Tại các quận nội thành Hà Nội hiện tượng nắng nóng kết hợp với hiệu ứng
bêtông hóa, đường giao thông càng làm cái nóng tăng thêm. Bên cạnh đó
không khí khói bụi, ô nhiễm cũng làm tăng nguyên nhân phát sinh nhiều
căn bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân...
Những ngày này thời tiết trên cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng diễn biến phức tạp, khí hậu oi bức và nắng gắt.
Đặc biệt, tại các quận nội thành Hà Nội hiện tượng nắng nóng kết hợp với
hiệu ứng bêtông hóa, đường giao thông càng làm cái nóng tăng thêm. Bên
cạnh đó không khí khói bụi, ô nhiễm cũng làm tăng nguyên nhân phát sinh
nhiều căn bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân như: bệnh tiêu chảy,
bệnh chân tay miệng, cảm cúm, sốt… Để bảo vệ sức khỏe và chống chọi với
thời tiết, người dân Thủ đô đã sáng tạo muôn vàn cách chống nắng nóng.
Cảnh báo hiện tượng thời tiết nắng nóng nguy hiểm
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương khu vực
Hà Nội, trong 3 ngày từ 25-28/5, hiện tượng nắng nóng gay gắt làm nền
nhiệt độ ngoài trời có thời điểm đạt ngưỡng 39 đến 40 độ C. Có nơi do
nhiều tòa nhà cao tầng, lại thiếu bóng cây, cộng hưởng với phương tiện
giao thông dày đặc liên tục phả khí nóng làm nền nhiệt độ tăng cao vượt
ngưỡng 40 độ C như đường Phạm Hùng, Cầu Giấy, Trần Duy Hưng…
Đợt nắng nóng kéo dài khiến cuộc sống người dân Hà Nội bị xáo trộn, từ
sinh hoạt gia đình đến hoạt động lao động sản xuất đều phải điều chỉnh
để đảm bảo sức khỏe.
Theo ghi nhận của phóng viên, nhiều người không chịu được nắng nóng đã
hạn chế công việc đi lại vào các giờ nhiệt độ cao, một số người dân lại
chọn các điểm vui chơi công cộng như công viên, rạp chiếu phim, siêu
thị… để tránh nóng.
Tuy nhiên, vẫn có nhiều trường hợp người dân do đặc thù lao động sản
suất phải làm việc trong điều kiện thời tiết nắng nóng kết hợp với không
khí môi trường không thoáng mát dẫn tới phải nhập viện điều trị, làm số
ca bệnh liên quan đến đường hô hấp, tiêu hóa.... tăng cao tại các cơ sở
y tế.
Anh Nguyễn Cao Cường, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy (Hà Nội) chia sẻ:
Thời tiết nắng nóng khiến gia đình sinh hoạt khó khăn hơn; việc đi lại,
vui chơi, chế biến các món ăn cũng phải điều chỉnh… Đặc biệt, tình trạng
sức khỏe của con trẻ không ổn định, thân nhiệt thường tăng cao và biếng
ăn nên gia đình tôi đã dùng nhiều cách để chống nắng nóng như hạn chế
đi lại ngoài đường vào khung thời gian từ 11-17 giờ và tăng cường uống
nước, bổ sung chất dinh dưỡng.
Chị Dương Thị Doan, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai cho biết thêm, nắng
nóng kéo dài làm ảnh hưởng đến công việc kinh doanh của gia đình. Cửa
hàng bán quần áo của gia đình doanh thu kém đi rất nhiều do người dân
hạn chế ra ngoài mua bán. Thêm vào đó, chi phí sinh hoạt trong gia đình
cũng tăng cao vì phải mua thêm các vật dụng chống nóng như lắp thêm điều
hòa, quạt và bổ sung thực phẩm giàu chất dinh dưỡng làm mát…
Cũng theo quan sát của phóng viên, tại khu vực quận Cầu Giấy, Nam Từ
Liêm, vào buổi tối người dân thường đổ xô ra khu vực công viên Nghĩa Đô
và Sân vân động Quốc gia Mỹ Đình để tránh nóng, khiến các con đường tiến
về các địa điểm này vốn đã đông đúc giờ còn “chật hẹp” hơn.
Còn tại khu vực quận Tây Hồ, Ba Đình người dân lại chọn cho mình các
hàng ghế đá ven hồ Tây hay quán trà đá, cà phê bên hồ Trúc Bạch để tránh
nóng. Một số người dân còn tranh thủ ngủ giấc dài tại đây để hưởng gió
trời mát tự nhiên, thay vì trở về nhà trên những con phố nhỏ oi bức.
Ngành y tế Hà Nội vào cuộc
Trước tình trạng nắng nóng gay gắt ảnh hưởng đến sức khỏe và mọi mặt của
đời sống người dân Thủ đô, ngành y tế Hà Nội đã đưa ra những khuyến cáo
giúp người dân phòng chống nắng nóng hiệu quả để đảm bảo sức khỏe.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền dẫn đầu đoàn công tác đi kiểm
tra công tác chống nóng cho bệnh nhân tại một số cơ sở y tế. Tại thời
điểm kiểm tra, khu vực khám chữa bệnh và các khoa phòng khác của các cơ
sở y tế đều đảm bảo khang trang, sạch sẽ. Tất cả các bệnh viện đều bố
trí đầy đủ ghế ngồi cho bệnh nhân; hệ thống quạt mát tại khu vực bệnh
nhân ngồi chờ và trong phòng khám được bệnh viện trang bị đầy đủ, một số
phòng thủ thuật cũng được lắp đặt máy điều hòa nhiệt độ…
Ông Nguyễn Khắc Hiền chỉ đạo, tùy theo điều kiện cụ thể, các bệnh viện
có thể lắp thêm quạt gió, bạt che, đảm bảo vệ sinh môi trường sạch sẽ,
cung cấp đầy đủ nước uống, nước sinh hoạt cho người bệnh, hướng dẫn chế
độ dinh dưỡng hợp lý... Ngoài ra, để chống quá tải tại khu vực khám
bệnh, bệnh viện cần tăng bàn khám, cải tiến quy trình thủ tục hành chính
để giảm bớt thời gian chờ đợi cho người bệnh.
Các bệnh viện cũng bảo đảm bố trí đầy đủ cơ số thuốc cấp cứu, giường
bệnh, chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện để xử lý kịp thời các trường hợp
cấp cứu thường gặp do thời tiết nắng nóng bất thường gây ra như các
bệnh tim mạch, hô hấp, tiêu hóa...
Theo bác sỹ Phạm Bá Hiền, Bệnh viện Đa khoa Đống Đa (Hà Nội), thời tiết
nắng nóng gay gắt của mùa hè dễ khiến cơ thể con người mệt mỏi, mất
nước, đặc biệt rất dễ bị say nắng, say nóng. Các biểu hiện có thể gặp
như: mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, nhức đầu... ngoài ra có thể gây đột
quỵ, nếu không xử lý kịp thời có thể để lại các di chứng thần kinh không
hồi phục thậm chí dẫn tới tử vong.
Do vậy, vào những ngày thời tiết nắng nóng bất thường, người dân cần
uống nhiều nước, ăn các loại thức ăn mát, các loại rau củ quả chứa nhiều
kali như rau má, cà chua, rau đay, mồng tơi... Mặc quần áo rộng, thoáng
mát, thoát mồ hôi; không làm việc quá lâu ngoài trời nắng hoặc trong
môi trường nóng bức cũng như tránh các hoạt động thể lực quá sức.
Người lao động nên trang bị đầy đủ thiết bị chống nắng khi làm việc
ngoài trời nắng như quần áo bảo hộ lao động, mũ, nón, kính..., làm
thoáng mát môi trường làm việc, đặc biệt là các công xưởng, công trường
ngoài trời… đồng thời, việc rèn luyện, nâng cao sức khỏe thường xuyên
cũng giúp cho cơ thể có sức chống chọi với sự thay đổi bất thường của
thời tiết./.
Nguyễn Thắng (TTXVN)