Thứ Ba, 5/11/2024
Y tế - Dân số
Thứ Tư, 2/8/2017 18:42'(GMT+7)

Người dân cần hợp tác phòng chống sốt xuất huyết

Nhân viên y tế Hà Nội phun thuốc diệt muỗi phòng dịch sốt xuất huyết. Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN.

Nhân viên y tế Hà Nội phun thuốc diệt muỗi phòng dịch sốt xuất huyết. Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN.



Thông tin về dịch sốt xuất huyết gia tăng mạnh khiến người dân rất lo ngại vì thường đỉnh dịch rơi vào tháng 9 - 10 hàng năm. Vậy theo ông, thời gian tới dịch bệnh sẽ diễn biến như thế nào?



Trong một vài tuần tới, xu hướng bệnh dịch sốt xuất huyết tại các đô thị lớn, trong đó có Hà Nội còn tiếp tục gia tăng. Dịch bệnh sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp nếu cộng đồng, nhất là chính quyền địa phương và người dân không nêu cao tinh thần tự giác chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả.

Năm nay, dịch sốt xuất huyết tại Việt Nam diễn biến đặc biệt phức tạp, chiều hướng gia tăng hơn so với năm 2016, nhất là ở một số khu đô thị lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.


Nguyên nhân là bởi thời tiết năm nay diễn biến thất thường, nhiệt độ trung bình đo được cao hơn so với các năm trước, đặc biệt lượng mưa đo được ở khu vực Hà Nội cũng cao hơn trong khi mùa hè lại đến sớm. Tại miền Nam, mùa mưa cũng đến sớm hơn thường lệ.


Năm 2017 còn nhuận 2 tháng 6 âm lịch, mà tháng 6 thường là thời điểm lượng mưa nhiều, nhiệt độ cũng tương đối cao nên cũng tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi phát triển, gia tăng ca bệnh sốt xuất huyết.


Mặt khác, tốc độ đô thị hóa nhanh tại một số thành phố lớn đã kéo theo hệ lụy là một bộ phận không nhỏ người lao động sinh sống tại các công trình xây dựng, nhà trọ, lán trại… không đảm bảo vệ sinh dẫn đến phát sinh các ổ bọ gậy/lăng quăng sản sinh ra muỗi truyền bệnh. 


Đáng nói, đến nay, việc triển khai biện pháp phun hóa chất và diệt lăng quăng ở khu vực thành thị vẫn gặp nhiều khó khăn do một số người dân thiếu hợp tác, đóng cửa không cho cán bộ dự phòng phun hóa chất.


Hà Nội hiện là một trong hai điểm nóng cả nước về dịch sốt xuất huyết nhưng nhiều người lao động vẫn sinh sống trong điều kiện mất vệ sinh, tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Liệu có cần thay đổi phương thức phòng chống dịch, tập trung vào các “mũi nhọn” để sớm“hạ hỏa” dịch sốt xuất huyết không?


Theo tôi, Hà Nội cơ bản đã triển khai công tác phòng chống dịch rất tốt, quan trọng là tới đây cần tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát, tuyên truyền nâng cao ý thức cho người dân về phòng tránh dịch bệnh.


Phòng chống sốt xuất huyết là trách nhiệm của cả xã hội, các cấp chính quyền, các ban ngành đoàn thể, đặc biệt là người dân. Bệnh sốt xuất huyết lây truyền qua muỗi, mà muỗi thường sản sinh từ các dụng cụ chứa nước do chính người dân đã vô tình hoặc cố ý tạo ra. Ví dụ, khi mưa xuống thì chính những phế thải được vứt ra vườn, lọ hoa để trong nhà, chum/vụi trữ nước sinh hoạt, chậu cây cảnh… sẽ là vị trí lý tưởng cho muỗi mang mầm bệnh sốt xuất huyết đẻ trứng, phát triển thành bọ gậy và muỗi rồi tiếp tục lan truyền vi rút ra cộng đồng... 


Một điều đáng mừng là thời gian gần đây ý thức phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết đã có những chuyển biến tích cực, chúng tôi đã nhận được nhiều câu hỏi của người dân về việc xử lý bọ gậy như thế nào, quan tâm xem cán bộ có đến phun thuốc diệt muỗi không hoặc hỏi về cách phun thuốc theo yêu cầu... để hạn chế sự phát triển của muỗi.


Thực tế, công tác phòng chống sốt xuất huyết cần được coi như cuộc chiến giữa con người và loài muỗi, trong đó mỗi người dân cần như một chiến sĩ, mỗi người dân là một chủ thể, mỗi một hộ gia đình cần như pháo đài, cùng nhau chủ động diệt bọ gậy, diệt muỗi thì công tác phòng chống sốt xuất huyết mới đạt hiệu quả cao và bền vững.


Người dân có nên tự ý phun hoặc chủ động thuê đơn vị tư nhân đến phun thuốc không?


Khi phát sinh ổ dịch, đàn muỗi đã nhiễm vi rút nên cần phun hóa chất để cắt “mắt xích” lây bệnh tức thời tại thời điểm đó là rất cần thiết. Như vậy, sẽ hạn chế được việc muỗi nhiễm vi rút tiếp tục truyền bệnh cho người lành. Nhưng phun hóa chất không phải là một giải pháp duy nhất trong phòng chống sốt xuất huyết, vấn đề quan trọng là người dân cần diệt muỗi, bọ gậy.


Chúng tôi đặc biệt khuyến cáo việc phun hóa chất diệt muỗi cần phải có chỉ định, người dân cần tham khảo ý kiến của các nhà côn trùng học, là những người có kỹ năng chuyên môn. Không nên tự ý phun hoặc thuê đơn vị không rõ chức năng để phun thuốc bừa bãi, hóa chất ít nhiều đều tác động đến môi trường, con người, nếu phun không đúng cách, không đủ liều sẽ dễ dẫn đến tình trạng muỗi kháng thuốc và khó diệt hơn trong tương lai.


Mùa dịch, các trung tâm y tế dự phòng triển khai phun ở những điểm nóng, không ít người dân cũng lo lắng tự ý phun thuốc diệt muỗi dù đã có khuyến cáo, liệu có làm gia tăng tình trạng muỗi sốt xuất huyết kháng thuốc không, thưa ông?


Chương trình phòng chống sốt xuất huyết đang sử dụng 3 hóa chất diệt muỗi là Deltamethrine, Permethrine và Malathion.Qua nghiên cứu, thử hiệu lực kháng với 3 hóa chất này thì đều cho thấy hiệu quả diệt muỗi rất tốt; duy chỉ có một số điểm tại Hà Nội có hiện tượng tăng sức chịu đựng của muỗi đối với hóa chất này.


Nhiều bạn đọc tỏ ra lo lắng khi đón nhận thông tin, một mùa dịch có thể mắc sốt xuất huyết nhiều lần. Vậy cụ thể vấn đề thế nào và có cách nào phòng tránh không, thưa ông?


Sốt xuất huyết do vi rút Dengue gây ra với 4 typ gây bệnh được ký hiệu là D1, D2, D3, D4. Qua theo dõi nhiều năm cho thấy, nước ta lưu hành cả 4 typ nhưng thường D1, D2 nổi trội hơn và năm nay cũng vậy, chưa có gì diễn biến bất thường.


 Vì miễn dịch được tạo thành sau khi mắc bệnh nên nếu đã mắc 1 typ vi rút nào thì sẽ có miễn dịch với typ đó và về lý thuyết một người có thể mắc sốt xuất huyết 4 lần trong đời. Đặc biệt, những lần mắc sau thường có triệu chứng nặng nề hơn lần mắc trước. Do đó, người dân cần chủ động diệt muỗi, bọ gậy để không mắc bệnh sốt xuất huyết dù chỉ một lần.


Xin cảm ơn ông!

Bảo Châu



Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất