Nhà biên kịch mang màu áo lính
Trung úy Quân nhân chuyên nghiệp H’Quý Rơ Chăm (33 tuổi), quen gọi là
chị Quý, sinh ra và lớn lên tại xã Yang Mao, huyện K’Rongbong, tỉnh Đắk
Lắk. Vốn là con nhà nòi, sinh trong gia đình giàu truyền thống cách
mạng của vùng đất H9 anh hùng năm xưa, bản thân người con gái M’Nông ấy
đã tâm niệm mong muốn được góp sức cho quê hương và mang lại điều tốt
đẹp cho đồng bào mình.
Sau khi tốt nghiệp PTTH, chị viết đơn tình nguyện phục vụ quân đội và
dự thi xét tuyển vào Đội tuyên truyền văn hoá cơ sở, Phòng Chính trị,
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đắk Lắk.
Bước đầu công tác trong môi trường quân đội với bao bỡ ngỡ, nhiệm
vụ đặt ra đòi hỏi cán bộ tuyên truyền không chỉ nắm vững kiến thức, có
kỹ năng tuyên truyền mà còn phải sử dụng thành thạo ngôn ngữ các dân tộc
bản địa, phần lớn là dân tộc Ê Đê. Với lòng kiên trì không ngại khó
ngại khổ, chị quyết tâm học tiếng Ê Đê thật nhuần nhuyễn.
Chị mày mò học hỏi kinh nghiệm từ lứa đàn anh đàn chị đi trước, đồng
thời tìm kiếm phương pháp tuyên truyền để bà con nghe theo mà cách thể
hiện phải thật gần gũi, sâu sắc và nhẹ nhàng. Chị nghiên cứu, tự sáng
tác ra các tiểu phẩm, xây dựng kịch bản chương trình giao lưu văn hoá,
văn nghệ, bồi dưỡng hướng dẫn công tác đoàn cho các đơn vị.
Chị Quý còn nhớ, nhiều năm trước, người Ê Đê trên quê hương chị vẫn
còn hủ tục nối dây, tức là khi vợ mất thì chồng phải cưới em gái của vợ.
“Đó là một cuộc hôn nhân mang tính ràng buộc, sẽ không có hạnh phúc vì
không dựa trên tình yêu và sự tự nguyện”, chị Quý trăn trở. Từ đó, tiểu
phẩm “Nỗi lòng H’Mai” đã ra đời với nội dung đi sâu vào đặc tả diễn biến
tâm trạng giằng xé, tuyệt vọng của cô gái H’Mai khi bị ép buộc lấy
người anh rể cũng như nỗi lòng day dứt của người anh rể cũng không muốn
bị sắp đặt vào cuộc hôn nhân cưỡng ép.
Tiểu phẩm xúc động, chạm vào trái tim người xem mà cũng thật gần gũi
được bà con đồng bào hoan hô nhiệt liệt. Cứ thế, những tiểu phẩm đi hết
buôn này qua bản khác kết hợp việc tuyên truyền, giải thích, qua một
thời gian dài giờ đây khi quay lại không còn ai nghe nhắc lại về tục nối
dây khi xưa nữa.
“Do đặc tính mỗi đồng bào khác nhau, nên trong mỗi tiểu phẩm mình sử
dụng những câu từ gần gũi, dễ hiểu, không mang tính chính trị quá thì
đồng bào mới thấm được. Cũng không phải diễn ngày một ngày hai là được,
các cán bộ phải gắn bó “cùng ăn, cùng ở, cùng làm”, giao lưu văn nghệ,
tâm sự chuyện trò để tạo sợi dây liên kết với đồng bào”, chị Quý chia
sẻ.
“Cái cảm giác mà mỗi tác phẩm tâm huyết mình sáng tác ra, được bà con
vỗ tay hoan hô rồi chạy lên sân khấu ôm chầm lấy khen nức nở các cô chú
bộ đội thật không thể nào diễn tả nổi, cái tình đồng chí-đồng bào chân
chất ấy không cát-sê nào có thể trả hết. Những lúc ấy mình chỉ tâm niệm
lại được mang thêm nhiều tiếng hát nụ cười cho đồng bào quê hương hơn
nữa”, nhà biên kịch kiêm diễn viên “bất đắc dĩ” nở nụ cười tự hào.
Tâm huyết với công tác đoàn, hội
Những lần thực hiện công tác vận động quần chúng trên địa bàn trọng
điểm về tình hình an ninh chính trị, trong điều kiện nơi ăn ở, sinh hoạt
còn khó khăn, thiếu thốn cùng thời tiết khắc nghiệt của Tây Nguyên
nhưng vẫn không làm chị Quý nản chí. Hơn 10 năm trong vai trò tuyên
truyền viên, hằng ngày, chị cùng đồng đội đến từng gia đình trong buôn
làng vận động, tuyên truyền bà con không tin không nghe những luận điệu
xuyên tạc của kẻ xấu, không vượt biên trái phép...
Bên cạnh vai trò tuyên truyền viên với tài sáng tác kịch bản, chị còn
là “cây săn giải” của đoàn thanh niên Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh khi tích
cực tham gia và đạt giải tại các hội thao, hội thi như: Giải tuyên
truyền viên giỏi về phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh
công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước do Cục chính trị Quân khu 5 tổ
chức, đạt giải cao trong hội thi “Thanh niên LLVT Quân khu 5 với văn hoá
giao thông”…
Sau nhiều năm gắn bó với công tác đoàn, chị vừa được tín nhiệm chuyển
qua dẫn dắt phong trào phụ nữ của lực lượng vũ trang tỉnh Đắk Lắk, giữ
chức Chủ tịch Hội phụ nữ. Chị Quý cho biết, hiện những mô hình giúp nhau
phát triển kinh tế tại đơn vị như mô hình tín dụng xoay vòng, tiết kiệm
nuôi heo đất đã phát huy hiệu quả làm đòn bẩy kinh tế cho những gia
đình chị em điều kiện khó khăn, đơn thân nuôi con nhỏ.
“Trong năm qua, nguồn vốn của Bộ quốc phòng và vốn góp của phụ nữ Bộ
Chỉ huy quân sự tỉnh đã hỗ trợ cho 2 cá nhân gia đình phụ nữ khó khăn
gần 60 triệu đồng làm vốn phát triển kinh tế. Từ đây, 2 chị đã làm trang
trại nuôi gà, nuôi bò cải thiện đời sống và cho thấy được hiệu quả”,
chị Quý hồ hởi.
Giờ đây, với vai trò mới, chị vẫn trăn trở để làm sao tiếp tục có
những nét đổi mới, mô hình mới, cách làm sáng tạo để phát triển phong
trào phụ nữ lực lượng vũ trang tỉnh nhà hơn nữa.
Là một quân nhân tâm huyết với công tác đoàn, chị là một trong những
gương mặt đã từng được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh vinh danh “Thanh
niên tiên tiến làm theo lời Bác” toàn quốc, được Bộ Tư lệnh Quân khu 5
tuyên dương trong Hội nghị biểu dương phụ nữ điển hình tiên tiến giai
đoạn 2010-2015.
Trung tá Trần Minh Trọng, Chủ nhiệm Chính trị Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh
Đắk Lắk đánh giá: Trung uý H’Quý Rơ Chăm luôn để lại ấn tượng tốt đẹp
trong lòng mỗi người bởi sự giản dị, trách nhiệm và năng động trong công
tác. Với tuổi đời, tuổi quân còn trẻ, cộng với nỗ lực và quyết tâm cao,
hy vọng H’Quý Rơ Chăm sẽ ngày càng trưởng thành hơn trong công tác,
phát huy phẩm chất đạo đức của người phụ nữ Việt Nam trong thời kỳ mới
“Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”.
Minh Trang (chinhphu.vn)