Thứ Bảy, 23/11/2024
Đời sống
Thứ Bảy, 6/5/2017 9:4'(GMT+7)

Tăng sức hút cho du lịch Hà Nội

Du lịch Hà Nội đang ngày càng có sức hấp dẫn với du khách.  (ảnh: Toàn Văn).

Du lịch Hà Nội đang ngày càng có sức hấp dẫn với du khách. (ảnh: Toàn Văn).

Từ “vốn” sẵn có

Thời gian qua, đã có nhiều cuộc họp bàn tìm giải pháp nâng cao sức hấp dẫn của du lịch Hà Nội, để hút du khách đến với Hà Nội. Tuy hằng năm, mức tăng trưởng khách du lịch của Hà Nội đạt trên 10%, thế nhưng du lịch Thủ đô chưa tạo ra nhiều sản phẩm đặc trưng để thu hút du khách.

Chất lượng các sản phẩm du lịch chủ yếu vẫn dựa vào các yếu tố tự nhiên, sẵn có, manh mún mà chưa được quy hoạch, tôn tạo, chưa khai thác hết thế mạnh của mình.

Các công ty lữ hành mới xây dựng được tour truyền thống thông qua việc kết nối các di tích sẵn có như: Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long, Hồ Hoàn Kiếm, phố cổ Hà Nội, làng gốm Bát Tràng... Còn việc xây dựng các sản phẩm du lịch khác, ví như các điểm vui chơi, mua sắm, ẩm thực có quy mô lớn hầu như chưa có, hay việc khai thác các giá trị nhân văn để phục vụ khách còn nhiều hạn chế. Khách du lịch khi đến Hà Nội vẫn phàn nàn thiếu các cơ sở, khu vui chơi giải trí.

Trước thực tế này, đã có nhiều ý kiến đưa ra các nhóm giải pháp khắc phục khó khăn, làm tăng sức hấp dẫn với du khách.

Theo chị Đặng Hòa ở Vĩnh Hồ, Đống Đa, Hà Nội - một hướng dẫn viên du lịch lâu năm, dù mới đây, Tổng cục Du lịch đã tổ chức kiểm tra toàn bộ doanh nghiệp lữ hành tại Hà Nội nhằm chấn chỉnh chất lượng dịch vụ lữ hành, giải quyết các nạn chặt chém, làm ăn chụp giật, kinh doanh tour khép kín; cơ quan chức năng cũng kiên quyết xử lý các hướng dẫn viên hoạt động không có thẻ hoặc thẻ giả, xây dựng, giữ gìn hình ảnh đẹp cho du lịch Việt Nam nhưng kết quả vẫn... chưa được như mong muốn.

Chị Hòa cho rằng: “Giao thông phải hợp tác thật tốt và trở thành “bạn” với du lịch. Bên cạnh đó, cần xây dựng không gian hút thuốc lá và quan tâm tới vấn đề toilet công cộng bởi có nhiều toilet công cộng được xây hàng tỷ đồng mà vẫn không mang lại tác dụng”. Chị Hòa cũng cho hay, các sản phẩm “made in Việt Nam” rất được du khách ưa chuộng, vì vậy, nên phát triển mô hình này.

Chị Phạm Thị Thu Hương, Phụ trách Phòng sản phẩm, Công ty Eviva Tour Việt Nam cho rằng, để hút du khách hơn, Hà Nội cần quy hoạch du lịch đối với những làng nghề, làng cổ có tiềm năng du lịch; phát triển da dạng hóa sản phẩm du lịch, ví dụ tour trang trại, tour đạp xe, tour câu cá...; tổ chức các hoạt động nighlife (cuộc sống về đêm) để du khách có không gian vui chơi sau 22h.

“Các điểm tham quan của Hà Nội đa phần là di tích văn hóa, lịch sử, vì thế, nếu xây dựng được loại hình vui chơi, giải trí phù hợp sẽ làm đa dạng hóa sản phẩm. Ngoài ra, cần nâng cao ý thức, đào tạo kỹ năng du lịch cho người dân sở tại. Và các chuyến bay đến Hà Nội nếu rẻ hơn sẽ thu hút khách đến Hà Nội nhiều hơn”, chị Phạm Thị Thu Hương nêu ý kiến.

