Ngày 15/8, một nhóm nghị sỹ của Đảng Cộng sản Nga đứng đầu là nghị sỹ
Sergei Obukhov đã gửi thư tới Tổng thống Nga Vladimir Putin kêu gọi hủy
Hiệp ước Hữu nghị, hợp tác và đối tác với Ukraine sau âm mưu khủng bố bị
phát giác tại Crimea.
Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, bức thư của nhóm nghị sỹ nêu rõ "những
hành động của Lực lượng Vũ trang Ukraine đòi hỏi Nga ngay lập tức phải
có biện pháp đáp trả, một trong những biện pháp đó, quan trọng và hợp lý
nhất khi tính đến việc trên thực tế kiên quyết từ chối bình thường hóa
quan hệ với Nga là hủy bỏ Hiệp ước Hữu nghị, hợp tác và đối tác giữa Nga
và Ukraine."
Lời kêu gọi trên được đưa ra trong bối cảnh quan hệ Nga và Ukraine đã
trở nên đặc biệt căng thẳng sau khi Cơ quan An ninh Nga (FSB) thông báo
bắt giữ một nhóm biệt kích tại Crimea, cũng như ngăn chặn thành công âm
mưu tấn công khủng bố nhằm vào các cơ sở hạ tầng quan trọng trên bán đảo
này.
Theo FSB, Tổng cục Tình báo thuộc Bộ Quốc phòng Ukraine đứng sau âm mưu khủng bố tại Crimea.
Phía Ukraine đã bác bỏ những cáo buộc trên, đồng thời tuyên bố Nga đang
tăng cường quân, cùng nhiều vũ khí và trang thiết bị quân sự gần Crimea.
Tổng thống Ukraine Poroshenko đã ra lệnh cho tất cả các đơn vị quân đội
gần bán đảo Crimea và vùng Donbass ở miền Đông Ukraine "sẵn sàng cho
chiến tranh."
Các đơn vị quân đội Ukraine đóng tại khu vực giáp ranh với bán đảo
Crimea ngày 11/8 đã thi hành hàng loạt biện pháp nhằm thực hiện các
nhiệm vụ chuyển quân và phương tiện theo chỉ thị của Tổng thống.
Trong khi đó, Hội đồng An ninh Nga đã nhóm họp dưới sự chủ trì của Tổng
thống Putin để thảo luận về các biện pháp bổ sung nhằm siết chặt an ninh
chống khủng bố, bảo vệ người dân và cơ sở hạ tầng thiết yếu của Crimea.
Hiện Nga cũng đang xem xét các phương án đáp trả âm mưu khủng bố tại
Crimea mà phía Nga cho rằng có liên quan tới tình báo Ukraine, trong đó
có khả năng cắt đứt quan hệ ngoại giao với Ukraine.
"Sau hơn hai năm xung đột kéo dài, các bên liên quan lại càng thọc sâu
vào đường giới tuyến của nhau, khiến tình hình tại khu vực miền Đông
Ukraine đang thực sự bế tắc."
Đây là nhận định của Phó trưởng đoàn giám sát của Tổ chức An ninh và hợp
tác châu Âu (OSCE) tại Ukraine, ông Alexander Hug đưa ra trong ngày
15/8.
Phóng viên TTXVN tại châu Âu dẫn nhận định của ông Hug cho thấy OSCE bày
tỏ quan ngại sâu sắc trong bối cảnh quân đội Kiev và lực lượng đòi độc
lập liên tục vi phạm thỏa thuận ngừng bắn ở miền Đông Ukraine.
Phát biểu trên đài RBB của Đức, ông Hug cho biết không chỉ vi phạm đường
giới tuyến, các bên xung đột tại miền Đông Ukraine cũng đã chuẩn bị sẵn
sàng cho các trận xung đột mới, trong đó cả hai bên đều có động thái
lập các kho chứa đạn và tập kết binh lính theo chế độ luân chuyển.
Đại diện OSCE cũng cho biết công việc giám sát của tổ chức này luôn bị
ngăn cản và hai bên xung đột khó có thể thực hiện các cuộc thương thảo
để thực thi lệnh ngững bắn đã ký.
Trong khi đó, bất chấp những căng thẳng leo thang giữa Nga và Ukraine,
Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier vẫn bày tỏ hy vọng về một giải
pháp chính trị cho cuộc xung đột ở Ukraine trong cuộc gặp với người đồng
cấp nước chủ nhà Nga Sergei Lavrov tại thành phố Yekaterinburg.
Giải pháp tổng thể gồm 13 điểm nhằm thực hiện Thỏa thuận Minsk đạt được
ngày 12/2/2015, được coi là lộ trình giải quyết cuộc xung đột tại miền
Đông Ukraine.
Tuy nhiên cho đến nay việc thực hiện thỏa thuận này vẫn chưa được thực
hiện triệt để, các bên liên quan vẫn chỉ trích nhau vi phạm./.
(TTXVN)