Nếu tháng Ba là lúc các lễ hội chính của Việt Nam kết thúc thì tháng Tư là thời điểm người Lào bắt đầu những lễ hội chính của mình, đặt biệt là tết cổ truyền Bunpimay hay còn được biết đến là tết té nước.
Tết té nước trước đây vốn được tổ chức vào tháng 1, tháng đầu tiên của năm mới, nhưng do điều kiện thời tiết vào tháng 1 không phù hợp nên tết té nước dần được chuyển sang giữa tháng 4, thời điểm vào Hạ khi những cơn gió nóng còn len lỏi đâu đó.
Cách lễ hội cổ truyền này vài ngày, nhiều người Việt bên kia biên giới đã rục rịch chuẩn bị sẵn sàng cho chuyến du ngoạn, thăm viếng, chúc tụng. Những ngày này, trên con đường dài hơn 40 km từ huyện Mường Lát của tỉnh Thanh Hóa sang huyện Sop Bao, tỉnh Houaphanh của Lào, dễ dàng bắt gặp các nhóm người Việt trên những chiếc xe máy, ôtô kéo nhau sang chúc tết các bạn Lào. Tiếng cười, tiếng gọi nhau í ới vang suốt dọc quãng đường rừng.
Xe của các đoàn khách phải đi chậm hơn và gạt nước nhiều hơn, dù trời không mưa. Người dân địa phương đứng tràn hai bên đường với xô, chậu, súng phun nước… sẵn sàng “dội nước” vào bất cứ hành khách và xe cộ nào đi ngang qua. Tiếng nhạc rập rình cùng những lời chúc mừng năm mới, chúc sức khỏe ríu rít trên môi. Không khí lễ hội vui tươi, rộn ràng, thân thiện và cởi mở khiến các vị khách không khỏi chộn rộn.
Người Việt ở đây cũng vui tết té nước. Trong dịp lễ quan trọng này, gia đình nào cũng chuẩn bị sẵn những món ăn đặc trưng của Lào. Mâm cơm lễ của người Lào cũng như của người Việt ở đây không thể thiếu món cơm nếp. Cơm nếp được nấu bằng những hạt nếp căng mẩy và để trong các ếp xôi, giống thố nhỏ được đan bằng mây tre. Nhà có khách quý thì không thể thiếu món thịt trâu đặc biệt, được nấu từ 7 bộ phận khác nhau của con trâu và rưới nước lòng non.
Ngày thứ nhất của Tết Bunpumay, cũng giống như ngày 30 Tết Âm lịch của người Việt, các gia đình Lào cũng như người Việt ở đây đều dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị nước thơm và hoa. Nước thơm là một hỗn hợp gồm nước, bồ kết nướng, hoa, các loại cỏ thơm và dầu thơm đựng trong những chiếc thau mạ vàng, mạ bạc đẹp nhất. Không chỉ té nước vào người, người ta còn vẩy thứ nước thơm này vào nhà cửa, đồ thờ cúng, súc vật và công cụ sản xuất. Người Lào tin rằng nước sẽ giúp gột rửa những điều xấu xa, xua đuổi bệnh tật và mang lại sức khỏe, may mắn và hạnh phúc trong năm mới. Người may mắn, hạnh phúc nhất là người bị té ướt nhiều nhất. Do vậy, nếu có cơ hội đến Lào vào dịp Tết té nước, đừng quên chuẩn bị thêm quần áo vì lúc nào bạn cũng dễ dàng bị ướt.
Những ngày tiếp theo của Tết Bunpimay diễn ra nhiều hoạt động sinh hoạt tôn giáo, vui chơi, giải trí. Một nghi thức hết sức quan trọng trong những ngày tết Bunpimay là nghi lễ rước nàng Chúa Xuân hay còn gọi là nàng Xang Khoang. Tương truyền, nàng là con gái của thần Bốn Mắt, vị thần bảo hộ của người Lào.
Trước ngày diễn ra lễ rước, các địa phương đều tổ chức thi hoa hậu để tuyển 7 cô gái đẹp người, đẹp nết, làm ăn chăm chỉ và giỏi giang chuyện nhà. Lễ rước được tổ chức vào giờ tốt. Người đẹp nhất trong 7 hoa khôi được vinh dự chọn đóng vai nữ Chúa Xuân; 6 cô gái còn lại vào vai các thị nữ, tay cầm trượng, xiêm y lộng lẫy, ngồi trên một chiếc xe hoa được trang trí vô cùng sặc sỡ. Cùng với những người bạn Lào, người Việt tham gia đoàn diễu hành, cùng nhau té nước, múa hát và cùng cầu chúc cho nhau năm mới tốt lành, vui vẻ.
Địa điểm dừng chân của đoàn rước là bãi đất bằng phẳng trên đồi, nơi thầy cúng đã chuẩn bị sẵn mọi nghi thức để chờ đến giờ lành làm lễ cho mọi người. Sau đó, những người tham gia cùng nhau tắm tượng Phật bằng nước thơm. Trong bầu không khí linh thiêng, không phân biệt quốc tịch, dân tộc, ngôn ngữ, người Việt và người Lào ngồi cạnh nhau, cùng chắp tay thành kính, cầu mong cho những điều tốt lành. Điều thú vị là cũng như người Việt, những chiếc bánh chưng gói bằng lá dong xanh là phẩm vật không thể thiếu trong mâm lễ ngày tết của người Lào.
Đứng lẫn trong đám đông những người tham dự lễ rước, anh Nguyễn Quang Toán đến từ huyện Mường Lát, chia sẻ năm nào cũng vậy, cứ đến dịp tết Bunpimay, anh cùng gia đình, bạn bè đều qua đây để chúc tết các bạn bè và gia đình người Lào. Chưa kịp nói hết câu, anh Toán đã được các bạn Lào ùa đến kéo tay, hồ hởi buộc những sợi chỉ màu may mắn và gửi những lời chúc năm mới nhiều sức khỏe, hạnh phúc.
Các cô gái Lào trong nghi lễ rước nàng Chúa Xuân. (Ảnh: Vietnam+)
Có mặt gần đấy là anh Som Vong Khamphanh đang học tiếng Việt tại Đại học Vinh, vừa trở về nhà cùng nhóm bạn người Việt để đón tết. Bằng vốn tiếng Việt khá thông thạo, chàng sinh viên trẻ cho biết, những dịp lễ hội này, có rất đông người Việt ở các huyện vùng biên như Mường Lát sang thăm và chơi tết. “Tình cảm thân thiết như anh em, vì Việt-Lào là hai nước anh em,” anh nói.
Bất cứ ai cũng có thể cảm nhận điều đó qua bầu không khí chan hòa, thắm tình hữu nghị khi những người anh em Việt-Lào tuy không chung dòng máu nhưng chung dòng Me Kong, chung dãy Trường Sơn và cùng chung số phận suốt bao thế kỷ qua. Lịch sử đã chứng minh, những người anh em Việt-Lào đã và luôn sẵn sàng hi sinh, kề vai sát cánh, chia ngọt sẻ bùi để vươn tới những chiến thắng vinh quang.
Là địa phương nằm bên bờ sông Mã nên những hoạt động trong những lễ hội lớn tại Sộp Bâu luôn gắn liền với sông, nước. Sau các nghi lễ chính của tết Bunpimay là cuộc thi đua thuyền đầy sôi động. Mỗi cuộc thi gồm hai đội tham gia, mỗi đội gồm 7 người, với chặng đua dài khoảng 50m.
Trên bờ, tiếng reo hò cổ vũ, tiếng loa, nhạc vang lên rộn rã, thúc giục. Kết thúc cuộc đua, không phân biệt thắng thua, mọi người cùng ùa xuống sông tắm và té nước vào nhau. Dòng sông Mã chảy vào đất Việt, qua Lào, rồi một lần nữa lại chảy vào đất Việt, mang phù sa bồi đắp cho bao ruộng nương, một lần nữa trở thành nhân chứng chứng kiến cho tình hữu nghị được ví như “hạt gạo cắn đôi” từ bao đời nay giữa hai dân tộc anh em. Tình cảm thân tình, nồng hậu đó của những người anh em Việt-Lào miền biên viễn được người dân và lãnh đạo hai bên gói gọn trong câu nói “Mường Lát và Sop Bao bao giờ cũng vậy, là anh em, luôn luôn là như vậy.”
Tạm biệt Mường Lát, tạm biệt Sop Bao, đoàn chúng tôi mãi lưu luyến với những người dân nồng hậu, thủy chung, bằng cuộc sống sinh hoạt thường nhật của mình đang góp phần sinh động, thiết thực vào mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt Việt – Lào. Mối quan hệ này được giữ gìn từ bao đời nay và sẽ tiếp tục được duy trì, tiếp nối, phát triển và truyền cho các thế hệ sau. Niềm tin và hy vọng đó được thể hiện trong ánh mắt háo hức của các em nhỏ người Việt được bố mẹ đưa sang đất bạn Lào vui Tết Bunpimay, hay những nụ cười hồn nhiên, chân thật của các em bé Lào.
Mai này, chính các em sẽ cùng nhau tô thắm thêm tình hữu nghị Việt-Lào, như bài hát các bạn Lào hát trong đêm liên hoan “Em ở bên Tây, anh ở bên Đông, hai đứa nghe chung tiếng gà gáy sang. Đất nước triệu voi, đất nước tiên rồng, chung bước đi lên xây đắp mối tình. Tình Việt-Lào anh em, tình Việt-Lào anh em, mãi mãi không bao giờ phai”. Và ấn tượng của những vị khách về một chuyến đi tới một miền đất lành của những người anh em, đồng chí hiền hậu, thủy chung, được tắm mình trong không khí tết Bunpimay cũng sẽ không bao giờ phai./.
(TTXVN)