Cách đây vài ngày, Trung tâm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao (thuộc Sở Nội vụ TP. Đà Nẵng) cho biết đến nay đã có 93 cán bộ tại các sở, ngành rút khỏi đề án Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao (đề án 922).
Các cán bộ này đưa ra các lý do như đoàn tụ gia đình, sức khỏe không tốt hoặc muốn tìm công việc khác...; trong đó 40 người xin nghỉ việc. Nhưng dù là với lý do gì và những người xin nghỉ có thể chỉ là số ít, nhưng đây cũng là câu chuyện không vui cho chủ trương đào tạo, thu hút nhân tài làm việc trong khu vực công.
Dưới góc độ quan hệ lao động, nhiều người lao động quan tâm đến hai yếu tố hàng đầu là tiền lương và thời gian làm việc (hoặc số lượng sản phẩm), sau đó mới xem xét các yếu tố khác như môi trường lao động, cơ hội thăng tiến.
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa.
uy nhiên có thể nhìn nhận, diện “nhân tài” sẽ là một bộ phận lao động hoàn toàn khác. Đơn giản họ đã thể hiện ít nhiều năng lực vượt trội so với số đông, bằng cách đáp ứng các điều kiện trong quá trình tuyển chọn ban đầu, họ lại được đào tạo bài bản tại các cơ sở giáo dục hàng đầu. Với những lợi thế về kiến thức năng lực, trình độ ngoại ngữ, có thể xếp họ vào đội ngũ những lao động chất lượng cao, điều mà không chỉ khu vực hành chính công, bất cứ doanh nghiệp, thành phần kinh tế nào cũng muốn có.
Còn với bản thân họ, với bề dày được đào tạo từ lúc bắt đầu học đại học, đến lúc nhận tấm bằng thạc sỹ, tiến sỹ, họ đã mất nhiều thời gian, công sức. Nói cách khác, chính họ cũng đã phải làm một bài toán “đầu tư” mang tính dài hạn. Và như vậy, họ có thể không đặt 2 yếu tố chính tiền lương và thời gian làm việc lên hàng đầu. Có thể hiểu điều họ mong muốn nhiều hơn là môi trường làm việc phù hợp để họ phát huy hết khả năng, tiếp tục vươn lên trong chuyên môn của mình.
Vậy tại sao nhiều người, trong đó có những người đáp ứng được những đòi hỏi ở cả thị trường lao động khó tính nhất là các nước phát triển, lại không thể thích nghi và phát huy được ở môi trường hành chính công trong nước?
Minh chứng cho điều này, đã có một số học viên chấp nhận bỏ việc, chấp nhận trả tiền đào tạo để tìm cơ hội khác. Thậm chí một số dù chưa tìm được việc khác, chưa trả được phí đào tạo vẫn thôi việc. Và một số, theo nhận định của Trung tâm phát triển nguồn nhân lực, chờ đợi hết 7 năm làm việc, theo cam kết ban đầu, cho nhà nước để “nhảy việc”.
Bên cạnh đó cũng có một con số đáng chú ý là việc 4 người đến Đà Nẵng theo diện thu hút nhân tài, không liên quan đến đề án đào tạo 922, cũng đã thôi việc. Với những người này, việc thương thảo hợp đồng làm việc giữa cơ quan nhà nước và người lao động diễn ra minh bạch hơn rõ ràng, cụ thể hơn nhưng cuối cùng sau một thời gian làm việc họ vẫn phải chấp nhận chấm dứt hợp tác.
Thông thường, với tâm lý chung, những người được đào tạo, được giữ những vị trí đúng với chuyên môn, được làm việc ngay tại quê hương mình, nếu không có những trở ngại quá lớn, họ sẽ không nghỉ việc. Nói cách khác, việc họ phải dừng lại cũng là vạn bất đắc dĩ.
Ngay sau khi những thông tin này được công bố, nhiều ý kiến cho rằng có nguyên nhân từ việc hợp đồng không chặt chẽ giữa cơ quan tổ chức đề án và các học viên. Tuy nhiên thực tế không hẳn là như vậy. Khi những nhân tài, vì những lý do nhất định, không phát huy hết được khả năng của họ, nếu cố tình ràng buộc níu chân họ, sẽ là sự thất bại cho cả hai bên. Nhà nước không nhận được những đóng góp đúng với kỳ vọng như đề án, người lao động ở tình trạng chán nản và chuyên môn cũng sẽ dần mai một.
Câu chuyện này cũng gợi lại một sự kiện mới xảy ra ở Đại học Hoa Sen TP Hồ Chí Minh. TS Trần Nguyện Thành, người tự nguyện rời bỏ công việc ở trường đại học ở nước phát triển, trở về mong muốn được làm việc cho quê nhà. Tuy nhiên với lý do không đủ thâm niên làm quản lý, TS Thành không được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng trường Hoa Sen, bất chấp đa số thành viên ban quản trị đồng thuận, và kết cục buồn không tránh khỏi là ông đã phải nói lời chia tay.
Suy cho đến cùng, nếu không giữ chân được nhân tài, người thua thiệt đầu tiên vẫn là nhà nước và tiếp theo đó chính là đông đảo người dân. Còn với những người có năng lực, không quá khó để họ tìm một việc làm...
Một nền giáo dục, nền hành chính công phát triển, cần có sự đóng góp từ đội ngũ những người có năng lực, có phẩm chất. Ở chiều ngược lại, đội ngũ những lao động chất lượng cao cũng cần được đãi ngộ tương xứng và quan trọng nhất là tạo điều kiện để họ phát huy hết năng lực sở trường của mình. Điều đó chỉ có thể có được từ cơ chế đúng đắn của những người đứng đầu, hoạch định và thực thi chính sách.
Về việc đào tạo và sử dụng con người, Đảng ta vừa ban hành một loạt Nghị quyết hết sức quan trọng. Cùng với các chính sách về cải cách tiền lương và tinh giản biên chế, Đảng đã có Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đầy đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
Trong đó, Đảng xác định cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng; công tác cán bộ là khâu "then chốt" của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Đồng thời, đưa ra hàng loạt giải pháp, trong đó có giải pháp về khung cơ chế, chính sách ưu đãi để phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài, xây dựng chiến lược quốc gia về thu hút và trọng dụng nhân tài theo hướng không phân biệt đảng viên hay người ngoài Đảng, người Việt Nam ở trong nước hay ở nước ngoài…
Kỳ vọng rằng những chủ trương này sẽ sớm đi vào cuộc sống để người tài được cống hiến tốt nhất khả năng của mình cho đất nước, cho xã hội./.
Theo chinhphu.vn