Đại diện Cục Tần số VTĐ (Bộ TT&TT) kiến nghị nên xem xét điều chỉnh việc ngừng phát sóng truyền hình tương tự (analog) theo vùng phủ sóng của các đài truyền hình thay vì viêc ngừng phát sóng theo địa bàn hành chính như trong kế hoạch số hóa truyền dẫn phát sóng truyền hình mặt đất.
Lý giải cho điều này tại cuộc họp báo cáo triển khai một số nội dung của Đề án Số hóa truyền hình ngày 26/7, đại diện Cục Tần số Vô tuyến điện (Bộ TT&TT) cho biết, do một đài truyền hình thường có vùng phủ sóng rộng, đặc biệt là các đài phát sóng từ 5 thành phố trực thuộc TW. Theo kế hoạch số hóa, sau năm 2015 việc ngừng cung cấp dịch vụ truyền hình tương tự trên địa bàn 5 thành phố này sẽ ảnh hưởng đến việc duy trì các dịch vụ truyền hình tương tự trên địa bàn các tỉnh thuộc nhóm 2 như Hà Nội mới, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Nam Định, Bình Dương....Ngược lại, để đảm bảo duy trì các dịch vụ truyền hình tương tự cho các tỉnh thuộc nhóm 2 thì sẽ gặp khó khăn trong việc ngừng phát sóng ở 5 thành phố thuộc nhóm 1 như Hà Nội cũ, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ.
“Do vậy, cần xem xét khả năng điều chỉnh việc ngừng phát sóng truyền hình tương tự theo vùng phủ sóng của các đài phát sóng tương tự thay cho theo địa bàn hình chính”, đại diện Cục Tần số cho biết thêm.
Các đơn vị phát sóng truyền hình tương tự hiện nay bao gồm Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Tổng công ty VTC, các Đài phát thanh truyền hình của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc TW. Kết quả điều tra về phương thức thu xem năm 2010 cho thấy, trong số hơn 90% số hộ dân có tivi thì gần 50% sô hộ hiện thu xem qua truyền hình tương tự, con số này là khá cao và chủ yếu thuộc các khu vực nông thôn, miền núi.
Theo Quyết định 2451/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020, tới năm 2015 sẽ đảm bảo 80% hộ gia đình có máy thu hình trên cả nước xem được truyền hình số bằng những phương thức khác nhau (con số này được nâng lên thành 100% vào năm 2020), trong đó truyền hình số mặt đất chiếm khoảng 55% các phương thức truyền hình (chiếm 45% ở năm 2020), phủ sóng truyền hình số mặt đất để truyền dẫn các kênh chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị tới 60% dân cư (80% vào năm 2020).
Ngoài ra, cuộc họp cũng đã Quyết định ban hành quy chế làm việc của Ban chỉ đạo Đề án số hóa truyền hình Việt Nam và kế hoạch triển khai Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất giai đoạn tới năm 2015 với các nhóm công việc về truyền thông, đào tạo; nhóm công nghệ và hạ tầng; nhóm công việc kế hoạch và tài chính./.
Theo VOVnews