Ngày 14/1, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius cho biết các
ngoại trưởng của Liên minh châu Âu (EU) sẽ nhóm họp trong tuần này để bàn về
cuộc khủng hoảng tại Mali và kế hoạch huấn luyện binh sỹ Mali chống lại quân nổi
dậy Hồi giáo.
Cùng ngày, Đại sứ quán Pháp tại Bamaco đã gửi một bức thư
điện tử yêu cầu sơ tán khẩn cấp mọi công dân Pháp đang sống tại thành phố Segou
thuộc Mali.
Trong một diễn biến liên quan, Thứ trưởng Ngoại giao Nga
Gennady Gatilov khẳng định nước này coi chiến dịch quân sự của Pháp ở Mali là
hợp pháp.
Hãng thông tấn Interfax dẫn lời ông Gatilov nói: "Nói chung,
việc Pháp can thiệp quân sự theo yêu cầu của chính quyền Mali nằm trong khuôn
khổ luật pháp quốc tế. Chúng tôi tin rằng một chiến dịch như vậy là rất giới hạn
và mang tính tạm thời."
Cũng trong ngày 14/1, Thủ tướng Canada Stephen
Harper tuyên bố nước này sẽ cử máy bay vận chuyển quân sự tới Mali để trợ giúp
Pháp trong nỗ lực chống lại quân Hồi giáo nổi dậy ở nước châu Phi này. Tuy
nhiên, ông Harper cũng nói rằng sẽ không có cá nhân nào tham gia các chiến dịch
tác chiến.
Chính phủ Algeria đã quyết định đóng cửa biên giới trên bộ
với Mali, nơi quân Pháp đang tiến hành không kích các nhóm vũ trang và hỗ trợ
quân đội Mali phản công lực lượng nổi dậy.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao
Algeria Amar Belani cho biết chính quyền Mali đã được phía Algeria thông báo về
quyết định này. Từ tháng 10/2012, Algeria đã triển khai 35.000 quân, tăng cường
lực lượng không quân và hệ thống cảnh giới hiện đại để kiểm soát tuyến biên giới
dài 1.400km với Mali đồng thời, Algeria khẳng định việc mở không phận cho các
máy bay chiến đấu của Pháp để vươn tới Mali cũng như nhằm vào các phiến quân cực
đoan là một quyết định chủ quyền của nước này.
Cùng ngày, Tổng Thư ký
Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã hoan nghênh sự can thiệp quân sự do Pháp cầm đầu
tại Mali./.
Theo Vietnam+