Không phải bây giờ mà ở nhiều kỳ họp trước, vấn đề tiêu thụ nông sản đã từng làm nóng diễn đàn Quốc hội. Theo ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội, bài toán quy hoạch và liên kết tiêu thụ nông sản của chúng ta đang có vấn đề.
Tình trạng nông dân gặp khó khăn trong việc tiêu thụ nông sản, tái diễn cảnh “được mùa, mất giá” là một trong những vấn đề nóng nhất trong Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri cả nước trình Quốc hội tại phiên khai mạc kỳ họp hôm 20-5 vừa qua. Đây cũng là mối quan tâm đặc biệt của các vị đại biểu Quốc hội và là nội dung được thảo luận sôi nổi nhất tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuẩn bị cho kỳ họp Quốc hội này. Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, một trong những nhiệm vụ quan trọng của nghị trường hôm nay là phải tìm được con đường cho bà con nông dân tiêu thụ nông sản.
Có thể nói, những ngày qua là chuỗi ngày không may mắn đối với mặt hàng nông sản Việt Nam. Mở đầu là hàng nghìn tấn dưa hấu ở miền Trung bị ùn tắc cả tuần liền ở cửa khẩu phía Bắc do lượng hàng xuất khẩu quá lớn. Tiếp theo là 50.000 tấn hành tím Sóc Trăng ế ẩm, chất đống ngoài ruộng do phía nước ngoài ngừng nhập. Một chiến dịch bán dưa, bán hành tím giúp bà con nông dân đã được các cơ quan và cộng đồng mạng rầm rộ thực hiện. Hành động này thể hiện tinh thần “tương thân tương ái”, một truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta, nhưng điều này cũng thể hiện nghịch cảnh “được mùa, mất giá” của nông dân Việt Nam và những bất cập trong việc quản lý và tiêu thụ nông sản.
Không phải bây giờ mà ở nhiều kỳ họp trước, vấn đề tiêu thụ nông sản đã từng làm nóng diễn đàn Quốc hội. Theo ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội, bài toán quy hoạch và liên kết tiêu thụ nông sản của chúng ta đang có vấn đề. Từ năm 2002, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 80/2002/QĐ-TTg về việc liên kết bốn nhà (nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà nước và nhà khoa học) trong tiêu thụ nông sản. Thế nhưng, sau 13 năm triển khai, đến nay liên kết này vẫn lỏng lẻo. Nông dân khi thấy lợi nhuận trước mắt đã chặt cây này trồng cây khác dẫn đến phá vỡ quy hoạch và đã phải nhận những bài học đắt giá. Các bộ, ngành đều “vẽ” ra quy hoạch đẹp, nhưng trách nhiệm thực hiện lại do các địa phương. Khi nông dân “xé rào” vượt quy hoạch thì không có ai chịu trách nhiệm? Do khâu quy hoạch yếu nên dân vẫn đọc “tín hiệu thị trường” bằng cách mùa trước được thì mùa này trồng tiếp, hàng xóm trồng thì nhà mình cũng trồng. Muốn giải quyết vấn đề tiêu thụ nông sản, theo các đại biểu Quốc hội, việc "thông tin thị trường" phải được đặt lên hàng đầu. Hiện nay không chỉ nông dân mà các doanh nghiệp cũng không nắm được đầy đủ các thông tin thị trường, không đầu tư đúng mức để điều tra, nghiên cứu thị trường, mà chỉ chạy theo những đơn hàng mang tính thời vụ... Do đó, quy hoạch phải lấy thị trường làm định hướng sản xuất.
Báo cáo tổng hợp ý kiến của cử tri cả nước có nội dung đề nghị Chính phủ và các cơ quan chức năng có giải pháp hữu hiệu trong việc thực hiện quy hoạch sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ các hộ nông dân liên kết thành lập các hợp tác xã kiểu mới theo Luật Hợp tác xã để thực hiện được chức năng nghiên cứu, dự báo thị trường, quy hoạch sản xuất, cung cấp đầu vào cho sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của các hộ thành viên; có chính sách khuyến khích doanh nghiệp và hợp tác xã đầu tư vào sản xuất nông nghiệp và liên kết theo chuỗi giá trị, từ đó nâng cao năng suất lao động nông nghiệp và thu nhập cho nông dân.
Những ý kiến của cử tri về việc tiêu thụ nông sản cùng với sự thu thập của các đại biểu Quốc hội từ thực tế cuộc sống sẽ tiếp tục được phản ánh tại nghị trường qua các phiên họp thảo luận về kinh tế-xã hội, chất vấn thành viên Chính phủ sắp tới. Hy vọng rằng, kỳ họp Quốc hội này sẽ tìm được hướng đi hợp lý cho nông sản Việt Nam./.
Đỗ Phú Thọ (QĐND)