Năm 2009, Hợp tác xã (HTX) An Mỹ là một trong những đơn vị đầu tiên của huyện Mỹ Đức (Hà Nội) ứng dụng thành công mô hình gieo sạ lúa theo hàng bằng đàn kéo tay, một sáng kiến "táo bạo" của Giám đốc HTX Nguyễn Văn Tài. Muốn gieo thẳng bằng đàn, ruộng phải rộng và An Mỹ trở thành HTX đầu tiên của huyện Mỹ Đức hoàn thành dồn điền đổi thửa (DĐĐT).
Năm 1983, sau khi xuất ngũ, về địa phương, đồng chí Nguyễn Văn Tài đã sớm cùng bà con phát triển sản xuất. Năm 1984, ông là một trong những người đầu tiên tham gia xây dựng HTX An Mỹ. Dám nghĩ dám làm, ông mạnh dạn tham mưu giúp xã sớm hoàn thành việc DÐÐT để áp dụng toàn bộ máy móc vào sản xuất, bằng cách đề xuất để người dân tự chủ trong việc DÐÐT, tự bầu người có uy tín tham gia tổ chia ruộng đất, sau đó tổ chức tự bốc thăm, chính quyền chỉ giám sát. Nhờ đó, An Mỹ đã trở thành địa phương đầu tiên của huyện hoàn thành DÐÐT một cách suôn sẻ.
Năm 1999, được các xã viên bầu làm Chủ nhiệm HTX An Mỹ, đảng viên Nguyễn Văn Tài đã từng bước đưa HTX An Mỹ trở thành một trong những HTX điển hình của cả nước ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong nhiều khâu sản xuất như: Chọn giống, cấy lúa, gặt hái và chế biến nông sản, tiết kiệm công sức người dân.
Nhớ lại những ngày đầu chân ướt chân ráo vào HTX An Mỹ, chứng kiến sự vất vả của xã viên khi phải sản xuất trên những thửa ruộng vừa hẹp vừa dài, ý nghĩ phải làm gì đó cho An Mỹ, cho chính xã viên của mình cứ lớn dần trong ông. Thế rồi ông lặn lội đi tham quan, học hỏi các mô hình gieo thẳng của các tỉnh trong cả nước. Và rồi từ những chuyến đi thực địa ấy, ông đã nhận ra một điều, phải áp dụng khoa học - kỹ thuật, phải gieo thẳng, mà muốn làm được việc gieo thẳng đòi hỏi hạ tầng kênh mương, khâu làm đất phải thật cẩn thận, đi cùng với đó là tổ chức hoạt động sản xuất khép kín từ các khâu dịch vụ vật tư nông nghiệp đến công tác tưới tiêu, gieo thẳng mới có được sự đồng bộ… Ông đã bàn với Ban lãnh đạo HTX mạnh dạn đầu tư 10 km kênh mương kiên cố. Rồi việc DÐÐT cũng nhanh chóng hoàn tất để cho ra đời những cánh đồng lớn.
Theo cách tính của ông Tài, thời điểm hiện tại, nếu công cấy mất khoảng 300 nghìn đồng/sào thì gieo thẳng chỉ mất khoảng 28 nghìn đồng/sào, trong khi năng suất tăng từ 7 đến 10%. Chính những con số biết nói và hiệu quả có thực từ gieo thẳng đã khiến xã viên HTX tin tưởng tuyệt đối với công nghệ gieo thẳng mà Giám đốc Nguyễn Văn Tài đem về cho An Mỹ.
Không chỉ giải phóng sức người trong khâu gieo cấy, HTX An Mỹ còn chủ động liên kết với các doanh nghiệp sản xuất giống, phân bón nhằm bảo đảm chất lượng cung ứng cho bà con, liên kết với các công ty tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp. Nhờ đó, doanh thu bình quân của HTX An Mỹ đã tăng từ 7 tỷ lên 12 tỷ đồng (năm 2017). Thu nhập của xã viên lên đến 36 triệu đồng/năm. Ðáng chú ý, HTX An Mỹ còn có quỹ tín dụng An Mỹ do ông Tài là Chủ tịch HÐQT, ngoài hỗ trợ xã viên về vốn sản xuất, đây còn là nguồn vốn để HTX đầu tư thiết bị sản xuất. Tính đến thời điểm hiện tại, HTX An Mỹ đã có 14 máy làm đất, 12 máy gặt, có thể tự chủ hoàn toàn mùa vụ.
34 năm gắn bó với HTX, hơn 30 lần ông Tài được nhận Bằng khen, giấy khen cho cá nhân và tập thể. Năm 2008 ông được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và Bằng khen của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn… HTX An Mỹ được nhận 26 Bằng khen, giấy khen của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Liên minh HTX Việt Nam và TP Hà Nội.
Ông Tài cho biết, làm nông nghiệp cái khó nhất là tìm đầu ra cho sản phẩm, do đó, HTX An Mỹ đã không ngừng mở rộng sản xuất, làm cầu nối doanh nghiệp với xã viên, rồi trở thành địa chỉ tin cậy của Liên minh HTX Việt Nam. Nhìn trụ sở hai tầng khang trang với tổng chi phí xây dựng khoảng sáu tỷ đồng của HTX, chúng tôi hiểu An Mỹ đã lớn mạnh, nhờ một phần đóng góp của đảng viên Nguyễn Văn Tài.
Sơn Hà/Nhân dân