Năm 2014 đang dần khép lại với rất nhiều hoạt động ngoại giao sôi động. Nhìn lại năm qua, các hoạt động ngoại giao của Việt Nam được triển khai sâu rộng và đã đem lại những kết quả cụ thể.
Hoạt động ngoại giao không chỉ góp phần tạo môi trường quốc tế thuận lợi cho sự phát triển đất nước, mà còn hỗ trợ hiệu quả bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ.
Năm 2014 đánh dấu những dấu mốc khá quan trọng trong hoạt động đối ngoại của Việt Nam với những thành tựu mang tính toàn diện trên cả 3 mục tiêu là phát triển, an ninh và vị thế.
Đặc biệt trong ngoại giao kinh tế, Việt Nam đang có những bước tiến lớn trên con đường hội nhập sâu rộng với thế giới. Có thể khẳng định năm 2014 là năm mà tiến trình đàm phán các Hiệp định thương mại tự do (FTA) của Việt Nam có bước tiến quan trọng.
Tính đến thời điểm này, Việt Nam đã hoàn tất 2/6 đàm phán FTA, gồm FTA với Hàn Quốc và Liên minh Hải quan Nga-Belarus-Kazakhstan, đồng thời duy trì đà tiến trong đàm phán của các Hiệp định thương mại tự do quan trọng khác, trong đó có FTA với Liên minh Châu Âu (EU) và Hiệp định đối tác hợp tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Cả hai Hiệp định thương mại quan trọng này đều bước vào giai đoạn cuối cùng và dự kiến sẽ hoàn tất ngay trong quý 1/2015.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục khó khăn và nhiều đàm phán FTA trên thế giới và khu vực có dấu hiệu chững lại, những kết quả đàm phán FTA của Việt Nam có ý nghĩa quan trọng, thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong triển khai mạnh mẽ mục tiêu hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện, góp phần làm sâu sắc quan hệ song phương giữa Việt Nam và các đối tác.
Bà Catherine Ashton, cựu Cao ủy phụ trách các vấn đề an ninh và đối ngoại của EU trong chuyến thăm tới Việt Nam hồi tháng 8 năm nay đã nhấn mạnh đến những lợi ích thiết thực của FTA với quan hệ 2 bên.
“Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU sẽ là cơ hội đối với các doanh nghiệp Việt Nam, mở ra thị trường thông thoáng để các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam tiếp cận dễ dàng với EU. Các cuộc đàm phán đang tiến triển rất tốt và tôi tin tưởng rằng các cuộc đàm phán sẽ mang lại kết quả tốt, đáp ứng hoàn thành Hiệp định này theo đúng lộ trình mà các bên mong đợi”, bà Ashton nói.
Với 14 quan hệ đối tác chiến lược, 11 quan hệ đối tác toàn diện mà Việt Nam đã xác lập khuôn khổ quan hệ từ trước, hoạt động đối ngoại 2014 tiếp tục làm cho các quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện đó thực sự mang lại hiệu quả, lợi ích thiết thực.
Năm qua, nhờ triển khai mạnh mẽ và đúng thời điểm công tác vận động chính trị, ngoại giao ở mọi cấp, Việt Nam đã vận động thêm được 12 đối tác công nhận quy chế kinh tế thị trường, đạt số lượng cao nhất trong 5 năm qua, nâng tổng số đối tác công nhận Việt Nam hiện nay lên con số 56.
Đáng chú ý, Hoa Kỳ lần đầu tiên khẳng định việc công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam không gặp trở ngại về chính trị và Hoa Kỳ sẽ sớm hoàn tất việc công nhận này.
Với EU, Tuyên bố chung trong chuyến thăm EU của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tháng 10/2014 cũng khẳng định “EU giúp Việt Nam hội nhập kinh tế thế giới thành công với tư cách một nền kinh tế thị trường”.
Quan hệ chính trị - ngoại giao tốt đẹp đã tạo thuận lợi thu hút trực tiếp đầu tư nước ngoài. Trong bối cảnh kinh tế thế giới vẫn chịu nhiều tác động của khủng hoảng, thu thút đầu tư trực tiếp nước ngoài năm 2014 vẫn đạt con số ấn tượng, gần 20 tỷ đôla, vượt chỉ tiêu dự kiến 15%.
Bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, giữ vững môi trường hòa bình ổn định
Bên cạnh mục tiêu phát triển, năm 2014, ngoại giao Việt Nam được “thử lửa” khi xử lý khéo léo các vấn đề liên quan đến chủ quyền trên Biển Đông. Ngay khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, trên mặt trận ngoại giao, Việt Nam đã tiến hành hơn 40 cuộc giao tiếp và trao đổi với phía Trung Quốc ở các cấp, các ngành.
Mặt khác, trên mọi diễn đàn khu vực và quốc tế, Việt Nam nêu cao quan điểm, lập trường chính nghĩa trong vấn đề Biển Đông, khẳng định rõ lập trường của mình về an ninh, an toàn hàng hải, tuân thủ luật pháp quốc tế, giải quyết hòa bình các tranh chấp.
Lập trường, quan điểm của Việt Nam đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ rộng rãi của cộng đồng quốc tế. Nhiều quốc gia, tổ chức lên tiếng ủng hộ Việt Nam, phản đối hành động vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc. Đặc biệt, trong ASEAN, Việt Nam đã nỗ lực duy trì đoàn kết và lập trường chung trong vấn đề Biển Đông.
Năm 2014, lần đầu tiên sau gần 20 năm, ASEAN đã ra Tuyên bố về vấn đề Biển Đông, trong đó nhấn mạnh không sử dụng vũ lực để tranh chấp, kêu gọi thực hiện đầy đủ và nghiêm túc Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) giữa ASEAN và Trung Quốc, sớm thúc đẩy ký kết Bộ quy tắc về ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC).
Nhận định về những nỗ lực ngoại giao của Việt Nam trong vấn đề Biển Đông, Thứ trưởng Bộ ngoại giao, Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Phạm Quang Vinh nói: “Tôi cho rằng ngành ngoại giao đã đưa được quan điểm của Việt Nam đến với cộng đồng quốc tế để các nước hiểu và chia sẻ. Khi có vấn đề xảy ra, chúng ta đã chủ động thông tin và cộng đồng quốc tế đã đi cùng chúng ta. Chính những điều này đã tạo ra môi trường rất thuận lợi cho công cuộc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của chúng ta, đồng thời tạo ra khuôn khổ để các nước trong khu vực ngồi lại với nhau, cùng bàn bạc để làm sao bảo vệ môi trường hòa bình, ổn định tại đây, trong đó có nỗ lực thúc đẩy thực hiện Tuyên bố về cách ứng xử của các bên tại Biển Đông”.
Thể hiện vị thế, vai trò đối với các vấn đề toàn cầu
Không chỉ làm nổi bật các mối quan hệ song phương, trên bình diện quốc tế, năm 2014 cũng đánh dấu những kết quả đáng ghi nhận của ngoại giao Việt Nam. Những chuyến ngoại giao cấp cao con thoi giữa Việt Nam – Hoa Kỳ, Việt Nam – Liên bang Nga, Việt Nam – Liên minh Châu Âu… không chỉ làm sâu sắc thêm mối quan hệ song phương giữa Việt Nam với các nước, mà còn là con đường đối thoại quan trọng để tăng cường sự hiểu biết, giải quyết bất đồng và cùng hướng đến những nền tảng hòa bình, thịnh vượng chung của khu vực cũng như thế giới.
Năm 2014, Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò tại các diễn đàn, tổ chức khu vực và quốc tế như Liên Hợp Quốc, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Hợp tác Á-Âu (ASEM), Diễn đàn Hợp tác Châu Á-Thái Bình Dương (APEC).
Bên cạnh góp phần thúc đẩy các lợi ích về phát triển kinh tế, Việt Nam còn thể hiện đóng góp đối với các quan tâm chung của quốc tế. Nổi bật là Việt Nam đăng cai tổ chức thành công nhiều sáng kiến quan trọng như Hội nghị Bộ trưởng nguồn nhân lực APEC, Hội thảo ASEM về nhân quyền, đề xuất thành lập Trung tâm phát triển nguồn nhân lực APEC tại Việt Nam…
Năm 2014 cũng là năm đầu tiên Việt Nam đảm nhiệm những vị trí quan trọng trong các cơ chế hợp tác đa phương như thành viên Hội đồng nhân quyền Liên Hợp Quốc, Hội đồng Thống đốc Tổ chức Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA), thành viên Uỷ ban Di sản thế giới của UNESCO và chuẩn bị cho việc đăng cai tổ chức Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới IPU lần thứ 132 vào năm 2015.
Trên nền tảng của những thành tựu đối ngoại 2014, năm 2015, Việt Nam tiếp tục thực hiện chủ trương hội nhập toàn diện. Không chỉ mở rộng quan hệ với tất cả các nước, Việt Nam còn là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, không chỉ tham gia công việc liên quan lợi ích của riêng mình mà còn tham gia vào cả những vấn đề khác của thế giới. Năm 2015 hứa hẹn tạo những dấu mốc mới cho ngoại giao Việt Nam./.
Theo VOV