Chú Tám Ý luôn giữ vững phát huy truyền thống "bộ đội cụ Hồ", thực hiện theo lời Bác dạy, thương binh "tàn nhưng không phế", là gương sáng trong "Học tập làm theo tư tưởng, phong cách đạo đức Hồ Chí Minh" để mọi người noi theo...
Chiến tranh đi qua, thương binh Lê Văn Ý, xã Mỹ Phú, huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre bỏ lại chiến trường một phần máu xương.
Ở tuổi 78, hàng ngày, ông vẫn hăng say lao động nhằm kiếm tiền nuôi những con em nghèo vào đại học. Nhờ tấm lòng rộng mở của ông, 37 năm qua, hàng chục học sinh nghèo được ăn học thành tài.
Chúng tôi tới nhà thương binh Lê Văn Ý khi ông đang loay hoay tỉa cành cho những cây kiểng ngoài vườn. Dù thương tật (hơn 83%) nhưng ông luôn cố gắng làm ra sản phẩm hoa kiểng đẹp cho đời.
Trong chiến tranh, ông bị thương hai lần, lần đầu năm 1966, ông bị mất một cánh tay, một con mắt; lần thứ hai, năm 1972, ông bị mất một chân. Không trở về quê, ông vẫn ở lại đơn vị, sáng tác các tác phẩm văn nghệ phục vụ bộ đội cho đến ngày đất nước hoàn toàn thống nhất.
Chia sẻ về việc giúp đỡ học sinh đến trường, thương binh Lê Văn Ý cho rằng, giúp học sinh nghèo với ông như là việc phải làm của người lính đối với quê hương. Ông Ý cho biết "Khi tham gia cách mạng và trở về quê lập nghiệp, lúc nào, tôi cũng nhớ câu nói của Bác Hồ là phải diệt giặc ngoại xâm, giặc đói, giặc dốt".
Thời chiến tranh, do điều kiện khó khăn, ông chỉ được học đến lớp 2. Nay đất nước đã hòa bình, người dân muốn phát triển, chuyện học để có kiến thức để có trình độ là rất quan trọng. Chính vì thế, ông muốn dành một phần công sức nhỏ bé của mình để chăm lo cho sự nghiệp giáo dục.
Sau ngày giải phóng, đất nước còn khó khăn, nhiều gia đình không có điều kiện cho con em đi học. Chứng kiến cảnh các em phải bỏ học, ông Ý bỏ tiền túi hỗ trợ các em đến trường.
Lần đầu tiên vào năm 1978, ông thuyết phục cha mẹ của tám học sinh nghèo cho các em được tiếp tục đến trường. Ông sẽ bỏ tiền để mua sách vở, tập viết, thậm chí lo luôn gạo cho gia đình các em để các em được đến trường. Trong tám em học sinh được ông giúp đỡ đầu tiên, bốn em đỗ vào đại học, bốn em tốt nghiệp cấp 3.
Anh Nguyễn Văn Ẩn tâm sự: "Lúc trước, gia đình khó khăn, không có tiền đi học, ông Ý đã giúp đỡ. Đến khi học đại học, ông Ý tiếp tục hỗ trợ kinh phí. Tới lúc ra trường, có việc làm, tôi và gia đình mang tiền đến trả, ông không nhận và dặn dò phải nuôi các em ăn học. Tôi và các em học sinh được ông giúp đỡ mang ơn ông rất nhiều".
Để lo cho các em học sinh, có lúc ông đã phải mượn thêm tiền người thân. Nhiều năm qua, bao nhiêu tiền ông làm được và tiền thương binh lĩnh hàng tháng, ông đều dành lo cho các em học sinh nghèo. Ông Ý tâm sự: "Tôi mong muốn sống thêm được ngày nào, tháng nào là giúp học trò nghèo ngày đó, tháng đó. Mai sau, các cháu trưởng thành sẽ giúp những thế hệ tiếp theo".
Hiện nay, ông đang hỗ trợ cho 16 học sinh, trong đó có hai em đang học đại học. Trong số các em được hỗ trợ, giúp đỡ, người mà ông tự hào nhất đó là Nguyễn Văn Tài (giảng viên Trường Đại học Cần thơ) đang theo học tiến sỹ năm thứ nhất.
"Dù không phải lo kinh phí cho em Tài học tiến sỹ, nhưng với tôi, lo cho Tài học đến đại học là tiếp bước cho thành công của em sau này"- thương binh Lê Văn Ý chia sẻ.
Bên cạnh đó, ông Ý thường xuyên hỗ trợ các em học sinh trong xã, nhà nào có con em bỏ học ông đến động viên cho đi học trở lại.
Ông Nguyễn Văn Bảy, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Mỏ Cày Bắc cho biết: "Thương binh Lê Văn Ý (chú Tám Ý) đóng góp tích cực trong xây dựng hội cựu chiến binh địa phương. Đặc biệt, chú Tám Ý đi đầu trong phong trào hỗ trợ giáo dục trẻ em đến trường, luôn chăm lo cho các em học sinh nghèo của địa phương. Cùng với đó, chú Tám Ý luôn giữ vững phát huy truyền thống "Bộ đội cụ Hồ", thực hiện theo lời Bác dạy, thương binh "tàn nhưng không phế", là gương sáng trong "Học tập làm theo tư tưởng, phong cách đạo đức Hồ Chí Minh" để mọi người noi theo"./.
Huỳnh Phúc Hậu (TTXVN)