Thứ Bảy, 21/9/2024
Tin hoạt động
Thứ Bảy, 18/10/2008 17:20'(GMT+7)

"Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn'

Sự cổ vũ từ phía khán giả là nguồn động viên lớn đối với mỗi thí sinh

Sự cổ vũ từ phía khán giả là nguồn động viên lớn đối với mỗi thí sinh

Có lẽ chính vì vậy, mà mỗi câu chuyện, mỗi bài học từ cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác đều có sức lay động tâm tư rất lớn đối với tất cả chúng ta, thúc giục chúng ta phải cố gắng nhiều hơn, hoàn thiện mình hơn, tu dưỡng tốt hơn để xứng đáng với những gì Người đã để lại cho đời sau.
Không quá khó khăn để nhận ra những giọt nước mắt xúc động trên gương mặt của những khán giả có mặt tại hội trường Hội thi hôm nay (18/10) khi lắng nghe những câu chuyện về Bác: Từ sự quan tâm của Người từ những điều nhỏ nhất đối với các chiến sỹ trong câu chuyện "Đĩa cơm rang trứng" (Thí sinh Bùi Thị Thủy, Ninh Thuận); sự bình dị, gần gũi của một vị Chủ tịch nước khi đến với dân trong "Bác có phải là vua đâu" (Thí sinh Trần Thị Thơm, Tp. Hồ Chí Minh); hay những tình cảm chan chứa của Bác với miền Nam ruột thịt qua giọng kể của Thí sinh Phan Thị Đông, Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh trình bày... Không chỉ có các bác cao tuổi đến từ Hải Phòng, Thái Bình, từ Phường Nghĩa Tân, Hà Nội, hay các em sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Học viện Hành chính, các chiến sỹ bộ đội, mà cả những kỹ thuật viên cầm máy quay tại Hội trường, các phóng viên nam đến từ báo Quân đội Nhân Dân đều không nén được xúc động.  


Thí sinh đặc biệt nhất của Hội thi - Ni cô Thích Đàm Ngọc, đến từ Hội Phật giáo huyện Ý Yên, Nam Định

với câu chuyện "Phải biết quan tâm hơn đến mọi người" đã được sự ủng hộ nhiệt tình từ phía khán giả.
 
Cách kể chuyện chậm rãi, giọng kể trầm ấm, tình cảm, cố gắng khắc phục những nhược điểm của chất giọng địa phương, Ni cô đã mang đến một cách hiểu Bác theo triết lý của người nhà Phật, cách liên hệ cũng rất gần gũi đời thường: "Gần đây, lợi dụng chính sách tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo của Đảng và Nhà nước, một số kẻ xấu đã có những hoạt động vi phạm pháp luật, đi ngược lại lợi ích của dân tộc của nhân dân. Họ đã lợi dụng tín ngưỡng tôn giáo để hoạt động chống đối, kích động tín đồ gây mất an ninh trật tự tiếp tay cho các thế lực thù địch chia rẽ tôn giáo, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc...Vì lẽ đó, hàng ngày, ngoài việc vận động tín đồ và nhân dân đấu tranh với các tệ nạn xã hội, các loại hình tín ngưỡng không hợp pháp, tôi đã tạo điều kiện để các tín đồ được học hỏi giáo lý, giúp họ phân biệt được đâu là tín ngưỡng, đâu là mê tín, để đi đến tự tín và chính tín...Tôi luôn muốn các phật tử ngoài việc phải là phật tử chân chính, còn phải là người công dân tốt, gương mẫu thực hiện nghĩa vụ của mình".


Mang đến Hội thi những tình cảm chân thành tự đáy lòng với Bác Hồ, mỗi thí sinh dự thi cũng đều ấp ủ trong mình những kế hoạch sẽ làm trong tương lai, để cố gắng trở thành những người
con đất Việt không chỉ kể chuyện hay về Bác mà còn sẽ là những người đi đầu trong việc làm theo tấm gương của Bác.

Thí sinh nhỏ tuổi nhất cuộc thi Nguyễn Thị Hương Giang, sinh năm 1985, là sinh viên trường Đại học Victoria, New Zealand hồ hởi chia sẻ với chúng tôi về những dự định sắp tới của mình "Trở về sau cuộc thi, em sẽ cùng Hội Sinh viên Việt Nam tại NewZealand tiếp tục phát động học tập và làm theo tấm gương của Bác bằng những hành động và việc làm thiết thực hơn. Em sẽ tìm hiểu và đọc thêm nhiều câu chuyện về Bác để phổ biến, tuyên truyền trong cộng đồng sinh viên, cộng đồng người Việt ở New Zealand, từ đó để mọi người hiểu hơn và học tập Bác Hồ một cách hiệu quả hơn nữa. Thời gian qua, hội sinh viên Việt Nam của chúng em ở bên đó đã tổ chức quyên góp ủng hộ các sinh viên nghèo vượt khó trong nước, các gia đình nạn nhân vụ sập cầu Cần Thơ, trẻ em mồ côi làng SOS, làng Hòa Bình, bệnh viện Từ Dũ, thành phố Hồ Chí Minh...Những việc làm này sẽ tiếp tục được duy trì trong thời gian tới".



Cùng chung tâm trạng này, cô giáo dạy Văn gốc Thái Bình đến từ Trường THCS An Dương Vương, Ninh Hải, Ninh Thuận Bùi Thị Thủy (SBD: 05) mong muốn sẽ mang những bài học giản dị từ cuộc đời của Bác lồng ghép vào các bài giảng của mình truyền đạt đến các học sinh, để từ những câu chuyện nhỏ ấy, các em có được những nhận thức đúng đắn, những hành động tốt đẹp, làm theo gương của Bác. 

Cô mong muốn truyền những tình cảm của mình với Bác sang cho các thế hệ học sinh, cũng như những người thân trong gia đình và trong xã hội. Có thể việc này không thể thực hiện trong ngày một ngày hai, nhưng Bùi Thị Thủy tin rằng mình sẽ làm được để xứng đáng với tấm gương và cuộc đời của Bác.   




Chia sẻ với chúng tôi, cô gái trẻ mới về làm việc
tại Ban Tuyên giáo tỉnh ủy Lai Châu được hơn một năm - Thí sinh Mai Hương, sinh năm 1980 bộc bạch " Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta có thể học Bác từ những gì giản dị đời thường, từ việc tiết kiệm thời gian, công sức, cho đến việc không quan liêu, xa dân như trong câu chuyện mà em đã mang đến Hội thi. Riêng em, sẽ tiếp tục mang những câu chuyện về Bác đến với những bản làng xa xôi, hẻo lánh, để làm lan rộng hơn những phong trào, những tấm gương học tập và làm theo Bác."

Chắc chắn, không chỉ có những thí sinh dự thi từ các vòng sơ khảo cấp cơ sở, hay những thí sinh Chung khảo lần này, mà cả những khán giả ngồi chăm chú theo dõi tại Hội trường, và đúng hơn là toàn thể dân tộc Việt Nam, đều tâm nguyện trong lòng một ước muốn: Học Bác và làm theo Bác. 

Sẽ không khó nếu như có quyết tâm và tấm lòng hướng về vị cha già kính yêu của dân tộc.
 Bởi "Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn"./.



Hồng Minh

  






Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất