Ngụ
ngôn, với đặc trưng là lời nói, mẩu chuyện trong đó gửi gắm một ý tứ xa
xôi, bóng gió có tính giáo dục bài học nhân sinh gì đó được sử dụng
rộng rãi, phổ biến trong dân gian nên được các nhà chính trị, tư tưởng
lấy đó để diễn đạt các suy nghĩ, quan niệm của họ. Thực tế các nhà ngụ
ngôn nổi tiếng thế giới như Êdốp, Pheđơrơ, La Phôngten, Trang Tử, Liệt
Tử… cũng đều là các nhà tư tưởng. Trường hợp Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí
Minh, với tư cách là một nhà chính trị cũng mượn ngụ ngôn để sử dụng vào
mục đích chính trị, tôi gọi đó là ngụ ngôn chính trị.
Một
điều rất nên lưu ý là tìm hiểu ngụ ngôn chính trị của Bác Hồ chúng ta
phần nào hình dung được quá trình, phương pháp cách mạng tìm đường cứu
nước, giải phóng dân tộc một cách rất có chủ ý của Người. Theo chúng tôi
tác phẩm văn học đầu tiên của Người là một truyện ngụ ngôn có tên Động
vật học in trên Báo Le Paria, số 2, ngày 1/5/1922 (in trong Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, H, 2002, tập 1, tr.58. Những dẫn
chứng trong bài viết, trừ những tác phẩm được chú thích ở cuối bài,
chúng tôi đều lấy từ bộ sách này). Truyện này mang đậm tính trào phúng
nên có thể gọi chung là ngụ ngôn - trào phúng chính trị. Chủ đề chính
của tác phẩm là thức tỉnh ý thức nô lệ được thể hiện ở những khía cạnh
sau:
- Con người chấp nhận kiếp nô lệ cũng chỉ là một động vật.
"Một
vài đức tính thực dụng của nó còn cao hơn cả những đức tính thực dụng
của các loài gia súc nữa kia. Một khi thuần thục rồi, thì tự nó để cho
người ta hớt lông như một con cừu, chất đồ nặng lên lưng như một con
lừa, và đưa vào lò sát sinh như một con bê".
Nếu
tiếng cười là một sự phê phán thì đây là một sự phê phán đích đáng, một
sự phê phán đau đớn vạch ra trạng thái thảm hại của con người nô lệ.
Chúng ta hãy chú ý phép so sánh: "…cao hơn cả những đức tính thực dụng
của các loài gia súc nữa kia…". Thế thì kiếp nô lệ còn nhục nhã hơn, xót
xa hơn kiếp súc vật.
Có
người sẽ đặt ra câu hỏi: viết thế thì có phải là một sự coi thường,
khinh rẻ con người? Không. Tôi sẽ trả lời rằng ngàn lần không, mà là sự
ngược lại, phải có tấm lòng kính trọng con người, một tình yêu vô cùng
sâu sắc đối với con người thì mới có những câu văn đẫm nước mắt như thế.
Bởi vì phải vạch ra trạng thái phi nhân tính thảm hại để con người
hiểu, hiểu để mà thức tỉnh, rồi tiến hành đấu tranh đòi trả lại một cuộc
sống đích thực nhân tính.
- Con người chấp nhận làm tay sai, theo đuôi kẻ khác cũng là một động vật.
"Loài
động vật này rất dễ bị loá mắt. Nếu người ta bắt ra một con, to nhất
hay mạnh nhất trong bầy, và đeo vào cổ nó một vật gì lóng lánh như một
đồng tiền vàng hay một huân chương chẳng hạn, thì nó liền trở thành hoàn
toàn ngoan ngoãn, lúc đó người ta có thể sai nó làm bất cứ việc gì và
bảo đi đâu cũng được… và các con khác cứ việc theo nó một cách… khờ dại,
nếu có thể nói như thế được".
Một
sự mỉa mai về sự ngu dốt, về tâm lý hám danh của những kẻ cam tâm làm
tay sai cho thực dân và cả sự mỉa mai về tâm lý bầy đàn, theo đuôi, a
dua, không biết phân biệt phải trái, trắng đen, hay dở của những người
dân bản xứ ít học.
- Để thoát khỏi kiếp nô lệ động vật thì phải… "tiến hoá".
"Các
nhà bác học của Hội động vật đế quốc Anh (B.I.Z.A- British Imperial
Zoological Association) vừa cho biết rằng loài sống trên bờ ấn Độ Dương
và trên bờ xứ Libi, vùng Hồng Hải, bắt đầu có những tiến hoá rất rõ rệt:
nó không chịu để người ta bắt một cách dễ dàng, và không chịu để cho
người ta đem về nuôi làm gia súc nữa. Hiện tượng mới đó không khỏi gây
lo ngại cho các giới công nghiệp và khoa học trên thế giới và đặc biệt
là cho những giới đó ở phố các nhà giàu sụ Luân Đôn vì, tuy thịt loài
vật đó không ăn được vì không thể ướp lạnh được, nhưng máu và mồ hôi của
nó lại trở thành những thứ không thể thiếu để đổ dầu mỡ cho những cái
máy chứa dồi thịt".
Có
thể hiểu thoát ý đoạn này bằng cách bóc đi lớp vỏ muối trào phúng bên
ngoài, ý câu văn sẽ là: các dân tộc trên bờ Ấn Độ Dương, trên bờ xứ
Libi, vùng Hồng Hải đang nổi dậy để chống lại ách áp bức của ngoại bang.
Điều này làm cho giới nhà giàu và công nghiệp tư bản hết sức lo ngại vì
chúng sẽ mất đi nguồn lợi lao động vô cùng to lớn. Nhưng thế là nói
thẳng, nói thẳng thì sẽ bị cắt bởi lưỡi kéo kiểm duyệt của chính quyền
Pháp. Phải nói vòng, nói vòng một cách văn chương, phải ướp vào câu văn
tinh thần hài hước mỉa mai để kêu gọi thức tỉnh các dân tộc thuộc địa,
để cảnh tỉnh chủ nghĩa tư bản đế quốc: một cơn bão của đấu tranh dân tộc
ở các nước thuộc địa sẽ cuốn phăng những kẻ bóc lột nước ngoài.
Cùng
chủ đề với truyện này là bài báo Mấy ý nghĩ về vấn đề thuộc địa đăng
trên Báo L’Humanite’ ngày 25/5/1922, Người chỉ rõ "tình trạng dốt nát
của người dân bản xứ" và tâm lý nô lệ thảm hại: "…giống như con chó
trong truyện ngụ ngôn, họ lại thích đeo cái vòng cổ để kiếm xương của
chủ" (Tập 1, tr.64). Nằm trong mạch chủ đề này, trong tác phẩm Bộ sưu
tập động vật đăng trên Báo Le Paria ngày 1/2/1923, Người mỉa mai sự chấp
nhận nô lệ là kiếp loài vật, kiếp "con chim sẻ", "con vẹt", "con chó":
"Lại cũng phải nhận rằng các nhà đi khai hóa của chúng ta đã không từ
một sự cố gắng nào để cắm cho mấy con chim sẻ bản xứ - rất dễ bảo và rất
ngoan ngoãn - vài cái lông công làm cho chúng trở thành những con vẹt
hay những con chó giữ nhà" (Tập 1, tr.144).
Dĩ
nhiên Người cũng hướng ngòi bút mỉa mai châm biếm vào những tên kẻ cướp
- chủ nghĩa thực dân đế quốc, dưới danh nghĩa đi "khai hóa văn minh"
nhưng thực chất là đi xâm lược, đi ăn cướp các thuộc địa. Bộ sưu tập
động vật (Me’nagerie) là một ngụ ngôn - trào phúng mang ý nghĩa luận
tội, kết án: "Người ta thường quên, tưởng rằng các nhà bảo hộ của chúng
ta lúc nào cũng thi hành cái chính sách của loài đà điểu" (Tập 1,
tr.141). Đà điểu là một loài chim lớn sống ở miền nhiệt đới châu Phi có
dạ dày rất khỏe, "chính sách của loài đà điểu" (Politique de l’autruche)
là một ẩn dụ mỉa tố cáo chính sách vơ vét tham lam vô độ của chủ nghĩa
thực dân đế quốc. "Cái con chó ngắn mõm chẳng đã chạy đến nhe bộ răng
khả ố của nó ra mà xé toạc cả cơ cấu của Hội nghị Pari đó sao? Thành thử
con khỉ phlamăng và con gà trống gôloa phải một mình đương đầu với con
phượng hoàng giécmanh ở miền Ruya". Sau Chiến tranh thế giới lần thứ
nhất (1914-1918), các đế quốc tham gia chiến tranh họp Hội nghị Vécxây
để phân chia lại quyền lợi và bàn cách tăng cường bóc lột thuộc địa.
"Con chó ngắn mõm" ám chỉ nước Anh, "con khỉ phlamăng" ám chỉ nước Bỉ,
"gà trống gôloa" - nước Pháp, "con phượng hoàng giécmanh" - nước Đức.
Cách dùng ẩn dụ trào phúng đã làm nổi lên bản chất ăn cướp và những mâu
thuẫn quyền lợi không thể dung hòa của chủ nghĩa đế quốc.
Trong Động vật học tác giả cũng mỉa mai những kẻ bóc lột cũng chỉ là một loại động vật vì chỉ biết đến tiền và bóc lột kẻ khác.
Tiêu
biểu là "ông Giôdép Caiô, cựu Thủ tướng, nhà lý tài ngoại ngạch, một
nhà văn không phải tồi, không phải tương đối tồi như Anhxtanh nói, sau
khi đã cai trị 40 triệu dân Pháp, đã nắm trong tay hàng triệu, hàng tỷ
bạc, ông viết sách vở, rồi một buổi sáng nọ, ông vò đầu và gãi điên
cuồng - không phải là gãi tóc, vì ông ta không có sợi tóc nào cả - mà
gãi tai, đồng thời tự hỏi và hỏi người khác: Châu Âu sẽ đi tới đâu nhỉ?
Nước Pháp sẽ đi tới đâu nhỉ? Câu hỏi tuy có vẻ rất giản đơn, nhưng cho
đến nay vẫn chưa giải đáp được, trừ phi…
Này
Ngài Thủ tướng, xin ngài cho tôi biết chân của châu Âu và nước Pháp ở
chỗ nào, tôi sẽ nói cho ngài biết châu Âu và nước Pháp sẽ đi tới đâu!".
Chất
mỉa mai bật ra ở câu nói kháy "… chân của châu Âu và nước Pháp…". Nước
Pháp và hầu như cả châu Âu lúc này đang sống bằng cách bóc lột thuộc
địa, do vậy muốn biết họ "sẽ đi tới đâu" thì phải xem họ đang bóc lột ở
những nơi nào. Một cách nói kháy mát mẻ, đầy ẩn ý không thể hiểu ngay.
Nhưng đến câu này thì thật dễ hiểu: "Loài động vật này ăn thịt, ăn gạo,
ăn cỏ và ăn cả ngân sách nữa. Cần chú ý rằng khi đã có thể tiến đến
trình độ ăn ngân sách thì thường bị coi là thoái hóa, vì nó đã mất hết
tinh thần của nòi giống rồi". Chúng tôi cho rằng những câu nói này ở
ngày hôm nay - trên đất nước ta vẫn nguyên tính thời sự, phải coi những
kẻ tham nhũng "ăn cả ngân sách" cũng là loài động vật bị thoái hóa, tức
là không còn cả tư cách của loài động vật thông thường nữa.
Ngày
29/9/1922 trên báo L’Humanite’ có in truyện ngụ ngôn Đồng tâm nhất trí
của Nguyễn Ái Quốc (Tập 1, tr.111). Đại thể, truyện thế này: anh Hai đi
chợ bán vàng mã, anh Ba đi chợ bán trầu non, họ "cùng đi một chợ này,
theo cùng một con đường này lại có cùng một mục đích - là bán hết hàng,
cùng một chí hướng - là làm ăn lương thiện kiếm miếng cơm" - lời anh Ba.
Thế là họ "kết nghĩa anh em cùng nhau giao ước thắt tình hữu ái,…
khuyên bảo lẫn nhau, thấy đây làm gì thì đó làm theo, mà đó đã bảo gì
thì đây cũng làm y, nói tóm lại, là giữa hai ta có sự đồng tâm nhất trí"
- lời anh Hai. Đường tới chợ còn xa, họ hát cho đỡ mệt, anh Hai hát,
anh Ba hát theo. Gặp dòng sông, anh Ba nhúng trầu non, anh Hai cũng làm
theo, nhúng vàng mã xuống nước. Đến khi trời nắng, anh Hai phơi vàng mã,
anh Ba cũng làm theo, phơi trầu non… Truyện có nhiều cách hiểu, nhưng
có lẽ ai cũng tán thành cho rằng qua câu chuyện, Bác Hồ là một trong
những người đầu tiên giới thiệu với thế giới thể thơ lục bát đặc sắc của
người Việt. Xin chép lại nguyên văn lời thơ:
Kon - mèo trèo lên cây cAU
Hỏi thăm Kon - chuột đi đÂU vắng nhà
Thưa rằng đi chợ đường xA
Mua đồ vật liệu giỗ chA Kon - mèo.
...
Trông lên hòn núi Thiên ThAI
Thấy bầy chim quạ ăn xoàI chín cây.
Bản
phiên âm tiếng Pháp có in nguyên bản lời thơ bằng tiếng Việt và được
dịch ra tiếng Pháp. Những ký tự in hoa là dụng ý của tác giả để giới
thiệu cách gieo vần của thể thơ lục bát, chữ cuối ở câu lục ăn vần với
chữ thứ sáu của câu bát, chữ cuối của câu bát lại ăn vần với chữ cuối
của câu lục. Có lẽ tác giả muốn cải tiến âm C bằng âm K (trong chữ quốc
ngữ) nên ký tự này luôn được in hoa, nhưng rất có thể là để tránh sự
hiểu nhầm của độc giả Pháp vì chữ con trong tiếng Pháp có nghĩa tục, vì
thế mà các chữ Kon - mèo, Kon - chuột luôn có gạch nối để phân biệt. Đã
có cách hiểu cho rằng tác giả muốn khẳng định một nguyên tắc quan trọng
là nếu nguyện vọng của cá nhân và tập thể có mâu thuẫn thì phải biết hy
sinh quyền lợi cá nhân cho quyền lợi tập thể. Hình ảnh vàng mã và trầu
non tượng trưng cho sự khác biệt và tương phản của quyền lợi riêng. Nhân
vật anh Hai và anh Ba soi sáng tính cách anh hùng, bền bỉ, đoàn kết, hy
sinh vì đại nghĩa của nhân dân ta. Cách hiểu này khó chấp nhận vì tính
chất gán ghép trong lập luận khi cho rằng "vàng mã và trầu non tượng
trưng cho sự khác biệt và tương phản của quyền lợi riêng" và hai nhân
vật anh Hai, anh Ba cũng không có một nét tính cách nào để có thể "soi
sáng tính cách anh hùng, bền bỉ, đoàn kết, hy sinh vì đại nghĩa của nhân
dân ta". Có lẽ nên hiểu là tác giả đặt vấn đề không thể đồng tâm nhất
trí một cách máy móc, và phê phán việc đoàn kết không vì mục đích quyền
lợi chung. Căn cứ ngay vào bản chất của hình tượng cũng dễ hiểu là nếu
đem trầu non phơi nắng, vàng mã nhúng nước (những hành động ngược đời)
thì còn ai mua nữa (không có mục đích). Truyện được viết theo phong cách
trào phúng của một ngụ ngôn chính trị khi ta thấy lời miêu tả mang tính
bình luận của người kể được nhại lại: "Một lời đã hứa… làm theo không
chối cãi" càng củng cố thêm cho cách hiểu sau là đúng.
Đồng
tâm nhất trí đánh dấu một bước nhận thức sâu sắc về một phương pháp
cách mạng cực kỳ quan trọng là đoàn kết, không phải là đoàn kết chung
chung mà đoàn kết có tổ chức, phù hợp với tình hình mỗi nước. Chúng tôi
xin dẫn chứng một đoạn trong Thư gửi các bạn cùng hoạt động ở Pháp
(1923), vừa làm rõ cách hiểu ở trên vừa để thấy con đường hoạt động cách
mạng của Người, ngay từ những ngày đầu, năm đầu đi tìm đường cứu nước
là cực kỳ đúng đắn, khoa học, hết sức biện chứng:
"Các bạn thân mến,
Bao lâu nay chúng ta làm việc với nhau.
Mặc dầu chúng ta là những người khác giống, khác nước, khác tôn giáo, chúng ta đã thân yêu nhau như anh em.
Chúng
ta cùng chịu chung một nỗi đau khổ: sự bạo ngược của chế độ thực dân.
Chúng ta đấu tranh vì một lý tưởng chung: giải phóng đồng bào chúng ta
và giành độc lập cho Tổ quốc chúng ta.
Trong
cuộc chiến đấu của chúng ta, chúng ta không cô độc, vì chúng ta có tất
cả dân tộc của chúng ta ủng hộ và vì những người Pháp dân chủ, những
người Pháp chân chính, đứng bên cạnh chúng ta.
Công
việc chung của chúng ta "Hội Liên hiệp thuộc địa" và tờ báo Người cùng
khổ đã có những kết quả tốt. Nó đã làm cho nước Pháp, nước Pháp chân
chính hiểu rõ những việc xảy ra trong các thuộc địa. Làm cho nước Pháp
hiểu rõ bọn cá mập thực dân đã lợi dụng tên tuổi và danh dự của nước
Pháp để gây nên những tội ác không thể tưởng tượng được. Nó đã thức tỉnh
đồng bào chúng ta. Đồng thời nó cũng khiến cho đồng bào chúng ta nhận
rõ nước Pháp, nước Pháp tự do, bình đẳng và bác ái. Nhưng chúng ta còn
phải làm nhiều hơn.
Chúng ta phải làm gì?
Chúng ta không thể đặt vấn đề ấy một cách máy móc.
Điều đó tùy hoàn cảnh của mỗi dân tộc chúng ta.
Đối
với tôi, câu trả lời đã rõ ràng: trở về nước, đi vào quần chúng, thức
tỉnh họ, tổ chức họ, đoàn kết họ, huấn luyện họ, đưa họ ra đấu tranh
giành tự do độc lập…" (Tập 1, tr. 191-192).
Nội
dung bức thư này càng khẳng định cho ý nghĩa của truyện Đồng tâm nhất
trí là tuy mục đích thì chung nhưng với mỗi trường hợp thì phải có cách
riêng chứ không làm theo nhau một cách mù quáng máy móc như anh Hai và
anh Ba nọ. Đồng tâm nhất trí viết bằng tiếng Pháp hướng tới độc giả là
các đồng chí, đồng bào biết tiếng Pháp, in trên Báo Nhân đạo ngày
29/9/1922, vì là một tác phẩm văn học nên ý nghĩa của nó phải kín đáo,
bóng gió như vậy.
Lá
thư này cho thấy một bước ngoặt trong đời hoạt động cách mạng của
Người: hướng về Đông Dương, dĩ nhiên, mục đích tối thượng của Nguyễn ái
Quốc là giải phóng dân tộc mình, nhân dân mình nên Người dành nhiều tâm
huyết hơn cả để thức tỉnh cả "dân tộc An Nam", nhất là thanh niên. Trong
Bản án chế độ thực dân Pháp có phần Phụ lục Gửi thanh niên An Nam:
"Người Airlan, Ai Cập, Triều Tiên, ấn Độ, tất cả những người chiến bại
hôm qua và nô lệ hôm nay đó, đương đấu tranh dũng cảm cho nền độc lập
ngày mai của họ. Riêng người An Nam, thì vẫn cứ thế: sẵn sàng làm nô
lệ". Những dòng cuối cùng tác giả đưa ra lời bình luận thức tỉnh:
"Hỡi Đông Dương đáng thương hại! Người sẽ chết mất, nếu đám Thanh niên già cỗi của Người không sớm hồi sinh" (Tập 2, tr.133).
Trong
Thư trả lời ông H. (Thượng Huyền) ngày 9/4/1925 (Tập 2, tr.156-165)
Nguyễn Ái Quốc mượn truyện ngụ ngôn Hội đồng chuột để châm biếm mỉa mai
thói xấu của người An Nam. Sau khi tóm tắt truyện này, tác giả đưa ra
lời bình luận đắt giá như sau:
"Phải,
không một con chuột nào của La Phôngten nói trong thơ ngụ ngôn dám buộc
chuông lên cổ mèo; tuy vậy chúng đều căm ghét kẻ thù của chúng và đồng
tình sẽ treo cổ nó lên. Những con chuột ấy thật là hơn hẳn "những con
chuột An Nam" không biết căm thù "những con mèo Pháp", vì những con
chuột này không biết đoàn kết lại để bàn việc tiêu diệt những con mèo
kia, chúng sợ rằng trong hàng ngũ chuột của chúng sẽ có con đi báo với
mèo Pháp.
Những
người tự hào là dòng giống Rồng Tiên lại không bằng chuột! Thật là hổ
thẹn, có phải không thưa ông!" (Tập 2, tr.164). Lời bình hướng tới hai
sự phê phán đích đáng: tinh thần bạc nhược, đớn hèn và sự phản bội xấu
xa. Toát lên một chân lý phổ quát: người An Nam phải biết đoàn kết lại
thì mới sửa chữa được những thói xấu ấy.
Và
đến Truyện ngụ ngôn được Người viết tại Quảng Châu năm 1925 (Tập 2,
tr.444) thì tinh thần phê phán còn cao hơn và ý nghĩa rõ ràng hơn cho
đối tượng là "dân An Nam". Truyện có lời mở đầu mang tính mời gọi, hấp
dẫn:
"Hãy nghe câu chuyện ngụ ngôn này. Tất cả các bạn, hãy im lặng và lắng nghe!
Loài vật đang tranh nhau công trạng…".
Có
thể tóm tắt truyện thế này, con rồng tự hào là thủy tổ của người An Nam
có nhiều bậc anh hùng cứu nước. Con tôm "phản biện" lại, nói tôm sướng
hơn người An Nam vì thân nó cong là do ý trời còn người An Nam lưng còng
là chịu sưu cao thuế nặng. Con cừu đồng tình nói, người An Nam giống
loài thỏ, cừu bị cắt lông một năm một lần nhưng người An Nam bị Pháp bóc
lột tứ thời. Rắn nói người Pháp "khẩu Phật tâm xà" mà người An Nam lại
rước họ vào nước mình. Voi buồn cho người An Nam "rước voi về giày mả
tổ". Lươn chê người An Nam dễ để cho đồng tiền cám dỗ. Chuột mỉa mai
người An Nam không nghĩ gì đến đất nước. Gà trống khinh người An Nam vì
tiền mà bội bạc. Cá chép sung sướng bởi mình sẽ có ngày hóa rồng mà buồn
thay cho dân An Nam suốt đời nô lệ mà không dám vùng lên… Kết lại câu
chuyện là lời bình luận của người kể: "Ôi, những người An Nam, các anh
phải luôn nhớ rằng đoàn kết làm nên sức mạnh".
Dễ
thấy một sự học tập hình thức truyện Lục súc tranh công trong ngụ ngôn
dân gian để châm biếm sự ươn hèn, yếu đuối, bạc nhược cam chịu nô lệ
nhục nhã của "dân An Nam". Câu chuyện không chỉ đáng đọc ở cái thời đất
nước ta đắm chìm trong nô lệ mà cũng rất đáng đọc ở cái thời nay, đọc để
tự ý thức về tinh thần vươn lên, về cởi bỏ những tâm lý xấu, tính cách
xấu… Hôm nay người ta nói nhiều đến phản biện, phản biện xã hội, coi
phản biện như là một hình thức tư duy mới mẻ, tiến bộ. Thực ra phản
biện, phản biện xã hội luôn là một thuộc tính tư duy của con người, càng
có tinh thần khoa học, dân chủ, càng có khát vọng đổi thay xã hội, làm
mới, làm tốt cho con người thì càng giàu ý thức phản biện. Không phải ai
cũng có ý thức phản biện và năng lực phản biện, phải là người có trách
nhiệm sâu sắc với xã hội, có tình yêu con người, có năng lực phát hiện
vấn đề… mới có thể phản biện được. Trên tinh thần ấy tôi thấy Bác Hồ là
một người luôn có tinh thần phản biện mà hôm nay chúng ta rất nên học
tập về mọi phương diện, ý thức, cách thức, đề tài, nội dung.
Năm
1929, Bác Hồ từ châu Âu về nước Xiêm phát triển tổ chức Việt kiều gây
dựng cơ sở cách mạng, một hôm trên đường đi công tác Bác kể cho đồng chí
của mình câu chuyện ngụ ngôn Pháp Trẻ con không nên nghe trộm. Chuyện
rằng: "Có hai em bé vào chơi trong rừng. Mải mê nghe chim kêu, xem bướm
lượn cùng những thú rừng kỳ lạ khác, trời sập tối lúc nào không hay. Hai
em đang lo lắng thì gặp một ông cụ tiều phu. Cụ đưa hai em về nhà cho
ăn và ngủ. Đến đêm, cụ ông bàn với cụ bà làm thịt gà để ngày mai thết
hai em bé. Cụ ông nói: "Thịt con lớn hay con bé?". Cụ bà bảo: "Nói khẽ
chứ! Nói to, chúng nghe, chúng chạy mất…". Lúc này hai em vẫn còn thức,
nghe thấy thế, đinh ninh là các cụ bàn cách thịt mình, nên lo sốt
vó…"(1). Tưởng đó chỉ là câu chuyện vui nhưng đấy lại là một bài học
chính trị về nhận định con người để gây dựng cơ sở cách mạng, mà như lời
bình luận của Bác, có những người "có thái độ bề ngoài tuy thô lỗ như
cục sắt nhưng bên trong lại là một tấm lòng vàng". Theo chúng tôi, những
câu chuyện ngụ ngôn mà Bác kể như chuyện trên sinh động và thuyết phục
hơn nhiều những bài học lý thuyết chay về mối quan hệ giữa hiện tượng và
bản chất, giữa hình thức và nội dung… trong việc nhận xét cá nhân, xây
dựng tổ chức cách mạng.
Chiến
tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ, với nhãn quan chiến lược Bác Hồ ủng
hộ Đồng Minh, ngày 24/11/1940 trên Cứu vong nhật báo (Trung Quốc) Người
viết bài Chú ếch và con bò (Tập 3, tr.177) dưới bút danh Bình Sơn. Bằng
giọng hài hước tác giả tóm tắt lại câu chuyện ngụ ngôn nước Pháp, ở
phần bình luận tên độc tài người ý Mútxôlini được ví như chàng ếch tội
nghiệp kia, vì không biết lượng sức mình mà đem quân đánh Hy Lạp, nào
ngờ bị "mảnh giáp không còn", chú ếch Mútxôlini đã "ô hô toi mạng". Câu
chuyện phỏng ngụ ngôn, hài hước, vui nhưng quan điểm chính trị thì rất
rõ ràng: đứng về phe Đồng Minh, mỉa mai phê phán phe Trục. Chiến tranh
thế giới càng leo thang ác liệt thời cơ giải phóng đất nước càng tới
gần, Bác Hồ chuyển về nước để trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng.
Thời điểm này cách mạng đòi hỏi phải có lực lượng, mà muốn có lực lượng
thì phải đoàn kết, Người đã mượn ngay hình thức ngụ ngôn dân gian để
tuyên truyền kêu gọi. Một loạt truyện ngụ ngôn được Người viết trong
những thời điểm rất gần nhau: Ca sợi chỉ (1/4/1942), Hòn đá (21/4/1942),
Con cáo và tổ ong (1/7/1942), Nhóm lửa (1/8/1942), Chơi giăng
(21/8/1942). Vì là hướng tới mọi đối tượng, đặc biệt là tầng lớp nông
dân ít học nên những truyện này rất giản dị, dễ hiểu, thường có cấu trúc
hai phần, phần đầu là kể chuyện, phần hai là lời bình luận để kêu gọi
đoàn kết, ví dụ phần cuối bài Ca sợi chỉ:
Hỡi ai con cháu Hồng Bàng
Chúng ta phải biết kết đoàn mau mau
Yêu nhau xin nhớ lời nhau
Việt Minh hội ấy mau mau phải vào.
Phần cuối bài Con cáo và tổ ong:
Ong kia yêu giống, yêu nòi
Đồng tâm, hợp lực đuổi loài cáo đi.
Bây giờ ta thử so bì,
Ong còn đoàn kết huống chi là người!
Nhật, Tây áp bức giống nòi,
Ta nên đoàn kết để đòi tự do.
Chúng tôi lại cho rằng những tác phẩm ngụ ngôn trên thực sự nghệ thuật, một thứ nghệ thuật tuyên truyền rất giản dị mà hiệu quả.
Nửa
đầu năm 1944 thực dân Pháp tiến hành khủng bố, lùng sục gắt gao, cách
mạng có nơi sa vào thoái trào, không tránh được tình trạng có một bộ
phận cán bộ, nhân dân hoang mang. Bác Hồ giải thích tình hình bằng một
ngụ ngôn mà có lẽ không một lý luận nào hay hơn có thể thay thế: "Hiện
nay lính Pháp đông thì có đông, súng nhiều thì có nhiều, nhưng so với
lực lượng quần chúng của ta thì có thấm vào đâu. Nó chỉ là con trâu già
mà Đội Việt Nam tuyên truyền Việt Nam giải phóng quân của chúng ta là
con voi non. Con voi non tuy hiện giờ còn yếu, nhưng mỗi ngày một lớn
lên và khỏe ra, nó sẽ giơ vòi quật chết con trâu già"(2). Ngoài một
thiên tài về tầm nhìn chiến lược, về nhận định thế cuộc, phải khẳng định
Bác Hồ là một nhà văn, nhà ngôn ngữ kiệt xuất trong việc dùng ngôn ngữ,
hình tượng văn học để diễn đạt một cách chính xác, tinh tế nhất tình
hình chính trị. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, nước Việt Nam mới tổ
chức Tổng tuyển cử. Bác Hồ chủ động nhường cho Nguyễn Hải Thần và Nguyễn
Tường Tam bảy mươi ghế trong Quốc hội. Nhưng đối với bọn phản động này
thì nhân dân lại rất khinh bỉ nên có người băn khoăn, thắc mắc, Bác Hồ
giải thích: "Muốn giồng khoai giồng lúa, người ta phải dùng phân. Muốn
đi đến dân chủ mà tất cả chúng ta đều muốn, đôi khi chúng ta phải làm
những việc chúng ta không vui lòng làm" (3). Lời Bác thật hết sức giản
dị qua một ngụ ngôn gần gũi, quen thuộc với đại đa số nhân dân ta đã làm
mọi người yên lòng.
Bác
Hồ đã coi truyện ngụ ngôn như là một thứ vũ khí cách mạng, để phê phán,
tố cáo kẻ thù, để cảnh tỉnh, thức tỉnh người nô lệ, kêu gọi dân ta đoàn
kết, để giải thích tình hình… Chúng tôi tìm thấy một chi tiết trong Trả
lời ông Vaxiđép Rao, thông tín viên hãng Roitơ, Người mượn câu chuyện
ngụ ngôn để vạch trần một cách đích đáng luận điệu xảo trá của thực dân
Pháp khi chúng gây hấn trở lại hòng cướp nước ta lần nữa.
"Hỏi:… Xin Chủ tịch cho biết ý kiến về lời tố cáo của những người Pháp nói rằng Việt Nam đã gây ra cuộc xung đột hiện nay?
Trả
lời:… Nước Việt Nam không có lợi gì gây chiến tranh để làm cho nhân dân
thiệt hại và chịu bao nhiêu tang tóc. Ông hãy nhớ lại bài ngụ ngôn của
Lã Phụng Tiên Con chó sói và con cừu" (Trả lời vào tháng 5-1947. Tập 5,
tr.134).
Truyện
Con chó sói và con cừu kể một chú sói làm đục dòng suối, con cừu ra
suối uống nước liền bị sói mắng là đã làm bẩn nước, cừu cãi lại, nói
chính sói mới là kẻ gây ra. Chó sói liền đòi ăn thịt cừu. Ngụ ý của câu
chuyện thật dễ hiểu: liệu cái lý của kẻ mạnh mà độc ác (như sói) bao giờ
cũng đúng? Không phải. Kẻ mạnh mà độc ác luôn đi ngược lại chân lý
thông thường. Chỉ cần mượn một câu chuyện ngụ ngôn mà nói được bản chất
của vấn đề: Pháp như con sói kia, là kẻ đi xâm lược, gây ra chiến tranh
mà còn vu cho người Việt "gây ra cuộc xung đột…". Đúng là không thể nói
những gì, diễn đạt những gì chính xác hơn, hay hơn cách mượn ngụ ngôn
này. Lã Phụng Tiên, tức La Phôngten (La Fontaine) nhà ngụ ngôn nổi tiếng
thế giới, người Pháp, tác giả của Con chó sói và con cừu. Cũng thật là
thâm thúy khi Bác Hồ lấy chính một tác phẩm yêu thích của người Pháp nói
chung để hài hước mỉa mai những người Pháp xấu - những kẻ thực dân.
Đầu
những năm 1950 quân ta thắng nhiều trận lớn, quân Pháp có dấu hiệu
xuống sức hụt hơi, thế mà chúng còn rêu rao khoe khoang là "bộ đội Pháp
đánh hăng như cọp". Bác Hồ có ngay một ngụ ngôn Cọp, Nai, Thỏ (Báo Cứu
quốc, số 1868, ngày 25/7/1951), sau khi thuật lại lời khai của một tù
binh Pháp - hạ sĩ quan Ghiông (Guillon), tác giả đưa ra lời bình luận:
"Lời khai của Ghiông có Nai, có Thỏ, có Cọp, như một vườn bách thú nhỏ.
Song con cọp Pháp chỉ là cọp giấy" (Tập 6, tr.259). Một tiếng cười trào
phúng vui vẻ mà sâu sắc qua so sánh "như một vườn bách thú nhỏ" đã hạ bệ
thảm hại những kẻ đi xâm lược giờ đây cũng chỉ như những con thú bị
"giam hãm" trong "vườn bách thú" để cho du khách tham quan ngắm nghía mà
thôi. Quân Pháp có tự cho mình là cọp thì chẳng qua cũng chỉ là cọp
giấy. ý nghĩa của câu nói càng có giá trị khi người nói là một vị Tổng
tư lệnh quân đội kháng chiến - Chủ tịch Hồ Chí Minh, khích lệ tinh thần
đánh giặc của quân ta bao nhiêu thì càng khiến cho sự hoảng loạn của
lính Pháp tăng lên bấy nhiêu.
Cuối
năm 1954 bộ đội ta về tiếp quản Thủ đô, vừa đánh thắng một thực dân
Pháp to, trong đội ngũ cán bộ đảng viên chúng ta xuất hiện một tư tưởng
công thần, đòi hỏi hưởng thụ. Câu chuyện Chiếc đồng hồ của Bác thật sự
có tác dụng giáo dục to lớn: "Bác ngồi ở bàn, cầm một chiếc đồng hồ và
nói: "Bác có chiếc đồng hồ này dùng đã lâu, đây là chiếc đồng hồ của
đồng chí Nam Dương cho Bác". Chúng tôi nhìn chiếc đồng hồ nằm gọn trong
tay Bác. Một chiếc đồng hồ quả quýt kiểu cũ. Bác hỏi tiếp: Cái đồng hồ
này phía trước có hai kim và chữ số nói rằng: chúng tôi ở phía trước lâu
rồi, đổi chỗ cho chúng tôi ra đàng sau. Còn những bánh xe ở đằng sau
thì nói: chúng tôi ở đây đã lâu rồi cho chúng tôi ra đằng trước. Nếu tất
cả mọi thứ đều yêu cầu như vậy thì chiếc đồng hồ có còn dùng được nữa
không?". Rồi Bác giải thích: "Công tác cách mạng cũng thế, mỗi người đều
có nhiệm vụ nhất định, do sự phân công của tổ chức, vì lợi ích của cách
mạng, của nhân dân. Mọi người ai cũng làm tròn nhiệm vụ của mình thì
công tác cách mạng mới hoàn thành được"(4). Đây không chỉ là bài học cho
mỗi cá nhân, mỗi tổ chức mà là bài học của cả cách mạng nói chung, bài
học cho muôn người, muôn đời, mọi nơi, mọi lúc.
Cải
cách ruộng đất là một cuộc cách mạng nông thôn được nhiều mà mất cũng
không ít, trong những cái mất ấy là xuất hiện sự nhìn nhận, đánh giá dẫn
đến loại bỏ cán bộ tốt, người tốt chỉ qua vấn đề lý lịch. Bác Hồ đã
nhận ngay ra sai lầm ấy, ngày 30/3/1956 trên Báo Nhân dân, số 757 có
đăng bài báo Hoa sen, có đoạn:
"
…Gốc rễ cây sen ở dưới đất bùn hôi hám. Nhưng vươn mình lên mặt nước
trong trẻo, hấp thụ ánh sáng mặt trời, thì HOA SEN trở nên tươi đẹp thơm
tho.
Trong đầm gì đẹp bằng sen
Lá xanh, hoa đỏ lại xen nhị vàng,
Nhị vàng, hoa đỏ, lá xanh,
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.
Người
ta cũng vậy. Thành phần giai cấp và quan hệ gia đình không thể ảnh
hưởng xấu đối với những người thật thà cách mạng" (Tập 8, tr.140).
Ý
của Bác Hồ rất rõ: động viên những cán bộ chẳng may có gia đình bị xếp
vào thành phần bóc lột nhưng họ là "những người thật thà cách mạng" thì
họ vẫn như hoa sen vậy. Đồng thời nhắc nhở chung mọi người đừng đánh giá
con người chỉ qua lý lịch, tầng lớp xuất thân, như cây sen kia gốc rễ ở
dưới bùn đất nhưng hoa sen thì vươn cao vẫn "tươi đẹp thơm tho". Ngụ
ngôn mượn bài ca dao dân gian quen thuộc, chỉ thay hai chữ "bông trắng"
trong ca dao bằng hai chữ "hoa đỏ" để nhấn mạnh phẩm chất của hoa cũng
là phẩm chất của người tốt. Thế mới biết Bác có tầm nhìn xa và tấm lòng
nhân hậu biết chừng nào!
Chúng
tôi cho rằng câu chuyện ngụ ngôn Kẻ cướp nói chuyện hòa bình đã lột tả
rõ nhất hoàn cảnh nước ta bị giặc Mỹ xâm lược mà chúng lại vừa "ăn cướp
vừa la làng":
"Câu chuyện rằng: Làng Xuân gồm có hai xóm, xóm Trong và xóm Ngoài.
Cả
làng làm ăn rất vui vẻ. Bỗng một lũ kẻ cướp từ phương xa đến đánh chiếm
xóm Trong. Chúng cướp của giết người, hãm hiếp phụ nữ, đốt phá nhà cửa,
hủy hoại ruộng vườn… Chúng mua chuộc mấy đứa bất lương trong xóm làm
tay sai cho chúng. Vốn có truyền thống anh hùng, dân làng xóm Trong đã
nổi dậy nện cho lũ cướp giập đầu chảy máu.
Thấy
không khuất phục được làng Xuân, lũ cướp một mặt thì kêu gào dân làng
"bàn bạc cách giải quyết hòa bình". Mặt khác lại ồ ạt đưa thêm bọn lâu
la vào xóm Trong. Không mắc lừa mưu mô xỏ lá của lũ cướp, dân làng Xuân
kiên quyết bảo chúng: "Làng này là làng của chúng tao. Chúng mày là kẻ
xâm lược. Trước hết, chúng mày phải cút khỏi làng này. Nếu chúng mày
chần chừ, thì chúng tao sẽ đẩy chúng mày xuống biển"… Lũ cướp bèn kêu
lên: "Xin thiên hạ làm chứng cho, chúng tôi muốn giảng hoà, nhưng làng
Xuân không muốn!"… (Tập 11, tr.569).
Câu
chuyện hết sức giản dị, chỉ là kể một câu chuyện trên dưới một trăm chữ
về việc dân làng Xuân đánh cướp bảo vệ làng nhưng đọc lên thì ai cũng
hiểu được lẽ phải chính nghĩa, tinh thần đoàn kết, ý chí đánh giặc của
nhân dân Việt Nam; bản chất ăn cướp, luận điệu trắng trợn, xảo trá mà vô
lối của đế quốc Mỹ. Không có tài năng, không có một khả năng khái quát,
một tư duy chính trị sắc sảo, nhạy bén… không thể viết được ngắn gọn,
sâu sắc như thế!
Như
vậy ngụ ngôn chính trị của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh có hai hình
thức cơ bản, một là mượn ngụ ngôn đã có, quen thuộc; hai là sáng tạo ra
ngụ ngôn mới. Chúng tôi quan tâm hơn cả đến hình thức sáng tạo ngụ ngôn.
Nghệ
thuật dựng truyện của ngụ ngôn rất quan tâm tới việc tìm ra các sự vật
tiêu biểu hoặc gần gũi cho từng tính cách nhưng vẫn giữ được đặc trưng
của nó. Điều này trong ngụ ngôn mới của Bác Hồ đã đáp ứng một cách xuất
sắc, ví dụ trong Truyện ngụ ngôn thì chỉ con rồng mới có thể "phát ngôn"
như thế này: "- Ta là thủy tổ của giống nòi An Nam từng chứng kiến sinh
ra biết bao vị anh hùng lừng lẫy", vì trong tâm thức người Việt con
rồng là vật tổ; "Rắn nói:… Tôi hay là những người Pháp khẩu phật tâm xà
mà người An Nam đưa vào nước họ? Voi nói: Người An Nam sẽ muôn đời phải
gánh chịu hậu quả những lỗi lầm mà họ vô tình phạm phải. Họ đã rước voi
về giày mả tổ lại còn bỏ mặc cho người Pháp cái quyền lãnh đạo cả Tổ
quốc của họ nữa", thì rắn và voi trong thành ngữ dân gian đều mang nét
nghĩa tiêu cực: "khẩu phật tâm xà", "rước voi về giày mà tổ". Đặt những
thành ngữ ấy vào lời của rắn và voi làm cho người đọc dễ nhớ vừa hàm ý
một so sánh: giặc Pháp còn nguy hiểm hơn cả rắn và voi…
Ngụ
ngôn thường giàu tính kịch, thường mỗi truyện là một vở kịch nhỏ, ngụ
ngôn chính trị của Bác cũng mang đặc điểm này mà Con cáo và tổ ong là
rất tiêu biểu. Câu chuyện dựng lên một mâu thuẫn: con cáo quyết lấy trộm
mật, đàn ong quyết giữ con; kịch tính phát triển cao trào: đàn ong "kéo
nhau xúm lại vây tròn cáo ta. Châm đầu châm mắt cáo già"; kết quả: "Cáo
già đau quá phải sa xuống rồi". Có khi đó là một hài kịch như truyện
Đồng tâm nhất trí. Đặc điểm của nhân vật hài kịch là có
hành động, tính cách buồn cười gây cười, đi ngược lại với lô gích thông
thường như nhân vật anh Hai và anh Ba: nhúng đồ giấy xuống nước sông,
phơi trầu non giữa nắng trưa. Câu chuyện bật ra ý nghĩa: đoàn kết không
phải là cứ máy móc làm theo nhau. Có những ngụ ngôn mang tính trào phúng
rất rõ ở lời văn gây cười, như Động vật học, Bộ sưu tập động vật…
Đây là đoạn văn miêu tả "loài động vật":
"Kết
quả những cuộc nghiên cứu kỹ càng cho phép chúng tôi khẳng định rằng
nguồn gốc loài động vật này cũng lâu đời như nguồn gốc loài người, nếu
không phải là lâu đời hơn nữa kia. Sự cấu tạo thể chất của nó hết sức kỳ
lạ: ở tất cả các loài động vật, sự sinh sản ra lông lá thường là ở đằng
đuôi; ở loài động vật này, lông lá lại mọc trên đầu; chỉ mọc trên đầu
chứ không mọc ở cổ như bờm con ngựa. Lông lá này mịn màng như len và
hung hung đỏ, hoặc cứng và đen, tuỳ theo khí hậu nơi nó sống. Khí hậu có
ảnh hưởng rất nhiều đến màu da của nó. Màu da đỏ hoặc vàng hoặc đen,
chớ ít trắng. Dù có những sự kỳ lạ đó, diện mạo của nó đôi khi cũng khá
dễ thương. Loại động vật đi hai chân. Nhưng theo những tài liệu quan sát
được tại nhiều vùng châu á, thì nhiều khi nó lại trở thành loài đi bốn
chân".
