Thứ Hai, 25/11/2024
Cuộc sống số
Thứ Sáu, 20/7/2012 14:2'(GMT+7)

Việt Nam đứng thứ 4 khu vực Đông Nam Á về Chính phủ điện tử

(Ảnh minh hoạ).

(Ảnh minh hoạ).

“Phát triển Chính phủ điện tử: Minh bạch hơn, phục vụ người dân tốt hơn” là chủ đề của Hội thảo quốc gia về Chính phủ điện tử lần thứ 10 diễn ra sáng 20/7 tại Hà Nội. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân – Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về công nghệ thông tin dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Dựa vào những phân tích, nhận định về thực trạng triển khai cung cấp dịch vụ công hiện nay tại Việt Nam và những kinh nghiệm triển khai Chính phủ điện tử từ các quốc gia trên thế giới, tại hội thảo, các diễn giả đã tập trung phân tích, những thuận lợi, khó khăn và giải pháp để nâng cấp hạ tầng công nghệ hỗ trợ cho các chương trình cải cách thủ tục hành chính, xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung cho quốc gia.

Đồng thời, đưa ra các giải pháp xây dựng mô hình quản lý hành chính hiệu quả, mô hình hợp tác công – tư trong việc thực hiện triển khai dịch vụ công cũng như các kế hoạch phát triển chất lượng, năng lực của các cán bộ nhân viên, giúp khối Nhà nước đẩy mạnh phát triển ứng dụng hiện đại của công nghệ thông tin vào thủ tục hành chính, hướng tới nâng cao tương tác của hệ thống Chính phủ điện tử với người dân và doanh nghiệp, nâng cao quyền làm chủ và phục vụ xã hội tốt hơn.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhận định, số lượng và chất lượng dịch vụ công trên mạng ngày càng tăng. Tuy nhiên mối quan hệ giữa chính quyền các cấp với người dân còn yếu, còn chậm trong xây dựng cấu trúc dữ liệu; sự tương thích giữa các cấp còn yếu. Trong thời gian tới, các Bộ, ngành cần rà soát lại danh mục cơ sở dữ liệu quốc gia, nâng cấp cơ sở dữ liệu ở địa phương, để người dân tiếp cận nhiều hơn.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đề nghị từ nay đến cuối năm, Bộ Thông tin và Truyền thông rà soát lại việc thực hiện danh mục các đề án cơ sở dữ liệu quốc gia, các mạng thông tin quốc gia làm đến đâu và cũng yêu cầu xác định mức độ hài lòng của người dân.

Báo cáo xếp hạng mới nhất của Liên hợp quốc về Chính phủ điện tử cho thấy sự cải thiện thứ bậc của Việt Nam, khi từ vị trí thứ 90 năm 2010 tiến lên vị trí 83 trong năm nay và đứng thứ 4 trong khu vực Đông Nam Á.

Phần lớn các chỉ số đánh giá của Việt Nam đều đạt cao hơn so với mức trung bình của thế giới cũng như trong khu vực, nổi bật là chỉ số về cơ sở hạ tầng, nguồn lực con người hay chỉ số Chính phủ điện tử./.

(Theo: VOV)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất