Trong những ngày này, hơn 55 triệu công nhân, viên chức, lao động và đoàn viên công đoàn trên khắp cả nước đang hướng về Đại hội Công đoàn khóa XII.
Người lao động, các công đoàn viên đã gửi đến Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hàng vạn ý kiến, bày tỏ tâm tư, nguyện vọng. Cùng với đó là 456 ý kiến gửi tới Đại hội XII Công đoàn Việt Nam kiến nghị với Đảng, Quốc hội và Chính phủ.
Thay mặt người lao động và công đoàn viên cả nước, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Mai Đức Chính đã báo cáo tổng hợp kiến nghị của cán bộ, công chức, viên chức, công nhân, lao động và tổ chức công đoàn với Đảng và Nhà nước. Các ý kiến, kiến nghị, tập trung vào việc ban hành, thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng liên quan đến giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn; việc triển khai các quy định của pháp luật liên quan đến lĩnh vực quan hệ lao động, quyền và lợi ích của người lao động; các giải pháp chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của người lao động...
Đảm bảo nhân lực đáp ứng yêu cầu của tình hình mới
Về việc ban hành, thực hiện, đánh giá, tổng kết các nghị quyết, chỉ thị của Đảng liên quan đến giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn, người lao động kiến nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư tiếp tục quan tâm chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW ngày 28/1/2008 về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”; Chỉ thị số 22-CT/TW ngày 5/6/2008 của Ban Bí thư (khoá X) về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp và Kết luận số 96-KL/TW ngày 7/4/2014 của Ban Bí thư tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 22-CT/TW; Chỉ thị số 52-CT/TW ngày 9/1/2016 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân lao động khu công nghiệp, khu chế xuất.
Xem xét tính đặc thù của tổ chức Công đoàn Việt Nam so với các đoàn thể chính trị khác, người lao động nêu ý kiến, Trung ương cần quan tâm đến tính đặc thù của tổ chức Công đoàn Việt Nam để đảm bảo cho Công đoàn có nguồn nhân lực đủ về số lượng, mạnh về chất lượng với mô hình tổ chức phù hợp đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Công đoàn là một bên trong quan hệ lao động, một bên trong cơ chế ba bên gồm Chính phủ, Công đoàn và giới chủ, do đó cần đảm bảo tính độc lập tương đối (theo thông lệ quốc tế để đại diện, bảo vệ quyền lợi người lao động) đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Người lao động bày tỏ tâm tư: Hiện nay, tỷ lệ cán bộ công đoàn chuyên trách trên số đoàn viên đang ở mức thấp nhất so với các đoàn thể chính trị khác trong khi nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn Việt Nam ngày càng nặng nề. Sự ra đời của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở khi Việt Nam ký kết và thực thi các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới trong những năm tới là một thách thức lớn đối với tổ chức Công đoàn Việt Nam.
Người lao động kiến nghị, Quốc hội và Chính phủ cần quan tâm nâng cao chất lượng hoạt động xây dựng pháp luật, trong đó có pháp luật liên quan đến người lao động và tổ chức Công đoàn. Các dự thảo luật cần được lấy ý kiến rộng rãi đối tượng chịu tác động trực tiếp, các quy định pháp luật đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người lao động và người sử dụng lao động, quan tâm bảo vệ đối tượng yếu thế.
Việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động sắp tới cần quy định cơ chế giải quyết tranh chấp lao động theo hướng chuyên nghiệp, thân thiện, hiệu quả, khắc phục bằng được mô hình và cách thức giải quyết như hiện nay. Cùng với đó, quy định trách nhiệm đảm bảo bữa ăn giữa ca của người lao động thuộc về người sử dụng lao động; quy định tuổi nghỉ hưu phù hợp với từng đối tượng lao động và lĩnh vực lao động; quy định thời gian người lao động được nghỉ làm việc để tham gia học tập đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; quy định giờ làm thêm ở mức phù hợp và trả lương làm thêm giờ theo nguyên tắc lũy tiến; đảm bảo bình đẳng giới, không cắt giảm các chế độ tiến bộ đang áp dụng đối với lao động nữ.
Đảm bảo an sinh xã hội cho giai cấp công nhân
Theo ý kiến đại diện lực lượng lao động, Đảng, Quốc hội, Chính phủ cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành đất nước; tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; thu hẹp khoảng cách giàu nghèo; tiếp tục quan tâm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho giai cấp công nhân, giúp công nhân Việt Nam hội nhập, phát triển và được thụ hưởng xứng đáng những thành quả lao động mà họ nỗ lực làm nên, để giai cấp công nhân Việt Nam tiếp tục hoàn thành sứ mệnh lịch sử to lớn, lãnh đạo cách mạng Việt Nam thông qua đội tiền phong là Đảng Cộng sản Việt Nam.
Cùng với đó, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố thường xuyên thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các doanh nghiệp vi phạm pháp luật về lao động, công đoàn, bảo hiểm xã hội, an toàn vệ sinh lao động, nhất là các doanh nghiệp không hoặc chậm trả lương, trốn đóng bảo hiểm xã hội, để xảy ra tai nạn lao động, gây khó khăn cho hoạt động công đoàn và người lao động. Trung ương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương quan tâm đầu tư kinh phí, bố trí đất đai và chỉ đạo quyết liệt việc xây dựng các thiết chế công đoàn dành cho công nhân tại các khu công nghiệp, nhất là nhà ở, trường học, trạm y tế, siêu thị, nơi vui chơi giải trí, góp phần nâng cao đời sống công nhân, giúp công nhân yên tâm làm việc, từ đó đóng góp nhiều hơn cho doanh nghiệp và đất nước.
Ngoài ra, Nhà nước đề ra các giải pháp hữu hiệu đảm bảo an ninh, an toàn cho người lao động tại nơi làm việc và nơi ở; sửa đổi, bổ sung các quy định buộc người sử dụng lao động phải đảm bảo môi trường làm việc thực sự an toàn cho người lao động; xử lý nghiêm các hành vi đánh bạc, trộm cắp, lừa đảo, tệ nạn xã hội, cho vay nặng lãi đang tấn công công nhân ở các khu nhà trọ.
Nâng cao chất lượng đào tạo nghề
Người lao động kiến nghị, Quốc hội và Chính phủ nghiên cứu, ban hành các chính sách có tính đột phá về đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn lao động và tổ chức thực hiện hiệu quả trên thực tế; đổi mới quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục nghề nghiệp, phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động; thực hiện đào tạo lại, đào tạo bổ sung, đào tạo kỹ năng; đào tạo nghề gắn với nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường; có chế tài buộc người sử dụng lao động có trách nhiệm đào tạo người lao động.
Cùng với đó, Quốc hội và Chính phủ tiếp tục triển khai các giải pháp thúc đẩy phong trào khởi nghiệp, thu hút đầu tư cả trong và ngoài nước, đầu tư ra nước ngoài, mở rộng địa bàn và đẩy mạnh xuất khẩu lao động để tạo việc làm và giải quyết việc làm cho người lao động; ban hành các chính sách, pháp luật nhằm thu hút người lao động vào khu vực chính thức, đảm bảo an sinh xã hội cho đông đảo người lao động. Các bộ, ngành, địa phương khi thẩm định, đánh giá, lựa chọn các dự án đầu tư, cần chú ý đến năng lực tài chính, năng lực quản trị doanh nghiệp, công nghệ, việc thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, ý thức chấp hành pháp luật; kiên quyết không thu hút đầu tư bằng mọi giá; ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng doanh nghiệp không chấp hành các quy định pháp luật, nhất là pháp luật Lao động và Công đoàn hoặc doanh nghiệp có chủ bỏ trốn, giảm dần các doanh nghiệp thâm dụng lao động.
Thu Phương -Thanh Vân (TTXVN)