Tả
vật mà hoá ra tả người, tả người mà không phải người nhưng bạn đọc vẫn
hiểu đó là người, đấy là nghệ thuật trào phúng miêu tả độc đáo. Bạn đọc
vẫn hiểu, về nguồn gốc, về cấu tạo, như, "lông lá mọc trên đầu" là tóc,
khí hậu quy định màu sắc của tóc, của da; con người đi bằng hai chân…
Nhưng ở nhiều vùng châu á thì loài vật đó đi bằng bốn chân. Một sự mỉa
mai thâm thuý vào thói quỳ gối cam chịu làm tay sai cho ngoại bang của
một số ít người. "Loài đi bốn chân", theo nguyên chú của tác giả là
"loài quan lại đứng theo tư thế Xalamếch". Xalamếch (phiên âm từ chữ
Salamec) chỉ lối chào của người Arập, đầu cúi sát xuống đất.
Truyện ngắn là một mẫu mực của lời văn trào phúng, ở
lời văn nhại: "… ông Giôdép Caiô, cựu Thủ tướng, nhà lý tài ngoại
ngạch, một nhà văn không phải tồi, không phải tương đối tồi như Anhxtanh
nói…"; ở lời văn giễu cả thần tượng "… Đácuyn, nhà đại thông thái
Đácuyn, từng biết rằng con ngươi của một con ếch xứ Ôvécnhơ tròn hơn con
ngươi của một con ếch ở vùng Nốttinhham, và đuôi chim bồ câu ở Mêchxich
có nhiều hơn đuôi chim bồ câu ở Thuỵ Điển ba cái lông…"; kết hợp thủ
pháp nhại với kết cấu đối lập, tăng cấp làm cho câu văn sống động: "óc
bắt chước của nó rất phát triển, và óc đó không phải nông cạn như ở loài
khỉ hay loài vẹt, vì người ta nhận thấy rằng tài bắt chước của nó
thường đạt tới chỗ tuyệt khéo, và đôi khi còn hơn cả cái mà nó bắt chước
nữa".
Tác
phẩm ra đời cách nay trên 90 năm thế mà vẫn tươi mới, ở cái tình người,
ở cách trào phúng hiện đại. Mới hay văn chương vì con người thì lúc nào
đọc cũng thú vị!
Ngụ
ngôn là một nghệ thuật vì xét về thực chất ngụ ngôn là một lối ví von
được mở rộng, nâng cao mà bản thân lối ví von đã có tính nghệ thuật vì
nó đòi hỏi sự liên tưởng thẩm mỹ phong phú. Ngụ ngôn Nguyễn Ái Quốc - Hồ
Chí Minh cũng rất nghệ thuật, nghệ thuật ở mục đích là vì hạnh phúc con
người mà phê phán cái ác, cái xấu, kêu gọi, cảnh tỉnh con người hướng
về cái đẹp phổ quát của độc lập, tự do…; nghệ thuật ở chính bản thân thể
loại ngụ ngôn; nghệ thuật ở cách biểu đạt, khi thì thâm thúy sâu sắc
khi cần lại hết sức giản dị dễ hiểu.
Tôi muốn nhấn mạnh đến chất thơ
trong ngụ ngôn chính trị của Người, đặc biệt là các ngụ ngôn viết năm
1942: Ca sợi chỉ, Hòn đá, Con cáo và tổ ong, Nhóm lửa, Chơi giăng. Có
thể gọi đây là ngụ ngôn mang hình thức của thơ như trong ca dao - ngụ
ngôn, như: Con cò mà đi ăn đêm, Con mèo mà trèo cây cau, Ếch cắn đầu
rắn… Chúng là truyện vì cũng có nhân vật, có cốt truyện, có tình huống…
nhưng được thể hiện bằng lời thơ. Như vậy chất thơ đã có ngay trong bản
thân nó. Nếu hiệu quả của chất thơ phải xem xét ở sự giàu cảm xúc, ở khả
năng lôi cuốn, truyền cảm làm rung động tình cảm người đọc… thì ngụ
ngôn chính trị của Bác Hồ cũng dồi dào phẩm chất này. Các tác phẩm lấy
đề tài là những gì hết sức giản dị, bình thường gần gũi với đại đa số
người dân lao động: sợi chỉ, hòn đá, tổ ong, trăng…, những công việc
quen thuộc: dệt vải, khuân đá, nhóm lửa…, những quy luật thông thường,
phổ biến ai cũng hiểu được: một sợi chỉ thì mỏng manh yếu ớt, nhưng
những sợi chỉ dệt thành tấm vải thì khó có thể "bứt xé"; một người không
thể nhấc được hòn đá nặng nhưng nhiều người hợp sức lại thì nhấc lên dễ
dàng… Dĩ nhiên những điều hết sức giản dị thông thường ấy chưa phải là
nghệ thuật, nhưng chúng được dùng để hướng vào mục đích tuyên truyền
đoàn kết góp phần tạo nên sức mạnh đánh giặc cứu nước thì nghệ thuật của
nó lại nằm ở tính mục đích, một thứ nghệ thuật vì con người. Đặt vào
hoàn cảnh nước ta những năm còn nô lệ thì cái mục đích cao nhất của cách
mạng là giải phóng dân tộc để con người trở về với trạng thái người, do
vậy mà những lời kêu gọi của Bác trở nên hết sức cần thiết, cấp bách,
đầy tính người, nặng tình người. Chúng đã tạo ra thứ cảm xúc lớn lao
nhất, truyền cảm nhất, lay động nhất để dễ dàng đi sâu vào tâm hồn mỗi
người dân, cho dù khi đó họ còn không biết chữ, không hiểu cách mạng
nhưng họ rất hiểu cái khao khát trong họ và đồng bào họ là thoát khỏi
kiếp nô lệ… Tôi gọi những bài thơ - ngụ ngôn trên của Bác là nghệ thuật
đích thực - một nghệ thuật tuyên truyền hết sức hiệu quả, sâu sắc, nhân
văn./.
____________________________
(1), (2) Nhiều tác giả: Bác Hồ kính yêu, Nxb. Kim Đồng, H, 1970, tr.31, 60.
(3) Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb. Văn học, H, 1970, tr.121.
(4) Nhiều tác giả: Bác Hồ sống mãi, Cục Chính trị Quân khu Ba, 1970, tr.22.
PGS. TS. Nguyễn Thanh Tú
(Nguồn: Văn nghệ quân đội)