Chủ Nhật, 24/11/2024
Thế giới
Thứ Ba, 6/6/2017 10:52'(GMT+7)

Ngoại trưởng Qatar kêu gọi đối thoại giữa khủng hoảng ngoại giao

Ngoại trưởng Qatar Mohammed bin Abdulrahman Al-Thani. Ảnh: EPA/TTXVN

Ngoại trưởng Qatar Mohammed bin Abdulrahman Al-Thani. Ảnh: EPA/TTXVN

Chưa đầy 24 giờ sau khi một loạt nước Arab và vùng Vịnh quyết định cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar, Ngoại trưởng Qatar Rahman đã kêu gọi "một cuộc đối thoại cởi mở và trung thực" để giải quyết khủng hoảng. 

 
Trong bài phát biểu được phát trên kênh truyền hình Qatar Al Jazeera, nhà ngoại giao này khẳng định Qatar sẽ không để tình hình leo thang, đồng thời nhấn mạnh "mối quan hệ giữa Qatar và Mỹ là chiến lược".

Ông Abdul Rahman cũng cho biết Quốc vương Kuwait Sheikh Sabah đã có buổi nói chuyện với Quốc vương Qatar Tamim Bin Hamad Al Thani tối 5/6. Trong đó, Quốc vương Sabah kêu gọi Qatar kiềm chế và tạo cơ hội cho những nỗ lực xoa dịu căng thẳng. Dự kiến Quốc vương Qatar sẽ có bài phát biểu trong ngày 6/6 nhằm xoa dịu tình hình.        
  
Trước đó, sáng 5/6, Saudi Arabia, Ai Cập, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Bahrain đã tuyên bố chấm dứt quan hệ ngoại giao với Qatar với cáo buộc Qatar hỗ trợ các nhóm khủng bố và can thiệp vào công việc nội bộ các nước trong khu vực. Để ủng hộ quyết định của các nước này, Yemen, chính phủ được quốc tế công nhận ở miền Đông Libya và Maldives cũng cắt đứt mối bang giao với Doha ngay trong sáng cùng ngày.
   
Động thái mới nhất này được xem là "giọt nước tràn ly", bởi mối quan hệ giữa Qatar với các nước thành viên khác trong Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC), với nòng cốt là Saudi Arabia, cùng với Ai Cập vốn đã căng thẳng trong thời gian dài. Các nước Arab và vùng Vịnh lâu nay cáo buộc Qatar hỗ trợ về chính trị, truyền thông và tài chính cho các nhóm nổi dậy cũng như các tổ chức khủng bố, cực đoan ở các nước trong khu vực như Libya, Ai Cập, Syria, Yemen, Tunisia...
   
Saudi Arabia còn cáo buộc Qatar không tôn trọng các nguyên tắc của GCC khi muốn tăng cường quan hệ với Iran, một địch thủ khu vực của các nước GCC.
    
Khủng hoảng ngoại giao bùng phát sau các phát biểu của Qatar chỉ trích các tuyên bố chống Iran của các quốc gia láng giềng vùng Vịnh, đặc biệt sau khi các nhà lãnh đạo GCC gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Hội nghị Thượng đỉnh các nước Hồi giáo ở Riyadh mới đây để thể hiện sự đoàn kết trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố cũng như sự can thiệp của Iran ở khu vực này.
  
Tổng thư ký Liên đoàn Arab (AL) Ahmed Aboul Gheit ngày 5/6 bày tỏ "lấy làm tiếc" trước việc các nước trên cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar, đồng thời bày tỏ "quan ngại về tình trạng chia rẽ do những bất đồng hiện này gây ra đối với công việc chung của khối". Tổng thư ký AL hy vọng các quốc gia Arab sẽ vượt qua được những bất đồng để xây dựng một mặt trận đoàn kết trước các mối đe dọa chung đối với an ninh quốc gia của mỗi nước.  
   
Cũng trong ngày 5/6, Sudan kêu gọi các nỗ lực hòa giải giữa Qatar và các nước Arab vùng Vịnh. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Sudan bày tỏ "quan tâm sâu sắc" đối với tình hình căng thẳng, đồng thời kêu gọi các nhà lãnh đạo của các nước này giữ bình tĩnh và cùng nhau giải quyết khủng hoảng. Sudan "sẵn sàng triển khai tất cả các nỗ lực" để giải quyết vấn đề một cách êm thấm trên cơ sở hòa giải vì lợi ích của người dân trong khu vực.
  
Trong khi đó, một quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ cho biết Washington "không muốn chứng kiến sự rạn nứt vĩnh viễn" giữa các quốc gia láng giềng Arab và vùng Vịnh. Nguồn tin cho biết Mỹ sẽ cử đại diện tham dự nếu các nước GCC tổ chức một cuộc gặp thượng đỉnh để thảo luận về tình hình căng thẳng hiện tại. Một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định tầm quan trọng của "tất cả các quan hệ đối tác của Washington tại vùng Vịnh" và bày tỏ mong muốn các bên tìm ra con đường giải quyết bất đồng càng sớm càng tốt.
    
Giới quan sát khu vực cho rằng các quốc gia Arab vùng Vịnh và Qatar cần phải kiềm chế và nỗ lực giải quyết bất đồng thông qua đối thoại. Cũng theo giới phân tích, cuộc khủng hoảng ngoại giao nếu không được giải quyết dứt điểm có thể đẩy khu vực vào một viễn cảnh phức tạp hơn, trong bối cảnh Trung Đông đang đối mặt với các cuộc khủng hoảng chưa có lối thoát như cuộc chiến tranh ở Syria, Yemen, xung đột ở Libya, cũng như các thách thức từ chủ nghĩa khủng bố và cực đoan.

TTXVN
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất