Chủ Nhật, 24/11/2024
Văn hóa
Thứ Hai, 24/12/2018 10:2'(GMT+7)

Nghệ sỹ Anh Tú: Mọi ngả đường đều dẫn về… chốn cũ

Nghệ sỹ nhân dân Anh Tú. (Ảnh tư liệu gia đình)

Nghệ sỹ nhân dân Anh Tú. (Ảnh tư liệu gia đình)

Thế nhưng, sau mọi trải nghiệm, kiếm tìm trong những “cuộc chơi” ấy, nghệ sỹ Anh Tú vẫn trở về với sân khấu, đau đáu tìm hướng đi cho nghệ thuật kịch cho đến những bước cuối cùng trên hành trình nơi cõi tạm.

“Với Anh Tú, sân khấu luôn là một thánh đường, vô cùng thiêng liêng! Cậu ấy không chỉ yêu mà còn đắm đuối, mê mải đến… quên lối về,” nghệ sỹ nhân dân Hoàng Dũng chia sẻ. Sân khấu là nơi nghệ sỹ Anh Tú thăng hoa nhất trong cả hai vai trò: diễn viên (với những vai tầm cỡ) và đạo diễn (qua những vở diễn tầm vóc).

"KHÓ AI CÓ THỂ THAY THẾ!"

 Nghệ sỹ nhân dân Anh Tú thuộc khóa diễn viên đầu tiên của Nhà hát Tuổi Trẻ. Hơn bốn thập kỷ gắn bó với ánh đèn sân khấu, cố nghệ sỹ cùng những đồng nghiệp của mình (nghệ sỹ nhân dân Lê Khanh, nghệ sỹ nhân dân Lan Hương, nghệ sỹ ưu tú Minh Hằng, nghệ sỹ ưu tú Đức Hải…) đã tạo thành một thế hệ vàng của sân khấu phía Bắc mà lịch sử kịch nói sẽ còn mãi nhắc nhớ.

Nhớ về người học trò thuở trước, đạo diễn-nghệ sỹ nhân dân Phạm Thị Thành nghẹn ngào chia sẻ: “Anh Tú rất thông minh và say nghề, có khả năng tan chảy vào nhiều dạng vai khác nhau. Đặc biệt, ở thời kỳ hoàng kim của sân khấu Hà Nội, Anh Tú thực sự là một ngôi sao sáng với những vai diễn có chiều sâu tính cách, thể hiện xung đột nội tâm dữ dội trong những vở chính kịch. Nhiều năm sau này, khó ai có thể thay thế được Anh Tú ở những vai diễn nặng ký như vậy.”

Trong những năm cuối thập niên 1990s, diễn xuất của cặp đôi Lê Khanh-Anh Tú đã tạo nên một dấu mốc quan trọng của lịch sử sân khấu khi hóa thân thành Lý Chiêu Hoàng-Trần Cảnh trong vở “Rừng trúc.”

Nghệ sỹ Anh Tú cùng người bạn diễn-nghệ sỹ Lê Khanh ở một cảnh trong vở kịch "Rừng trúc."
Nghệ sỹ Anh Tú cùng người bạn diễn-nghệ sỹ Lê Khanh ở một cảnh trong vở kịch "Rừng trúc."

Câu chuyện của “Rừng trúc” bắt đầu vào thời điểm 10 năm sau cuộc chuyển giao quyền lực giữa hai dòng họ Lý-Trần trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Chân dung nhân vật Trần Cảnh với sự hoang mang cực độ (giữa những biến thiên thời cuộc), những ưu tư, giằng xé nội tâm không dứt (trong những mối quan hệ dòng tộc, tình cảm cá nhân) đã được diễn viên Anh Tú khi ấy diễn tả đầy ám ảnh.

Sự hòa nhịp của Anh Tú với Lê Khanh (khi chị hóa thân đầy thuyết phục, trở thành một Lý Chiêu Hoàng quyết liệt mà đằm thắm) đã tạo thành một đỉnh núi khó vượt cho lớp nghệ sỹ sau này.

Mạch truyện nối dài, đạo diễn Phạm Thị Thành kể: “Tôi đã lặng đi khi xem Anh Tú vào vai Vũ Như Tô trong vở kịch cùng tên. Nhìn Anh Tú diễn, tôi hiểu, người nghệ sỹ ấy đã hòa vào nhân vật để đau nỗi đau của nhân vật. Ánh nhìn sâu thẳm, sự gằn giọng của Anh Tú trong những câu thoại dẫn người xem vào thế giới tâm hồn nhân vật với những uất nghẹn, vấp ngã giữa chính khát vọng cống hiến của bản thân.”

Thế nhưng, sự nghiệp diễn xuất của cố nghệ sỹ Anh Tú không chỉ có vậy. Nhắc đến người nghệ sỹ tài hoa ấy, giới mộ điệu khó có thể quên những khoảnh khắc thăng hoa của ông trên sân khấu trong những vở kịch kinh điển của thế giới: “Macbeth,” “Romeo và Juliet”… Dù diễn bi kịch tình yêu hay sự tha hóa đến từ tham vọng quyền lực, nghệ sỹ Anh Tú đều rất thành công.

Macbeth là một trong những vai diễn thành công nhất của cố nghệ sỹ nhân dân Anh Tú.
Macbeth là một trong những vai diễn thành công nhất của cố nghệ sỹ nhân dân Anh Tú.

QUYẾT LIỆT ĐỔI MỚI

“Không chỉ có khả năng diễn xuất ấn tượng, Anh Tú còn có tư duy sân khấu riêng, khá thú vị. Bởi vậy, kể từ khi bước chân vào làng đạo diễn, Anh Tú đã dàn dựng thành công nhiều vở khó. Một trong những điều đáng mừng nhất là đạo diễn Anh Tú đã xác lập được những mã sân khấu riêng, định hình được phong cách khác biệt, luôn tìm tòi và quyết liệt đổi mới để chinh phục khán giả,” nghệ sỹ nhân dân Phạm Thị Thành nói.

Sinh thời, trong một lần trò chuyện về việc đưa những yếu tố đương đại vào kịch cổ điển, cố nghệ sỹ nhân dân Anh Tú chia sẻ quan điểm: “Hiện nay, theo quan sát của tôi, phần lớn khán giả đến với sân khấu kịch (cả ở Việt Nam và thế giới) đều thuộc lứa tuổi trung niên. Chúng tôi muốn góp phần thay đổi thực tế này, kéo giới trẻ đến với sân khấu nhiều hơn. Để làm được điều này, trước hết, sân khấu phải tự đổi mới mình.”

Đây cũng là lý do mà đạo diễn Anh Tú dàn dựng “Kiều” (chuyển thể từ kiệt tác “Truyện Kiều” - Nguyễn Du) hay “Romeo và Juliet” (Shakespeare) theo cách riêng: đưa vào những ca khúc theo phách hiện đại (pop, rap) hay vũ điệu trẻ trung (như clacket…).

Trước những thể nghiệm để tìm lại khán giả và khơi mạch hướng đi mới cho sân khấu, vị đạo diễn ấy cũng gặp phải không ít khó khăn và sự hoài nghi của chính đồng nghiệp. Không ít ý kiến cho rằng, nhạc pop, rap và kiệt tác “Truyện Kiều” vốn không liên quan gì tới nhau. Liệu rằng, sự kết hợp ấy có tạo ra những sản phẩm khập khiễng?

Hay, giữa bối cảnh sân khấu “ế ẩm,” khán giả không mặn mà với cả chính kịch và hài kịch, việc dựng lại những vở kịch cổ điển của thế giới như “Romeo và Juliet” (với đòi hỏi đầu tư lớn, công phu về trang phục, sân khấu, diễn viên…) là việc làm phiêu lưu, cuộc chơi mạo hiểm. Đó là chưa kể, hai vai chính (Romeo, Juliet) là những vai “nặng ký,” đa chiều, đòi hỏi diễn viên thực sự “có nghề.” Nhân vật của Shakespeare không chỉ đẹp mà còn thuộc dòng dõi quý tộc với cốt cách đặc trưng, thần thái khác biệt.

Đáp lại, vị đạo diễn tài năng ấy quả quyết: “Nếu cứ nghĩ rằng có nhiều khó khăn, diễn viên chưa đủ độ ‘chín’ và dựng xong sẽ không ai xem, để rồi ngồi im, không làm gì hoặc thu mình vào vòng an toàn thì sẽ không thể có được những tác phẩm nghệ thuật thực sự. Từ đó, tất cả sẽ thiệt thòi: khán giả sẽ khó có cơ hội được thường xuyên xem những tác phẩm kinh điển của nhân loại; diễn viên sẽ không có cơ hội để thử sức, rèn luyện ở những vai diễn nặng ký để trưởng thành. Từ đó, khoảng cách giữa Việt Nam và thế giới trong việc sáng tạo, thưởng thức nghệ thuật sẽ ngày càng lớn.”

Từ sự quyết liệt ấy, đạo diễn Anh Tú đã trình làng những vở diễn ấn tượng, được khán giả đón nhận và giới chuyên môn đánh giá cao. “Cách xử lý của Anh Tú rất thú vị. Trong khi tôi còn chưa biết xử lý thế nào với những câu chuyện đã quá quen thuộc như ‘Truyện Kiều’ hay ‘Romeo và Juliet’ thì Anh Tú đã tạo lập được một không gian riêng cho vở diễn, thổi vào đó một làn gió mới để phù hợp với xu hướng tiếp nhận của khán giả hiện đại mà không làm mờ đi giá trị, nội dung cốt lõi của nguyên tác,” nghệ sỹ nhân dân Hoàng Dũng - một tên tuổi lớn của sân khấu Việt Nam hiện đại chia sẻ.

Sự ra đi của nghệ sỹ nhân dân Anh Tú là mất mát lớn của sân khấu Việt. “Nhớ về Anh Tú, bạn bè, đồng nghiệp sẽ nhớ mãi về khát vọng nghệ thuật, khát vọng làm nghề cháy bỏng và nhân cách đáng trọng, một tấm lòng nhiệt thành, chu đáo. Anh Tú không bao giờ sống cho riêng mình. Có lẽ, một trong những điều mà Anh Tú ‘sợ’ nhất lúc sinh thời là làm phiền đến những người xung quanh. Đó thực sự là một ngôi sao nhưng không hề màu mè, bóng bẩy,” nghệ sỹ Hoàng Dũng xúc động nói./.

Nghệ sỹ nhân dân Anh Tú (sinh năm 1962) tên đầy đủ là Phạm Anh Tú. Sau một thời gian lâm bệnh, nghệ sỹ nhân dân Anh Tú qua đời lúc 12 giờ 35 phút (ngày 20/12).

Lễ viếng nghệ sỹ nhân dân Anh Tú diễn ra từ 9 giờ 30 đến 11 giờ 30 (ngày 24/12) tại Nhà tang lễ Quốc gia (số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội).
An Ngọc/VietNam+


 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất