Thứ Bảy, 23/11/2024
Diễn đàn
Thứ Ba, 28/4/2015 20:22'(GMT+7)

Tình cảm hướng nội

Thi gói bánh chưng tại Lễ hội Đền Hùng. (Ảnh: Báo Phú Thọ)

Thi gói bánh chưng tại Lễ hội Đền Hùng. (Ảnh: Báo Phú Thọ)

Trong tâm thức sâu xa của người Việt, chết không có nghĩa là hết, mà “sự tử là sự vinh”. Vì thế, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, thờ cúng các Vua Hùng đã có công khai cơ lập quốc trong buổi bình minh của lịch sử dân tộc, chính là “sợi dây tâm linh” gắn kết quá khứ với hiện tại, nhắc nhở thế hệ con cháu hôm nay biết nâng niu đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”. Cũng vì thế mà từ bao đời nay, người Việt ta luôn nhắn nhủ nhau: "Hằng năm ăn đâu làm đâu/ Cũng biết cúi đầu nhớ ngày Giỗ Tổ”.

Ít có ngôn ngữ nào trên thế giới lại có hai tiếng “đồng bào” thân thương, thiêng liêng như trong tiếng Việt. Như một tình cảm tự nhiên, những người “cùng một bào thai” có quan hệ máu mủ, ruột rà nên dễ đồng cam cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi trong mọi điều kiện, hoàn cảnh, kể cả những lúc gian nguy nhất. Truyền thống tương thân tương ái, “Thương người như thể thương thân”, “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước phải thương nhau cùng” từ đó cũng được khơi dậy, phát huy và tạo nên sức mạnh niềm tin cho mỗi người dân và cả cộng đồng vượt qua mọi thử thách, chiến thắng thiên tai địch họa, cùng chung tay góp sức dựng xây cuộc sống ấm no, hạnh phúc. 

Là người am hiểu cả văn hóa Đông-Tây, thông kim bác cổ, song Bác Hồ là người “thuần Việt” nhất vì khi nói chuyện với nhân dân, Người thường dùng hai tiếng “đồng bào” rất đỗi thân mật, trìu mến. Đặc biệt, trong hai lần kêu gọi Toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp (19/12/1946) và chống Mỹ, cứu nước (17/7/1966), ngay từ câu mở đầu, Bác nói: “Hỡi đồng bào toàn quốc” và “Hỡi đồng bào và chiến sĩ cả nước”. Dùng hai tiếng “đồng bào”, Bác muốn khơi gợi, đánh thức trong tình cảm mỗi người dân Việt về nguồn cội “Cây một gốc, con một nhà” để nhân lên sức mạnh đoàn kết dời non lấp biển, vững tâm quyết chí đánh tan kẻ thù xâm lược, giải phóng dân tộc, thống nhất non sông. Trước đó, ngày 19/9/1954, nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn Quân Tiên Phong trước khi về tiếp quản thủ đô Hà Nội, tại Đền Giếng thuộc Khu di tích lịch sử Đền Hùng (Phú Thọ), Bác Hồ đã căn dặn: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

Nhắc lại vài chi tiết, sự kiện lịch sử đó để thấy, Bác Hồ luôn thấu hiểu cội nguồn sức mạnh sâu xa của hai chữ “đồng bào”, thấu hiểu giá trị của ý thức, tinh thần dân tộc đã được hội tụ từ đời các Vua Hùng để nhắc nhở, giáo dục con cháu hôm nay và mai sau phải luôn trân trọng, gìn giữ tình cảm hướng cội, tri ân tiền nhân, không được lãng quên quá khứ. Nhớ lời Bác, thật đáng mừng là những năm qua, nhân dân ta, từ Nam ra Bắc, từ miền ngược đến miền xuôi, đều dành tình cảm đặc biệt đối với công ơn của các vị Quốc Tổ Hùng Vương. Con số hơn 1.400 di tích thờ các Vua Hùng trên khắp mọi miền đất nước, đã thể hiện sâu sắc điều ấy. Đặc biệt, mấy năm trở lại đây, số lượng người Việt ta nói chung, bà con Việt kiều nói riêng, hành hương về Đền Hùng năm sau cao hơn năm trước. Điều này như thêm một minh chứng rằng: Đã là con Lạc cháu Hồng, ai cũng muốn ít nhất một lần trong đời được thắp nén nhang trên ban thờ Quốc Tổ Hùng Vương ngay trên mảnh đất phát tích, khởi nguồn của dân tộc Việt Nam.

Trong xã hội hiện đại, dù cuộc sống văn minh có mang lại cho con người nhiều tiện nghi, tiện ích và thỏa sức “vẫy vùng” trong những trò vui chơi, giải trí, tiêu khiển sinh động, hấp dẫn, nhưng nhu cầu, tình cảm hướng cội “Chim có tổ, người có tông, dẫu xa cách muôn trùng vẫn nhớ về tông tổ” luôn nằm trong huyết quản của hầu hết muôn dân đất Việt. Bởi đó là một thứ tình cảm tự nhiên, trong trẻo, tinh khôi-mà nếu ai hững hờ, dửng dưng thì sẽ vô tình đánh mất một trong những giá trị thiêng liêng, cao cả nhất của cuộc đời mình./.

Thiện Văn (QĐND) 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất