Dân tộc ta trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, đã có bao nhiêu sự kiện lịch sử oai hùng, vẻ vang, có bao nhiêu anh hùng dân tộc được ghi danh trong sử sách. Ðó là nguồn đề tài vô tận cho văn học - nghệ thuật. Song đây là đề tài rất khó thể hiện vì văn học - nghệ thuật không chỉ dừng ở chỗ mô phỏng, minh họa hiện thực lịch sử, nó cần đến sự sáng tạo của nghệ sĩ để tái tạo nên những hình tượng, nhân vật điển hình. Ðối với nghệ thuật múa cũng có những khó khăn riêng khi phải thể hiện bằng ngôn ngữ đặc thù, ngôn ngữ cơ thể thông qua động tác, hình thể của nghệ sĩ. Các nghệ sĩ trước hết phải am hiểu sâu sắc lịch sử của mảng đề tài lựa chọn, ở cả ba khâu: Hoàn cảnh lịch sử, sự kiện lịch sử và nhân vật lịch sử. Từ đó mới sáng tạo, hư cấu bảo đảm tính chân thật lịch sử rồi tìm cách thể hiện bằng ngôn ngữ múa. Quá trình đó rất công phu, không dễ dàng chút nào. Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng ngành múa đã cho ra đời nhiều tác phẩm múa về đề tài lịch sử. Trước hết phải kể đến Ngọn lửa Nghệ Tĩnh của tập thể các nghệ sĩ Quân đội ra đời năm 1960 đã khái quát sự kiện lịch sử, nhân vật lịch sử của phong trào Xô viết Nghệ-Tĩnh, thời kỳ năm 1930-1931 do Ðảng lãnh đạo. Tác phẩm đã được Giải thưởng Hồ Chí Minh. Sau đó là hàng loạt các tác phẩm múa đề tài lịch sử ra đời: Rừng thương nỗi nhớ của Trần Minh; Bà mẹ miền Nam của Thái Ly; Chị Sứ của Xuân Ðịnh; Nhớ về Ðồng Lộc của Nguyễn Thị Hiển; Một thời và mãi mãi của Lê Huân, Bá Thái, Hồng Hà; Con đường trái tim của Ứng Duy Thịnh; Hà Nội - Ðiện Biên Phủ trên không của Kiều Lê và Hồng Phong; Ngọn lửa Hà thành của Thái Phiên và Công Nhạc... Còn rất nhiều tác phẩm múa khác thành công về đề tài này. Sự thành công của các tác phẩm múa đề tài lịch sử chứng minh đội ngũ nghệ sĩ múa có đầy đủ khả năng biên đạo, thể hiện đề tài này. NSND Ứng Duy Thịnh nhận xét: "Ðề tài lịch sử xét từ góc độ nghệ thuật biên đạo là một đề tài khó". Nhưng thực tiễn cho thấy, chúng ta đã có những thế hệ tác giả biên đạo sáng tác và thành công ở mảng đề tài này. Ðây là nền tảng cho những sáng tạo mới, chúng ta cũng kỳ vọng trong những bước đi tiếp theo của ngành múa Việt Nam". Còn NSND Chu Thúy Quỳnh nói lên tình cảm của các nghệ sĩ múa đối với đề tài này: "Sáng tác múa về đề tài lịch sử bắt nguồn từ cảm hứng chân thực. Từ những chiến công nhân vật lịch sử đã cống hiến cuộc đời cho non sông đất nước, biên đạo múa tìm cách thể hiện nhân vật anh hùng ấy trước hết bởi tình yêu, sự ngưỡng mộ lịch sử, rồi tư duy theo đặc thù nghệ thuật múa của mình dựng nên những chân dung sáng ngời của các nhân vật lịch sử nhằm hướng tới việc giáo dục thẩm mỹ, nhận thức tinh thần cách mạng cho mọi người hôm nay và mai sau".
Ðể nghệ thuật múa có thêm nhiều tác phẩm thành công về đề tài lịch sử, trước hết cần có sự đầu tư tương xứng và trọng điểm. Việc trọng dụng nhân tài rất cần thiết. Ngành múa có đội ngũ biên đạo giàu kinh nghiệm, lực lượng diễn viên có tay nghề cao trong đó có những diễn viên trình độ kỹ thuật tầm cỡ quốc tế, vậy mà dường như chưa có "đất dụng võ" bởi vì thiếu kinh phí xây dựng tác phẩm mới. Dựng một tác phẩm múa khá tốn kém, ngoài việc đầu tư cho công tác biên đạo còn cần sự tổng hợp của các bộ môn khác như âm nhạc, mỹ thuật, nhất là khi dựng vở đề tài lịch sử đòi hỏi sử dụng kỹ thuật hiện đại về âm thanh, ánh sáng và hình ảnh. Trong điều kiện kinh phí còn hạn hẹp cần tập trung trong đầu tư cho những kịch bản múa tốt mang tính thơ và tính khái quát cao đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ của người xem hôm nay, tập trung đầu tư cho nghệ sĩ tài năng, có nhiều người cho rằng để có tác phẩm múa hay, có sức lôi cuốn đều trông chờ vào sự tỏa sáng của các nghệ sĩ tài năng. Bên cạnh dàn dựng tiết mục mới cũng cần đầu tư phục dựng những tác phẩm múa về đề tài lịch sử đã thành công và có giá trị để quảng bá rộng rãi trong công chúng.
Công tác nghiên cứu lý luận có vai trò quan trọng trong việc xây dựng các tác phẩm múa đề tài lịch sử. Ðề tài chỉ là tiền đề, gợi ý cho biên đạo xây dựng tác phẩm múa phải được hư cấu, ước lệ và cách điệu cao nhưng phải bảo đảm tính chân thật lịch sử: Ðã có những quan niệm khác nhau về tính chân thực lịch sử trong văn học - nghệ thuật. Nếu quan niệm phải thật đúng với những gì các sử gia ghi chép sẽ dẫn đến sự đánh giá máy móc, khắt khe hạn chế sự sáng tạo, nếu nhấn mạnh yếu tố hư cấu mà không am hiểu lịch sử cũng dẫn đến sai sự thật lịch sử. Trong khi đó có những sự kiện lịch sử, những nhân vật lịch sử vẫn còn những ý kiến khác nhau thậm chí trái ngược nhau khi đánh giá bản chất rất cần đến kết quả nghiên cứu của các nhà sử học, khoa học xã hội nhân văn và nghệ sĩ. Công tác nghiên cứu lý luận không chỉ giúp cho sáng tạo còn giúp cho việc đánh giá và chọn lọc tác phẩm, xác định trọng điểm đầu tư. NSND Ðặng Hùng kiến nghị: "Cần có một hội đồng thẩm định trình độ chuyên môn, có uy tín và công minh, hội đồng này hết sức quan trọng. Không ít tác phẩm bị gạt bỏ oan ngay từ đầu chỉ vì không phù hợp với sở thích, thiếu khách quan, bộc lộ tính cá nhân làm cho cán cân dễ bị thiên lệch. Sáng tạo về đề tài lịch sử cần phải xích lại sự hiểu biết đề tài, nhận xét và đánh giá chuẩn hơn, đúng hơn trở thành định hướng đúng đắn, phát huy tích cực năng lực của nghệ sĩ và biên đạo, không chỉ thế mà còn là đòn bẩy kích động cho tác phẩm ra đời".
Một sự thật đáng buồn là hàng loạt các tác phẩm múa trong nhiều năm qua mà ngành múa xây dựng với chi phí bạc tỷ chỉ để báo cáo vài buổi rồi "xếp lại" không được đem đi biểu diễn phục vụ rộng rãi công chúng. Những tác phẩm đề tài lịch sử đâu có cơ hội giáo dục lịch sử dân tộc cho mọi người. Tình trạng này nếu kéo dài không ít người sẽ đặt câu hỏi dựng tác phẩm mới làm gì? Ðiều này cũng đòi hỏi sự đầu tư vào công tác tổ chức biểu diễn, năng động sáng tạo trong việc quảng bá tác phẩm múa đề tài lịch sử. Trong tình hình hiện nay công tác tổ chức biểu diễn cần giải quyết những khâu: Chọn lọc những tác phẩm múa có chất lượng nghệ thuật cao được nhiều người yêu thích, thiết kế chương trình và điểm biểu diễn phù hợp, có sân khấu sử dụng phương tiện kỹ thuật hiện đại, có nghệ sĩ tài năng nổi tiếng, có sự tuyên truyền mạnh mẽ... Tất nhiên để làm được điều đó phải tốn rất nhiều công sức, kinh phí và sự sáng tạo. Cùng với sự đầu tư của Nhà nước, ngành múa đang hướng tới "xã hội hóa" thu hút các nhà tài trợ nhiệt thành, tâm huyết và am hiểu đặc trưng, đặc thù của nghệ thuật múa nhất là đối với các tác phẩm múa đề tài lịch sử để hỗ trợ xây dựng chương trình và quảng bá chương trình về đề tài này./.
Theo Nguyễn Thu Hiền/Nhân Dân