Trong những năm gần đây, việc người dân Lạng Sơn hiến đất xây dựng trường học, đường giao thông nông thôn, nhà văn hóa… đã trở thành phong trào rộng khắp ở nhiều huyện, xã trong tỉnh. Qua đó, đã góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi biên giới, vùng cao, vùng xa, tạo nên sức mạnh tổng hợp trong phong trào xây dựng nông thôn mới.
Về huyện Văn Quan thời điểm này không còn phải đi trên những con đường đất bụi, bẩn, ngoằn nghoèo và những “ổ voi”, ”ổ gà” như trước đây. Thay vào đó là con đường bê tông rộng rãi, khang trang mới đưa vào sử dụng. Con đường mới được mở rộng, xây dựng kiên cố đã giúp người dân đưa cơ giới hóa đồng bộ vào đồng ruộng. Ông Nông Văn Quân, Phó Chủ tịch UBND xã Hữu Lễ cho biết: Sau khi duyệt quy hoạch, UBND xã đã mời tất cả các hộ có liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng lên xã để nghe nguyện vọng và tìm hiểu những khó khăn phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện. Qua đó các hộ dân đã nhận thấy được những lợi ích của việc phát triển cơ sở hạ tầng; do vậy phong trào hiến đất làm đường đã nhanh chóng được người dân tham gia nhiệt tình, rộng khắp. Nhiều hộ đã tự nguyện hiến hàng ngàn m2 đất như gia đình anh Hoàng Văn Quốc, thôn Bản Só, xã Hữu Lễ; anh Lê Văn Phái, Nông Văn SLổi, thôn Bản Hạ, xã Phú Mỹ…
Người dân xã Thụy Hùng, huyện Văn Lãng vẫn luôn nhắc đến câu chuyện gia đình anh Phù Văn Mão ở thôn Còn Ngòa, đã hiến gần 1.000 m2 đất để xây dựng phân trường Pò Mu xã Thụy Hùng. Khi dự án được đưa về địa phương, nhân dân Thụy Hùng rất vui mừng, nhưng lãnh đạo xã và nhà trường loay hoay mãi chưa tìm ra mảnh đất phù hợp để xây dựng. Anh Phù Văn Mão đã bàn bạc với gia đình hiến 829,68 m2 đất nông nghiệp mà cha mẹ anh để lại để xây dựng trường học. Mặc dù cuộc sống gia đình anh còn nhiều vất vả và vẫn biết “tấc đất là tấc vàng” nhưng gia đình anh Mão vẫn tình nguyện hiến đất.
Anh Mão chia sẻ: Trước đây xã không có phân trường tại thôn này nên trẻ em phải đi bộ gần 7 cây số để học, rất vất vả, nhiều học sinh bỏ học vì đi học quá xa; nên tôi hiến đất để xây dựng phân trường với mong muốn muốn con em trong bản có điều kiện tốt hơn để học được cái chữ, sau này trở về xây dựng quê hương.
Cũng giống như anh Phù Văn Mão, các anh Lê Văn Thân, Trưởng công an xã Trùng Khánh, Lê Văn Trung, Lương Văn Giáp ở xã Trùng Khánh (một xã tiếp giáp với xã Thụy Hùng, huyện Văn Lãng) cũng tình nguyện hiến tổng cộng hơn 600m2 đất để xây dựng trường tiểu học thôn Nà Tồng, xã Trùng Khánh.
Còn đối với ông Hoàng Doãn Chí, 50 tuổi là Bí thư chi bộ thôn Bó Tát, xã Tân Hương, huyện Bắc Sơn thì việc tình nguyện hiến 720 m2 đất làm nhà văn hóa thôn chỉ đơn giản là đáp ứng nhu cầu sinh hoạt chung của thôn. Ông chia sẻ: “Bấy lâu nay, toàn thôn không có nhà văn hóa. Năm 2011, xã được bố trí vốn xây dựng nhà văn hóa cho thôn Bò Tát, lãnh đạo thôn rất vui nhưng băn khoăn là không có đất để xây dựng. Với mong muốn có nhà văn hóa đáp ứng nhu cầu sinh hoạt chung cho thôn, tôi đã họp gia đình và thống nhất tự nguyện đóng góp 2 sào đất với diện tích 720 m2". Trong quá trình xây dựng nhà văn hóa, ông Hoàng Doãn Chí còn tổ chức vận động các hộ dân đóng góp ngày công lao động để góp phần làm cho công trình hoàn thành nhanh, đúng tiến độ và chất lượng. Đến nay, nhà văn hóa thôn Bò Tát đã được xây dựng xong với 3 gian khang trang, sạch sẽ trên diện tích 80 m2 và đã được đưa vào sử dụng.
Ông Vi Hữu Bình, Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Lạng Sơn cho biết: Lạng Sơn là một tỉnh miền núi biên giới, cuộc sống của người dân còn nhiều khó khăn, nhưng việc tình nguyện hiến đất để xây dựng các công trình công cộng của người dân Xứ Lạng giờ đã trở thành một phong trào rộng khắp. Để đạt được kết quả đó chính là nhờ làm tốt khâu tuyên truyền, vận động; đặc biệt là sự gương mẫu đi đầu của các cán bộ, đảng viên… Do đó việc hiến đất của người dân đã tạo tiền đề hết sức thuận lợi trong việc phát huy nguồn lực để xây dựng nông thôn mới. Đây chính là "chìa khóa" để Lạng Sơn thực hiện thành công việc xây dựng nông thôn mới, đồng thời làm thay đổi cơ bản bộ mặt nông thôn miền núi, biên giới tỉnh Lạng Sơn trong những năm tiếp theo./.
Thắng Trung - TTXVN