Thứ Bảy, 13/9/2014 16:17'(GMT+7)
Người dân đảo Lý Sơn phấn khởi chờ đón dòng điện quốc gia
Chỉ còn ít ngày nữa, huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) sẽ hòa vào lưới điện quốc gia. Người dân nơi đây thể hiện niềm vui bằng không khí mua sắm sôi động, nhộn nhịp hơn hẳn ngày thường, hứa hẹn một diện mạo mới cho ngọn đảo tiền tiêu nơi đầu sóng ngọn gió.
Tại Trường Trung học Phổ thông Lý Sơn, thầy và trò vui như mở hội. Thầy Hiệu trưởng Ngô Đình Mẫn chia sẻ, sử dụng nguồn điện từ máy phát rất bất tiện. Việc cập nhật, trao đổi, chuyển phát thông tin nội bộ gặp cản trở lớn. In ấn tài liệu cũng vậy, phải chờ đến giờ có điện mới in được. Đặc biệt là vào giờ tin học, giáo viên phải đến sớm hơn nửa tiếng để khởi động máy nổ, ảnh hưởng đến giờ giấc quy định. Tâm lý của học sinh không thoải mái vì lo lắng nguồn điện bị mất đột ngột, không thể thực hành. Chất lượng dạy và học cũng bị ảnh hưởng.
Theo thầy Mẫn, nhà trường và học sinh đang đếm ngược từng ngày để được sử dụng điện lưới quốc gia. Khi có điện, công tác giáo dục sẽ cải thiện hơn rất nhiều. Số giờ học tin sẽ tăng lên chứ không hạn chế như trước. Trường sẽ xin kinh phí trang bị thêm máy móc, thiết bị, xây phòng tin học theo chuẩn quốc gia. Các em sẽ được tiếp cận với công nghệ thông tin tiên tiến, được dạy học trực tuyến bổ ích ISS để nâng cao trình độ, vốn hiểu biết xã hội; không giới hạn thời gian truy cập.
Ngư dân cũng là đối tượng được hưởng lợi khi có điện lưới quốc gia. Dịch vụ hậu cần nghề cá đảm bảo hơn, chi phí đầu tư cho chuyến đi biển giảm đáng kể.
Anh Võ Văn Hạnh, chủ cơ sở sản xuất đá ướp lạnh ở thôn Tây, xã An Vĩnh cho biết, làm ra một cây đá phải tiêu hao hết 1 lít dầu. Bình quân gia đình anh sản xuất gần 200 cây đá/ngày, tương đương tốn đến 200 lít dầu. Hiện tại mỗi lít dầu giá khoảng 23.000 đồng, tức là phải bỏ ra 4,6 triệu đồng/ngày mới đủ hoạt động; chưa kể tới tiền duy tu, bảo dưỡng định kỳ hằng tháng. Do vậy cơ sở phải bán giá 34.000 đồng/cây đá để bù chi phí, cao gấp đôi giá đá tại cảng Sa Kỳ nên ngư dân rất ngại mua, thường cho tàu vào tận Bình Châu để nhập đá.
Anh Hạnh cho biết thêm bản thân anh rất vui khi điện cáp ngầm đã ra đến Lý Sơn an toàn và chuẩn bị đưa vào sử dụng. Anh khoe mình là một trong số những người đăng ký lắp đặt đồng hồ đầu tiên.
Theo anh Hạnh, nếu sản xuất đá bằng điện thì chỉ tiêu tốn khoảng 8.000 đồng/cây đá, lợi 2/3 chi phí so với dùng máy nổ nên thời gian tới anh sẽ hạ giá thành bán đá để ngư dân trên đảo có điều kiện mua tích trữ, rút ngắn thời gian đánh bắt vì phải chạy vào đất liền mua đá.
Bắt được nhịp, thị trường đồ điện tử cũng lên ngôi, không còn ảm đạm như trước. Mỗi ngày có đến 3-4 tàu chuyển hàng cập cảng mới đáp ứng nổi sức mua của người dân.
Số lượng cửa hàng cũng tăng nhanh chóng. Hiện tại huyện đảo có hơn 30 cửa hàng, điểm buôn bán điện máy, tăng gấp 3 lần so với thời điểm đầu năm.
Anh Trần Thạnh Mãi, chủ cửa hàng cơ điện lạnh ở thôn Tây, xã An Vĩnh cho hay bình quân mỗi ngày, cửa hàng của anh bán ra thị trường 4-5 sản phẩm, chủ yếu là tủ lạnh, máy giặt, điều hòa. Kinh tế của người dân khá giả hơn trước nhiều nên thấy ưng ý là mua ngay.
Ông Bùi Văn Hân, thôn Đông, xã An Vĩnh phấn khởi cho biết mấy năm trước làm có tiền mà không biết sắm gì vì điện không đủ dùng, giá lại cao. Nay sắp có nguồn điện quốc gia nên gia đình ông thoải mái sắm sửa vật dụng gia đình.
Ông Hân khoe ông vào tận thành phố Quảng Ngãi để hỏi giá tủ lạnh, thấy thích chiếc Toshiba giá 36 triệu đồng, vài ngày tới ông vào lại mua về sử dụng.
Việc đưa điện lưới quốc gia ra Lý Sơn là một quyết sách đúng đắn, đã thổi luồng sinh khí mới đến với đảo tiền tiêu, giúp người dân nơi đây nâng cao trình độ dân trí, cải thiện đời sống dân sinh; tạo điều kiện thuận lợi để huyện đảo phát triển mạnh về kinh tế-xã hội, vững về quốc phòng, an ninh./.
TTXVN