Du lịch và con đường xã hội hóa

 

Không phủ nhận Hà Nội gần đây có khá nhiều thay đổi cũng như xây dựng được các sản phẩm du lịch mới. Đó là ký kết hợp tác tuyên truyền quảng bá giai đoạn 2017-2018 với mạng tin tức truyền hình cáp CNN (Mỹ), giúp Hà Nội thu hút du khách quốc tế; khai trương phố sách Hà Nội với mục tiêu nơi đây sẽ trở thành điểm nhấn văn hóa, du lịch quan trọng của Hà Nội; lãnh đạo của 16 bảo tàng, khu di tích ở Hà Nội cũng đã “bắt tay” phối hợp truyền thông quảng bá...

Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Công ty du lịch TransViet cho rằng, dù ngành du lịch Hà Nội đang được quan tâm, đầu tư nhưng để xúc tiến hiệu quả, tạo sự hấp dẫn vẫn là một bài toán không đơn giản. Điều quan trọng và được mọi người quan tâm hơn cả là xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng. Ông Đạt đề xuất: “Có thể xây dựng không gian áo dài ở Không gian đi bộ Hồ Gươm. Kêu gọi người dân, học sinh, du khách mặc áo dài khi tới không gian đi bộ phố cổ, Bờ Hồ dịp cuối tuần. Việc này ngoài góp phần làm đẹp không gian Bờ Hồ còn giúp quảng bá du lịch Thủ đô nói riêng và Việt Nam nói chung khi du khách mặc áo dài chụp ảnh và chia sẻ trên mạng xã hội, trang cá nhân”.

Theo anh Đạt, các công ty du lịch có thể tổ chức các tour du lịch áo dài Hà Nội cho du khách đi tham quan và mua lụa Vạn Phúc, may áo dài, tới chụp ảnh tại không gian đi bộ Bờ Hồ, xem trình diễn áo dài... Để hiện thực hóa ý tưởng này, chúng ta có nhiều biện pháp khuyến khích như: Miễn phí vé vào đền Ngọc Sơn cho du khách nào mặc áo dài, kêu gọi học sinh, sinh viên các trường mặc áo dài đến phố đi bộ vào dịp cuối tuần, tạo thành phong trào...

Ngoài ra, ông Đạt còn đề xuất, thành phố cần tạo không gian “Hà Nội qua các thời kỳ” tại khu phố đi bộ Bờ Hồ. Tại đó sẽ có các khu trưng bày ảnh, hiện vật, phương tiện giao thông qua các thời kỳ. Ví dụ, tại không gian Hà Nội thời Pháp thuộc sẽ có trưng bày ảnh Hà Nội và các cổ vật thời Pháp thuộc, xe xích lô kéo tay... Như vậy, mỗi du khách khi đến Hà Nội sẽ hiểu rất nhanh về các thời kỳ lịch sử của Thủ đô. Trong không gian này, có thể tái tạo cảnh Hà Nội xưa bằng những toa tàu điện để mọi người chụp ảnh và có thể làm cà phê tàu điện.

Bên cạnh đó, nên có những hoạt động sân khấu biểu diễn kết nối Hà Nội với cả nước và Hà Nội với thế giới. Các vùng miền của Việt Nam hoặc các nước trên thế giới muốn biểu diễn nền văn hóa của mình có thể đăng ký theo khung giờ. “Những kiến nghị trên có tính khả thi cao. Các công ty lữ hành nói chung và Công ty du lịch TransViet nói riêng sẵn sàng tham gia vào việc đầu tư xã hội hóa này”, ông Đạt nhấn mạnh.

Nói về những cơ hội và thách thức phát triển của du lịch Hà Nội, TS. Nguyễn Quang Lân, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội kiến nghị: “Hà Nội cần tập trung xây dựng 1 - 2 khu vui chơi giải trí lớn tầm quốc tế, dự trữ quỹ đất để xây dựng các khách sạn trung cao cấp nâng số cơ sở lưu trú lên gấp 2 lần hiện tại trong vòng 5 năm tới./.

TG

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất