Ngày 26/1, người biểu tình chống chính phủ Thái Lan đã bao vây các điểm
bỏ phiếu ở thủ đô Bangkok và dùng dây xích khóa cửa lại, ngăn không cho
cử tri đi bỏ phiếu sớm.
Tờ Dân tộc của Thái Lan cho biết có ít nhất 16 điểm bỏ phiếu tại thủ đô
Bangkok đã bị hoãn lại do hoạt động ngăn cản của người biểu tình như
phong toả điểm bỏ phiếu, ngăn quan chức phụ trách bầu cử đến các điểm
này. Hoạt động bỏ phiếu sớm tại các tỉnh miền Nam cũng bị ngăn cản,
trong khi ở miền Bắc, Đông Bắc và miền Trung của Thái Lan diễn ra suôn
sẻ.
Khoảng 49 triệu trong tổng số 64 triệu người dân Thái Lan đủ tư cách đi
bầu cử và 2,6 triệu người đã đăng ký bỏ phiếu sớm. Hiện chưa có báo cáo
về tình trạng bạo lực, tuy nhiên, Đài truyền hình Thái Lan cho biết đã
xảy ra một vài cuộc tranh cãi giữa cử tri và người biểu tình tại một số
điểm bỏ phiếu.
Trước đó, ngày 25/1, Ủy ban Bầu cử (EC) Thái Lan quyết định rằng hoạt
động bỏ phiếu sớm phục vụ cho cuộc bầu cử vào ngày 2/2 tới sẽ diễn ra
theo đúng kế hoạch vào ngày 26/1. EC cho biết các điểm bỏ phiếu riêng lẻ
có thể quyết định hoãn bỏ phiếu sớm nếu điểm bỏ phiếu bị người biểu
tình phong toả.
EC đưa ra quyết định trên sau khi Tòa án Hiến pháp Thái Lan ngày 24/1 ra
phán quyết rằng cuộc bầu cử vào ngày 2/2 tới có thể bị hoãn lại. Tòa án
ra phán quyết trên theo khuyến nghị của EC là nên sắp xếp lại thời gian
tổ chức bầu cử sau khi xảy ra các vụ bạo động trước đó tại thủ đô
Bangkok và các tỉnh miền Nam Thái Lan.
Cùng ngày, Phó Thủ tướng tạm quyền Thái Lan Phongthep Thepkanjana cho
biết EC sẽ gặp Thủ tướng Yingluck Shinawatra vào ngày 28/1 tới để thảo
luận về việc hoãn bầu cử. Tuy nhiên, thời gian và địa điểm gặp gỡ vẫn
chưa được tiết lộ.
Chủ tịch đảng Puea Thai (Vì nước Thái) Charupong Ruangsuwan cho biết
theo hiến pháp hiện hành, có thể hoãn cuộc bầu cử đột xuất trong vòng từ
45 đến 60 ngày, và như vậy, thời gian tổ chức cuộc bầu cử mới sẽ không
muộn hơn ngày 6/5. Trong khi đó, EC muốn hoãn 6 tháng để các công tác
chuẩn bị được chu đáo./.
(TTXVN)