Ngày 3/11, ông Kerry đã đặt chân đến Cairo bắt đầu chuyến công du đến 1 loạt các
quốc gia Trung Đông, Châu Âu và Bắc Phi.
Vài tháng trở lại đây, Washington đang phải đối
mặt với một thực tế đáng buồn là hàng loạt các đồng minh quan trọng của họ ở
Trung Đông nói riêng và trên thế giới nói chung đều đang có những bất đồng nhất
định với nước Mỹ.
Mỹ làm mất lòng các đồng minh ở Trung
Đông vì Iran và Syria
Mối quan hệ
có dấu hiệu “ấm lên” giữa Washington và Tehran thực sự đã khiến các đồng minh
thân cận của Mỹ ở Trung Đông là Saudi Arabia và Israel lo lắng, bởi Iran chính
là “kẻ thù truyền kiếp” của 2 nước này.
Trong khi đó, quyết định không tấn công quân sự
Syria của Mỹ sau những cáo buộc cho rằng, chính quyền Tổng thống Assad sử dụng
vũ khí hóa học đã khiến Saudi Arabia và Thổ Nhĩ Kỳ thất vọng.
Vấn đề gây chú ý nhiều nhất trong khu vực Trung
Đông hiện nay không phải là cuộc nội chiến nóng bỏng ở Syria mà chính là những
động thái của Saudi Arabia đối với chính sách của Mỹ ở Trung Đông mà Syria và
Iran được cho là những nguyên nhân chính.
Sự kiện đầu tiên cho thấy sự “bất mãn” của phía
Saudi Arabia, đó là việc nước này từ chối nhận ghế thành viên không thường trực
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Lý do Saudi Arabia đưa ra là vì Liên Hợp Quốc đã
thất bại trong việc giải quyết xung đột Israel - Palestine và tìm kiếm giải pháp
chấm dứt cuộc nội chiến tại Syria, thêm vào đó, tổ chức này đã không ngăn chặn
được việc phổ biến vũ khí giết người hàng loạt trong khu vực.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia phân tích thì
nguyên nhân thực sự đằng sau vụ việc này là do Saudi Arabia không hài lòng với
cách Mỹ xử lý các vấn đề tại Trung Đông trong thời gian qua.
Sau khi Mỹ kêu gọi tấn công quân sự Syria để
trừng phạt chính quyền ông Assad tháng 8/2013, Saudi Arabia chính là quốc gia
ủng hộ kế hoạch này nhiệt tình nhất. Tuy nhiên, vào phút chót, Mỹ quyết định
không tấn công Syria, đồng thời ký thỏa thuận với Nga giải quyết kho vũ khí hóa
học của Syria
Quyết định này của Mỹ khiến Saudi Arabia không
hài lòng và cho rằng, đồng minh Mỹ đang đi ngược lại lợi ích của họ. Hoàng tử
Turki Saud al-Faisal, Bộ trưởng Ngoại giao Saudi Arabia, đã mô tả chính sách của
Mỹ đối với Syria là "tệ hại", "thê thảm", và châm biếm thỏa thuận Nga - Mỹ giải
trừ kho vũ khí hóa học của Syria là chỉ nhằm phục vụ lợi ích của ông Assad.
Với Israel, Thủ tướng Benjamin Netanyahu đang làm
mọi cách để ngăn cản thỏa thuận hạt nhân với Iran, đồng thời kêu gọi Quốc hội Mỹ
áp đặt lệnh cấm vận cứng rắn hơn - điều có thể khiến cuộc đàm phán mới bắt đầu
giữa Tehran và các nước lớn đổ vỡ.
Ông Netanyahu đã không ít lần kêu gọi các lãnh
đạo Anh và Pháp không nên xóa bỏ các lệnh trừng phạt Iran liên quan đến chương
trình hạt nhân của nước này.
Trong lúc mối quan hệ Mỹ- Iran đang có dấu hiệu
ấm dần lên sau khi Tổng thống Rowhani lên nắm quyền thì Israel lại kêu gọi cộng
đồng quốc tế gia tăng sức ép đối với Iran, bao gồm việc áp đặt các biện pháp
trừng phạt nghiêm khắc hơn và không loại trừ khả năng can thiệp quân sự nếu
cần.
Ông Netanyahu cáo buộc rằng Iran đang “ngày càng
tiến gần hơn tới bom nguyên tử” và thế giới cần phải đảm bảo rằng “điều này sẽ
không được phép xảy ra”. Theo ông Netanyahu, các chính sách hạt nhân của Cộng
hòa Hồi giáo sẽ không thay đổi dưới thời ông Rowhani và những hứa hẹn của ông
Rowhani chỉ nhằm mục đích kéo dài thời gian.
Chuyến đi của ông Kerry nhằm hàn gắn rạn
nứt với các đồng minh
Trong cuộc họp báo hôm 31/10, người phát ngôn Bộ
Ngoại giao Mỹ Jen Psaki thừa nhận căng thẳng giữa Mỹ và các nước đồng minh sẽ
khiến nhiệm vụ ông Kerry phải gánh trên vai là vô cùng nặng nề. Mặc dù vậy, theo
bà Psaki, những nỗ lực ngoại giao là lựa chọn tốt nhất để tái khẳng định mối
quan hệ chiến lược của Mỹ với các đồng minh.
Phát biểu trước báo giới khi có mặt tại Cairo
trước khi lên đường đến Saudi Arabia, ông Kerry nói: “Có một số quốc gia trong
khu vực muốn Mỹ hành động theo cách này với vấn đề Syria nhưng chúng tôi đã hành
động theo cách khác. Những khác biệt trong cách nhìn nhận về một chiến lược cụ
thể không làm ảnh hưởng đến mục tiêu căn bản của các chính sách mang tính định
hướng”.
Ông Kerry nói thêm: “Tất cả chúng tôi đều chia sẻ
một mục tiêu chung mà chúng tôi đã thảo luận, đó là việc xây dựng một chính phủ
chuyển tiếp có thể cung cấp cho người dân Syria cơ hội để lựa chọn tương lai cho
đất nước họ”.
Ai Cập là quốc gia không nằm trong danh sách
những nơi ông Kerry sẽ ghé thăm nhưng lại là nơi Ngoại trưởng Mỹ đặt chân đến
đầu tiên. Theo các nhà phân tích, mục đích của chuyến thăm này là nhằm hàn gắn
mối quan hệ đồng minh từ nhiều thập kỷ qua vốn bị rạn nứt kể từ sau cuộc đảo
chính lật đổ Tổng thống Mohamed Morsi hồi tháng 7.
Mối quan hệ giữa Mỹ và Ai Cập đã có những rạn nứt
nhất định sau khi Washington tạm ngưng một phần chương trình viện trợ hàng năm
trị giá 1,5 tỉ USD dành cho Cairo để phản đối tình trạng xung đột và thiếu dân
chủ kể từ khi Tổng thống Morsi bị lật đổ.
Chuyến đi diễn ra vào thời điểm nhạy cảm, chỉ 1
ngày trước khi Tổng thống bị lật đổ Morsi bị đưa ra xét xử vì tội đàn áp những
người biểu tình bên ngoài dinh tổng thống hồi tháng 12/2012. Bất chấp những lời
đồn đoán về chuyến thăm bất ngờ của ông Kerry, Bộ Ngoại giao Mỹ đã lên tiếng
khẳng định: “Thời điểm của chuyến thăm này không liên quan đến phiên tòa xét xử
ông Morsi”
Tại Ai Cập, Ngoại trưởng Kerry đã có động thái
trấn an những đồng minh Arab rằng, Mỹ sẽ đảm bảo họ không bị tấn công “từ bên
ngoài”. Đây cũng có thể xem là một lời cảnh báo rõ ràng tới Iran – kẻ thù truyền
kiếp của các đồng minh Mỹ trong khu vực.
Ngoại trưởng Kerry đặc biệt nhấn
mạnh đến Saudi Arabia, UAE, Qatar, Jordan và Ai Cập cùng với “những quốc gia
khác” mà có thể hiểu đó chính là Israel, đồng minh thân cận nhất của Mỹ tại
Trung Đông.
Ông Kerry nói: “Mỹ
sẽ có mặt ở đó để bảo vệ bạn bè và các đồng minh của chúng tôi. Chúng tôi sẽ
không cho phép các quốc gia này bị tấn công từ bên ngoài. Chúng tôi sẽ ủng hộ
họ”.
Ngoại trưởng Kerry cũng lên tiếng trấn an các
nước đồng minh rằng, Mỹ sẽ không bao giờ cho phép Iran sở hữu vũ khí hạt nhân.
Ông Kerry khẳng định: “Iran sẽ không được phép sở hữu vũ khí hạt nhân. Đó là một
lời hứa của Tổng thống Mỹ”.
Sau khi rời Saudi Arabia, ông Kerry sẽ đến
Warsaw, Ba Lan. Tại đây, Ngoại trưởng Kerry sẽ gặp các quan chức cấp cao của Ba
Lan để thảo luận về liên minh phòng thủ chặt chẽ của 2 nước. Ông Kerry cũng sẽ
thúc đẩy hợp tác với Ba Lan trên một loạt các vấn đề toàn cầu khác.
Chuyến đi của ông Kerry đến Ba Lan vào thời điểm
mối quan hệ giữa Mỹ và một số đồng minh châu Âu đang rạn nứt nghiêm trọng sau bê
bối nghe lén được cho là sẽ hứng chịu nhiều búa rìu dư luận.
Trước thềm chuyến thăm, ông Kerry thừa nhận,
trong một số trường hợp, các hoạt động do thám mà Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ
thực hiện đã đi quá giới hạn và diễn ra một cách tự động, nên Tổng thống Mỹ và
các quan chức khác trong chính phủ không được biết về những hoạt động này.
Mặc dù cam kết Mỹ sẽ không để việc này tiếp tục
lặp lại trong tương lai, song người đứng đầu cơ quan ngoại giao của Mỹ cũng biện
minh cho hoạt động do thám của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ khi cho rằng, chương
trình giám sát này là một công cụ chống khủng bố hiệu quả bởi nó đã nắm trước
được các kế hoạch khủng bố.
Cũng trong chuyến công du lần này, ông Kerry sẽ
gặp gỡ với các nhà lãnh đạo Israel và Palestine để thảo luận về những biến pháp
thúc đẩy tiến trình hòa bình Trung Đông. Sau đó, Ngoại trưởng Mỹ cũng sẽ tới
Algeria và Morocco để tham gia các cuộc đối thoại chiến lược song phương./.
Theo VOV