Thứ Bảy, 21/9/2024
Tin hoạt động
Thứ Tư, 19/11/2008 8:43'(GMT+7)

Người nối những bờ vui

Năm nay đã bước sang tuổi 76, cái tuổi mà các cụ ngày xưa vẫn hay tự hào là "thất thập cổ lai hy", nhưng ông Lê Văn Hai vẫn còn khỏe mạnh, nhanh nhẹn và minh mẫn. Gắn bó với cù lao Tân Phong gần hết cuộc đời, ông đã chứng kiến những khó nhọc của người dân miệt sông nước trước hệ thống giao thông sông ngòi chằng chịt. Những năm 90 của thế kỷ trước, điều kiện đi lại của người dân nơi đây còn hết sức khó khăn, đường đất, cầu khỉ chênh vênh. Mùa nắng còn đỡ vất vả, chứ mùa mưa lũ thì cực khổ trăm bề. Nhưng cái khó vì đường giao thông vẫn còn đỡ lo hơn khó vì những chiếc cầu tạm bợ, không ít những tai nạn đáng tiếc đã xảy ra cho các cháu nhỏ. Ông Hai kể về việc làm của mình một cách giản dị: "Nói là miệt sông nước nhưng đâu có nghĩa là người dân lúc nào cũng phải di chuyển bằng xuồng, ghe? Nếu  đường giao thông thuận lợi thì vẫn "sướng" hơn nhiều". 

Nghĩ là vậy nhưng làm không phải dễ, nhất là việc vận động mọi người chung tay đóng góp, vì đại bộ phận người dân trong ấp còn nghèo, nhiều nhà cơm còn chẳng đủ ăn lấy tiền đâu đóng góp, trong khi đó kinh phí hỗ trợ của Nhà nước lại có hạn. Thế là ông bàn với các thành viên trong gia đình: "Nhà mình tuy còn khó khăn, nhưng so ra đã khá hơn nhiều người, các con đều đã trưởng thành ra riêng, số tiền dành dụm cho tuổi già, ba mẹ muốn dùng vào việc xóa cầu khỉ trên địa bàn xã mình. Giao thông thuận tiện, người được hưởng lợi đầu tiên vẫn là gia đình, con cháu mình, bà con mình". Sự nhiệt tình của ông có sức thuyết phục lớn đến các thành viên gia đình, ai cũng nhiệt tình ủng hộ.

Cây cầu bê tông đầu tiên ông Hai bắt tay xây dựng là cây cầu Rạch Bà Bộ, ở ấp Tân Luông A, kinh phí do UBND xã Tân Phong hỗ trợ là 2 triệu đồng, phần còn lại ông huy động người quen, bạn bè và bỏ tiền túi ra để hoàn thành. Có chiếc cầu mới thuận tiện cho việc đi lại người dân vui một thì ông vui đến mười. Hết ấp nhà lại đến các ấp lân cận. Từ đó đến nay, ấp nào cũng có những cây cầu bê tông do ông đứng ra vận động xây dựng, thậm chí có những cây cầu, phần tiền hỗ trợ của trên vẫn còn nằm trên "kế hoạch" thì ông đã ứng tiền túi của mình ra để hoàn thành cho kịp thời gian và tiến độ. Quy trình để xây dựng một cây cầu được tính toán chi tiết và cụ thể: làm bảng chiết tính, thông qua UBND xã. Sau khi trừ chi phí do UBND xã hỗ trợ và người dân đóng góp, phần còn lại ông bỏ tiền túi ra góp vào. Có kinh phí rồi, ông lại ngày đêm bám sát công trình để đốc thúc tinh thần, lo cơm nước cho thợ làm đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng. Cho đến bây giờ, nhiều người vẫn nhắc đến ông cùng cây cầu Ruột Ngựa ở ấp Tân Luông B, kinh phí do UBND xã Tân Phong hỗ trợ và người dân đóng góp chỉ 14 triệu đồng, trong khi chi phí xây dựng lên đến 26 triệu đồng. Hụt chi phí quá lớn, cánh thợ khuyên ông nên chờ vận động thêm, nhưng ông vẫn nhất quyết phải hoàn thành đúng tiến độ "hụt bao nhiêu, tao góp vào bấy nhiêu, việc của các cháu là phải hoàn thành công trình với chất lượng thật tốt cũng là một cách để giúp đỡ bà con mình!".

Từ khi xã Tân Phong được Nhà nước đầu tư xây dựng đường, hệ thống giao thông đã thuận tiện hơn nhưng nhiều ấp vẫn còn những cây cầu hư hỏng nặng. Chính vì vậy mà hầu như không lúc nào, ông Hai được nghỉ ngơi. Ông khoe mới hoàn thành phần mang cá cầu chợ trung tâm xã, cầu bến trạm y tế và đang tiến hành thi công cầu giao thông ở chợ Tân Thái... Nói về việc làm của mình ông khiêm tốn: "Lòng nhiệt tình của người dân vẫn là yếu tố quan trọng giúp các cây cầu giao thông nông thôn sớm được hoàn thành. Lúc đầu kêu gọi đóng tiền bà con còn ngần ngại, sau đó thấy đường đi thông thoáng, tiện lợi nên mọi người đều tự giác".

Với ông, việc làm của mình chỉ là "những việc nên làm" mà thôi, tự bản thân mình thấy được và thấy đúng thì làm, chẳng vì danh tiếng hay phong trào, miễn là để cho lương tâm thấy thanh thản và coi như đó là việc tích đức cho con cháu. Từ đó đến nay, trung bình mỗi năm ông xây dựng từ 2-3 chiếc cầu giao thông. Phó Chủ tịch UBND xã Tân Phong, ông Kiều Mạnh Quân cho biết: "Chú Hai là một trong những người cao tuổi nhiệt tình với công tác xã hội ở địa phương. Thấy lợi ích của việc xây dựng cầu giao thông mà chú đề xuất, lãnh đạo xã đã sớm đưa ra chủ trương ủng hộ. Các cây cầu bê tông do chú Hai đứng ra giám sát thực hiện đều thi công nhanh, đạt chất lượng nên người dân tin tưởng ủng hộ hết mình và những cây cầu cứ nối tiếp nhau, nối liền khắp các ấp".

Nhiều năm nay, người dân xã Tân Phong vẫn nhắc đến ông Lê Văn Hai với vai trò một người đi "nối những bờ vui" cho các con đường giao thông liên ấp, liên xã./.

Theo Quế Ngân-Cổng TTĐT Tiền Giang

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất