nữ và sức khỏe”, “Phụ nữ và kinh tế”, “Phụ nữ và môi
trường”, “Trẻ em gái”. Chúng ta có thể thấy rất rõ bình đẳng giới
được lồng ghép trong nhiều chương trình mục tiêu quốc gia như Chương
trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững, Chương trình mục tiêu
quốc gia xây dựng Nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia phát
triển kinh tế - xã hội vùng đồng bảo dân tộc thiểu số và
miền núi.
Theo Báo cáo phát triển con người của UNDP, năm 2022, Việt Nam
đứng thứ 107/193 quốc gia và vùng lãnh thổ về chỉ số phát triển
con người, nhưng riêng chỉ số Phát triển giới (GDI) thì chúng ta
đứng thứ 91, nghĩa là cao hơn thứ hạng chỉ số phát triển con người và
cao hơn thứ hạng nền kinh tế nếu xét theo GDP bình quân đầu người (năm
2022 là 101/179). Xét về chỉ số phát triển giới, Việt Nam nằm trong
nhóm 1 là nhóm có sự bình đẳng cao nhất về chỉ số phát triển
con người giữa nam và nữ.
Một chỉ số cũng đáng quan tâm là chỉ số Khoảng cách giới do
Diễn đàn Kinh tế thế giới công bố hàng năm thì thấy có sự tiến bộ của
Việt Nam rất rõ nét kể từ khi bắt đầu được xếp hạng. Đây là chỉ
số đánh giá khoảng cách giữa nam và nữ trong 4 lĩnh vực kinh tế, giáo
dục, y tế và tham chính. Nếu năm 2007, điểm số của Việt Nam là 0,689
thì đến năm 2024 đã đạt 0,715 nghĩa là khoảng cách giới đang ngày
càng thu hẹp.
PV: Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã nỗ lực như thế nào
trong việc thúc đẩy bình đẳng giới và bảo vệ quyền của phụ nữ, thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Minh Hương: Tất cả các hoạt động của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đều
nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và bảo vệ quyền và lợi ích
hợp pháp của phụ nữ. Ở đây tôi chỉ nêu sâu một khía cạnh, đó
là các hoạt động giám sát việc thực hiện chính sách và phản
biện xã hội đối với các dự thảo luật, chính sách của Hội Phụ nữ
Việt Nam.
Từ chỗ đây chỉ là một nội dung trong một nhiệm vụ thì hiện
nay giám sát và phản biện xã hội, vận động phụ nữ tham gia
xây dựng Đảng và hệ thống chính trị đã trở thành một nhiệm
vụ độc lập, điều đó thể hiện sự thay đổi từ tư duy của các cấp
Hội.
Đối với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, giám sát không chỉ là thực
hiện quyền và trách nhiệm giám sát theo quy định của pháp luật, mà còn
thực hiện có hiệu quả chức năng dân chủ đại diện cho các tầng lớp phụ nữ
theo Điều lệ Hội, góp phần thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và vai
trò, trách nhiệm của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trong tham gia quản
lý nhà nước và phản biện xã hội đối với các chính sách, pháp luật.
Kết quả giám sát là đầu vào quan trọng cho hoạt động tham gia xây
dựng, đề xuất chính sách, pháp luật và phản biện xã hội đối với các dự
thảo văn bản quy phạm pháp luật và chính sách. Đồng thời, nó cũng là
kinh nghiệm quý báu cho hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật, tư vấn
pháp luật, trợ giúp pháp lý và giải quyết đơn thư.
Bên cạnh đó, việc đầu tư cho công tác xây dựng chính sách bằng việc
xác định các chỉ tiêu cho các cấp Hội trong việc tham gia giám sát, chủ
trì các đoàn giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật, yêu cầu các
tỉnh mỗi năm phải chủ trì phản biện xã hội ít nhất 1 dự thảo văn bản quy
phạm pháp luật của địa phương; đề xuất chính sách hỗ trợ phụ nữ qua các
đề án cũng được chú trọng.
Chúng tôi rất phấn khởi là một số đề xuất của Hội đã
được tiếp thu và trở thành chính sách ở cấp quốc gia và địa
phương như: Nghị định số 39/2015/NĐ-CP của Chính phủ về hỗ trợ phụ nữ
thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách
dân số, hoặc nhiều đề án trong lĩnh vực hỗ trợ phụ nữ khởi
nghiệp, bảo vệ môi trường…
Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cũng tổ chức nhiều hoạt động tuyên
truyền, nâng cao kiến thức, ý thức pháp luật cho phụ nữ để họ hiểu quyền
của mình và tự bảo vệ mình; tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ phụ nữ thực
hiện quyền của mình trong lĩnh vực kinh tế, gia đình; giải quyết vụ việc
xâm hại quyền phụ nữ và trẻ em.
Đặc biệt, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam được giao là cơ
quan chủ trì thực hiện Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết
những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”. Mục tiêu của Dự án
nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, chăm lo đời sống vật chất,
tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em gái tại các xã và thôn đặc
biệt khó khăn, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới.
Triển khai dự án, Hội đã thiết kế, xây dựng nhiều mô hình cụ thể để
thúc đẩy bình đẳng giới ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Cụ thể tập
trung vào 4 nhiệm vụ trọng tâm là: Tuyên truyền, vận động thay đổi “nếp
nghĩ, cách làm", xóa bỏ các định kiến, khuôn mẫu giới; xây dựng và nhân
rộng các mô hình nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ; bảo đảm tiếng
nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ và trẻ em trong các hoạt động
phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao năng lực thực hiện lồng ghép giới
cho cán bộ trong hệ thống chính trị và già làng, trưởng bản, người có uy
tín trong cộng đồng…
PV: Bà có thể cho biết những tồn tại và giải pháp trọng tâm nhằm thực hiện tốt công tác bình đẳng giới tại Việt Nam?
Bà Nguyễn Thị Minh Hương: Mặc dù đã có rất nhiều tiến bộ, nhưng phải nhìn thẳng vào
thực tế là khoảng cách giới đang vẫn còn, và nếu chúng ta
không có những giải pháp mạnh mẽ thì có thể khoảng cách đó
sẽ bị nới rộng. Ví dụ trong lĩnh vực kinh tế, hiện nay thu nhập
của nam và nữ có mức chênh lệch đáng kể. Theo Tổng cục Thống kê, thu
nhập bình quân của lao động nam quý II năm 2024 là 8,5 triệu
đồng/tháng, lao động nữ là 6,3 triệu đồng/tháng.
Như vậy tỷ lệ thu nhập của phụ nữ chỉ bằng 74% của nam giới.
Bên cạnh đó, cơ hội có việc làm ở phụ nữ có chuyên môn cao (được đào tạo
nghề) thấp hơn nam giới; phụ nữ không có tay nghề chuyên môn cao dễ
bị mất việc khi các doanh nghiệp thực hiện tự động hóa, hoặc họ
không nắm được cơ hội nghề nghiệp trong tương lai ở các lĩnh vực
kinh tế số bởi phụ nữ ít tham gia các ngành học STEM.
Ở Việt Nam, phụ nữ tham gia quản lý, lãnh đạo, đặc biệt ở các cơ
quan quản lý nhà nước cấp Trung ương còn thấp, nữ chủ yếu ở cấp
phó và phụ trách các lĩnh vực y tế, giáo dục. Nếu xét về
tỷ lệ nữ tham gia Quốc hội thì Việt Nam xếp thứ 53/146 nước
nhưng tỷ lệ nữ ở vị trí Bộ trưởng thì chỉ ở thứ 116/146
nước.
Bên cạnh đó, quan niệm trọng nam, khinh nữ vẫn tồn tại dai dẳng trong
xã hội Việt Nam, thời gian làm việc nội trợ của phụ nữ trong
gia đình vẫn cao hơn nam giới 1,78 lần (nghiên cứu năm 2022).
Báo cáo “Phụ nữ, kinh doanh và luật pháp” năm 2023 của Ngân
hàng Thế giới (báo cáo đo tác động của luật pháp tới cơ hội
kinh tế của phụ nữ tại 190 nền kinh tế trên thế giới ở 8 lĩnh
vực liên quan đến luật pháp của phụ nữ: đi lại, nơi làm việc,
trả công, hôn nhân, làm cha mẹ, kinh doanh, tài sản và lương hưu)
cho thấy chỉ có 14 nước có bình đẳng giới trong luật pháp.
Ở cấp độ toàn cầu, phụ nữ hưởng 77% quyền theo luật pháp so
với nam giới, tức là 2,4 triệu phụ nữ trong độ tuổi lao động
trên thế giới đang sống trong những nền kinh tế không bảo đảm
cho họ quyền như nam giới. Việt Nam đứng thứ 55/190 nền kinh tế,
phụ nữ hưởng 88,1% quyền theo luật pháp so với nam giới và
theo chỉ số này thì Việt Nam và Lào đang đứng đầu các nước
ASEAN.
Để nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, thời gian tới cần tăng cường
tuyên truyền, giáo dục bằng nhiều nội dung, hình thức phù hợp để tạo dư
luận xã hội ủng hộ và xóa dần sự phân biệt giữa con trai và con gái
trong quan niệm của nhiều người dân; tập trung vào vấn đề định kiến
giới, tâm lý ưa thích con trai hơn con gái, phát huy hơn nữa sự tham gia
của nam giới vì bình đẳng giới. Đồng thời, phát huy vai trò, nâng cao
vị thế của phụ nữ và trẻ em gái, vận động người dân thay đổi tư duy,
nhận thức và hành động trong vấn đề chênh lệch giới tính khi sinh bằng
việc tăng cường tuyên truyền, phổ biến các văn bản, chủ trương, chính
sách, pháp luật.
Các cấp, các ngành cần phối hợp tổ chức các sự kiện, chiến dịch
truyền thông trọng điểm trên kênh truyền thông đại chúng các cấp và kênh
truyền thông trực tiếp tại cơ sở, tuyên truyền về mất cân bằng giới
tính khi sinh, bình đẳng giới và triển khai các loại hình cung cấp thông
tin, mô hình tư vấn, dịch vụ chăm sóc sức khỏe...
PV: Trân trọng cảm ơn bà!./.
TTXVN