Thứ Sáu, 22/11/2024
Thế giới
Thứ Tư, 1/12/2021 11:24'(GMT+7)

Nghiên cứu về đáy đại dương để thúc đẩy phát triển bền vững

Đại sứ Đặng Đình Quý tham gia phát biểu tại phiên 2 về “Thúc đẩy nghiên cứu khoa học biển và chia sẻ bình đẳng nguồn lợi, phục vụ lợi ích chung của nhân loại”.

Đại sứ Đặng Đình Quý tham gia phát biểu tại phiên 2 về “Thúc đẩy nghiên cứu khoa học biển và chia sẻ bình đẳng nguồn lợi, phục vụ lợi ích chung của nhân loại”.

Tại Liên hợp quốc, ngày 30/11, Tổng Thư ký Cơ quan quyền lực đấy đại dương (ISA) Michael Lodge chủ trì cuộc họp trực tuyến nhằm giới thiệu và thảo luận Báo cáo về các đóng góp của ISA vào thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững. 

Các đại sứ, trưởng phái đoàn của nhiều nước thành viên ISA và các chuyên gia trong lĩnh vực biển, đại dương đã tham dự và phát biểu, chúc mừng Báo cáo của ISA được xuất bản và đánh giá cao đóng góp của cơ quan này vào thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững 2030, đặc biệt Mục tiêu 14 về bảo tồn và sử dụng bền vững biển, đại dương. 

Các ý kiến khẳng định hoạt động của ISA cần tuân thủ Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 và Hiệp định thực thi năm 1994.

Các nước cho rằng trong quá trình cấp phép thăm dò, khai thác, ISA có trách nhiệm bảo đảm các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường, thúc đẩy nghiên cứu và chia sẻ thông tin nghiên cứu khoa học biển, bảo đảm cơ chế chia sẻ nguồn lợi công bằng, bình đẳng, thúc đẩy quan hệ đối tác giữa ISA với các cơ quan, tổ chức nhằm quản lý tổng hợp biển, đại dương. 

Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc, được mời phát biểu với tư cách diễn giả tại phiên 2 về “Thúc đẩy nghiên cứu khoa học biển và chia sẻ bình đẳng nguồn lợi, phục vụ lợi ích chung của nhân loại”.

Đại sứ Đặng Đình Quý khẳng định nghiên cứu khoa học về đáy đại dương (hay gọi là vùng) đóng góp quan trọng vào giải pháp khoa học, hỗ trợ thực hiện các mục tiêu về môi trường, khoa học và kinh tế theo Chương trình nghị sự Phát triển bền vững.

ISA là cơ quan duy nhất có thẩm quyền cấp phép và quản lý các hoạt động nghiên cứu khoa học trong vùng, do đó cần tiếp tục thúc đẩy, khuyến khích nghiên cứu khoa học biển, chia sẻ thông tin, dữ liệu nghiên cứu, chuyển giao công nghệ cho các nước đang phát triển.

Đại sứ nhấn mạnh nguyên tắc vùng là di sản chung của nhân loại; quá trình thăm dò, khai thác tài nguyên phải tuân thủ nguyên tắc này, bảo đảm chia sẻ lợi ích bình đẳng, tính đến lợi ích của các nước đang phát triển, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Nhân dịp này, Đại sứ tái khẳng định cam kết của Việt Nam trong tuân thủ và thực hiện UNCLOS và các văn kiện thực hiện UNCLOS trong sử dụng bền vững, hòa bình biển, đại dương và nguồn tài nguyên biển.

Là một trong ba cơ quan được thành lập theo UNCLOS (cùng với Tòa án quốc tế về luật biển, Ủy ban ranh giới thềm lục địa), ISA có chức năng cấp phép, quản lý các dự án thăm dò và khai tháng khoáng sản tại vùng trên cơ sở UNCLOS và Hiệp định thực thi năm 1994.

ISA có trụ sở tại Kingston, Jamaica, hiện có 168 thành viên là các thành viên của UNCLOS./.

 

TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất