Sáng 24/9, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn về thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Báo cáo tại buổi làm việc, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lạng Sơn Phạm Ngọc Thưởng cho biết, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm của tỉnh đạt 8%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. GDRP bình quân đầu người năm 2017 đạt 35,6 triệu đồng.
Thời gian qua, tỉnh Lạng Sơn tập trung phát triển kinh tế cửa khẩu trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế; thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, trọng tâm là hạ tầng giao thông; thúc đẩy hoạt động thương mại, kinh tế biên mậu, dịch vụ, du lịch; tăng cường thực hiện các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp...
Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Lạng Sơn có vị trí quan trọng cả về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, nhất là với vùng Đông Bắc của Tổ quốc.
Tỉnh có 230km đường biên giới với Trung Quốc, có nhiều cửa khẩu, chợ biên giới. Tỉnh là điểm đầu của Việt Nam trong tuyến hành lang kinh tế Nam Ninh (Trung Quốc)-Lạng Sơn-Hà Nội-Hải Phòng và Lạng Sơn-Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh-Mộc Bài; là cửa ngõ quan trọng nối với Trung Quốc, ASEAN, rất thuận lợi cho phát triển thương mại biên giới và các dịch vụ phát triển.
Thủ tướng Chính phủ đánh giá, thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền Lạng Sơn có sự đoàn kết, quyết tâm, đưa kinh tế-xã hội phát triển ổn định, có nhiều mặt tiến bộ. An ninh trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo.
[Sẽ có hơn 300 gian hàng tại Hội chợ Thương mại quốc tế Việt-Trung]
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ rõ, Lạng Sơn vẫn là tỉnh nghèo, quy mô kinh tế thuộc nhóm cuối của vùng; hạ tầng giao thông thiếu và yếu, kể cả các trục giao thông chính. Môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng được quan tâm, nhưng còn hạn chế.
Hoạt động xuất nhập khẩu tăng trưởng khá nhưng thiếu ổn định; còn điểm nóng về buôn lậu gian lận thương mại. Kinh tế tư nhân phát triển chậm, chủ yếu là doanh nghiệp thương mại còn lĩnh vực sản xuất vẫn nhiều hạn chế.
Bên cạnh đó, tỉnh chưa phát triển nông nghiệp công nghệ cao và theo hướng sản xuất hàng hóa. Dù nhiều tiềm năng nhưng tỉnh chưa khai thác tốt tiềm năng để phát triển du lịch. Số doanh nghiệp còn ít, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo rất cao (trên 19%) trong khi bình quân cả nước chỉ 7%...
Với những hạn chế, khó khăn đó, Thủ tướng đặt vấn đề: "có một vị trí địa kinh tế tốt như vậy, nhưng vì sao thời gian qua, Lạng Sơn chưa phát triển mạnh mẽ, xứng tầm trong thời kỳ mới."
Từ đó, Thủ tướng gợi ý tầm nhìn của Lạng Sơn là phát triển thương mại, du lịch; phát triển nông lâm nghiệp của miền núi, vùng cao, vùng nông thôn. Trong đó, tất cả phải gắn với phát triển rừng và bảo vệ rừng.
Đồng thời, tỉnh cần đẩy mạnh phát triển kinh tế biên mậu, chú trọng thúc đẩy quan hệ láng giềng hữu nghị với Trung Quốc; đẩy mạnh thương mại chính ngạch; tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm...
Về mở rộng thị trường, Thủ tướng cho rằng với lợi thế về vị trí địa lý, Lạng Sơn phải hướng ra thị trường Trung Quốc rộng lớn; thúc đẩy thương mại điện tử; nghiên cứu, triển khai mô hình hội chợ quốc tế hoặc hội nghị xúc tiến đầu tư để các tỉnh, thành phố, doanh nghiệp nước ngoài quan tâm đến các mặt hàng của Việt Nam.
Cùng với phát triển kinh tế, Thủ tướng lưu ý cần giữ gìn bản sắc văn hóa của Lạng Sơn; đảm bảo an ninh, quốc phòng vững mạnh; tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, quan tâm xây dựng nông thôn mới, có chương trình giảm nghèo tốt hơn, bền vững hơn; chú trọng công tác y tế, giáo dục... nhất là ở các vùng sâu, vùng khó khăn.
Về các kiến nghị của tỉnh Lạng Sơn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp có ý kiến chỉ đạo, giải quyết; đồng thời giao các bộ, ngành tiếp thu ý kiến, nghiên cứu và có báo cáo với Thủ tướng Chính phủ./.
TTX