Thứ Sáu, 20/9/2024
Tuyên truyền
Thứ Hai, 1/2/2010 6:46'(GMT+7)

Nguồn sức mạnh của Đảng là ở sự đoàn kết thống nhất

1. Nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò quan trọng của một Đảng tiền phong, trong hành trình hoạt động cách mạng thực hiện khát vọng giải phóng dân tộc, Nguyến Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã bằng hoạt động lý luận và thực tiễn của mình, chuẩn bị và xúc tiến cho sự ra đời của chính đảng vô sản kiểu mới ở Việt Nam. Những hoạt động thiết thực, hiệu quả của Người trong những năm 1924-1927 ở Quảng Châu, Trung Quốc đã đem đến cho phong trào đấu tranh yêu nước của nhân dân ta một luồng sinh khí mới. Sự truyền bá những nguyên lý của học thuyết Mác- Lênin, của thời đại mới vào trong nước; những nội dung tư tưởng của Đường Kách mệnh; một tổ chức chính trị quá độ, tiền thân - Hội Việt Nam cách mạng thanh niên; một tờ báo là khởi nguồn của báo chí cách mạng Việt Nam - báo Thanh Niên; những lớp Huấn luyện chính trị - rèn luyện đạo đức và nhân sinh quan cộng sản; sự trưởng thành vượt bậc của phong trào yêu nước; sự phát triển từ tự phát đến tự giác của phong trào công nhân Việt Nam, v.v, là những tiền đề thuận lợi dẫn đến sự ra đời của ba tổ chức cộng sản ở Việt Nam.

Tuy nhiên, việc xuất hiện ba tổ chức cộng sản (Đông Dương Cộng sản Đảng 6/1029, An Nam Cộng sản Đảng 10/1929, Đông Dương Cộng sản liên đoàn 9/1929), cùng với việc tranh giành ảnh hưởng lẫn nhau, đã đưa đến nguy cơ phân liệt về tư tưởng và tổ chức của những người cộng sản Việt Nam. Sự phân liệt đó đe dọa bước tiến của phong trào cách mạng, làm rạn nứt khối đoàn kết của những người Việt Nam yêu nước. Và khi đó, một Hồ Chí Minh đầy bản lĩnh, nhạy bén và quyết đoán đã kịp thời hành động. Mau lẹ và kiên quyết, Người gấp rút đi Hồng Kông, gửi thư về nước mời đại diện các tổ chức cộng sản trong nước sang Hồng Kông bàn việc hợp nhất. Trên tinh thần: “Bỏ mọi thành kiến xung đột cũ, thành thật hợp tác để thống nhất các nhóm cộng sản Đông Dương”[1], Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản Việt Nam họp tại Cửu Long, Hương Cảng từ ngày 6/1/1930 đến ngày 7/2/1930, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam đã thành công.

Nhìn lại bối cảnh lịch sử thời kỳ đó, mới thấy thấm thía hơn ý nghĩa của bài học đầu tiên về sự đoàn kết, thống nhất. Đó là, dù cùng tôn chỉ, mục đích, song chỉ có đoàn kết lại, thống nhất lại, Đảng Cộng sản Việt Nam - Đảng cách mạng tiền phong mới đủ sức mạnh lãnh đạo nhân dân làm nên thắng lợi của sự nghiệp cách mạng. Tiếp đó, cùng với những thành công và tổn hại của cuộc tổng diễn tập lần thứ nhất (1930-1931); cuộc đấu tranh chống khủng bố, khôi phục các tổ chức cơ sở Đảng và hai cuộc tổng diễn tập tiếp theo (1936-1939, 1939-1945) làm nên thành công của cuộc cách mạng tháng Tám 1945 dưới sự lãnh đạo của Đảng, bài học đoàn kết và đoàn kết trở thành một trong những nhân tố quan trọng bảo đảm thắng lợi của sự nghiệp cách mạng càng trở nên sâu sắc biết nhường nào.

Từ bài học về đoàn kết và thống nhất trong những ngày thành lập Đảng, Đảng cộng sản Việt Nam đã coi sự đoàn kết thống nhất là sinh mệnh của Đảng, là vấn đề sống còn của sự nghiệp cách mạng. Trên mỗi chặng đường cách mạng sau đó, thấm nhuần những nguyên lý Mác xít Lêninnít, trên tinh thần tuyệt đối không thoả hiệp với những xu hướng bè phái; coi sự chia rẽ trong nội bộ Đảng là tội ác lớn nhất đối với Đảng, Đảng ta - Đảng của giai cấp công nhân và dân tộc Việt Nam như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói đã xây dựng sự đoàn kết, nhất trí trong Đảng trên cơ sở cùng chung một mục đích, cùng chung một lý tưởng: Phụng sự Tổ quốc, Phụng sự nhân dân. Trong mọi thời điểm cách mạng, dù còn hoạt động bí mật hay khi đã trở thành Đảng cầm quyền, lời căn dặn của Ph.ĂngGhen: “Ở đâu không có lợi ích chung thì ở đó không thể có sự thống nhất về mục đích và càng không thể có sự thống nhất về hành động được”[2] đã luôn được những người cộng sản Việt Nam thấm nhuần và thực hiện.

Dù phải trải qua nhiều cam go, thử thách, song trong tiến trình lãnh đạo nhân dân đấu tranh cách mạng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH, từ đấu tranh giành chính quyền, tiến hành thắng lợi hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, xây dựng và thống nhất nước nhà; đặc biệt là trong thời kỳ đổi mới, Đảng Cộng sản Việt Nam do Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện đã luôn quán triệt đầy đủ các nguyên tắc về xây dựng và củng cố khối đoàn kết thống nhất trong Đảng theo nguyên tắc xây dựng Đảng kiểu mới. Đó là, trong Đảng:

Đoàn kết thống nhất được xây dựng trên cơ sở của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối chính sách của Đảng.

Đoàn kết thống nhất dựa trên cở sở tuân thủ nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách.

Đoàn kết thống nhất trên cơ sở bồi dưỡng đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ đảng viên: cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư.

Đoàn kết thống nhất thông qua việc thường xuyên thực hiện tự phê bình và phê bình, trên cơ sở có “tình thương yêu đồng chí lẫn nhau”.

Đoàn kết thống nhất trên cơ sở của việc tăng cường mối liên hệ mật thiết giữa Đảng và Nhân dân.

Đoàn kết thống nhất gắn liền với việc xây dựng và bảo vệ hạt nhân lãnh đạo trung tâm, với tinh thần đoàn kết thống nhất trong Đảng là cơ sở của khối đại đoàn kết toàn dân.

Được xây dựng và hoạt động theo những nguyên tắc này, Đảng ta đã ngày một trưởng thành và phát triển, luôn trong sạch và vững mạnh. 80 năm trôi qua, thấm nhuần giá trị của bài học đoàn kết, thống nhất trong ý chí và trong hành động, mọi cán bộ đảng viên của Đảng luôn chấp hành các nguyên tắc về xây dựng Đảng và đoàn kết, thống nhất. Đó là, “Dưới sự lãnh đạo của Trung ương, dưới nguyên tắc và chính sách của Đảng, toàn thể đảng viên và cán bộ từ Nam đến Bắc, bất kỳ mới, cũ, bất kỳ ngành nào, bất kỳ trong quân đội hay là ở địa phương, bất kỳ ở nông thôn hay là ở thành thị, phải đoàn kết chặt chẽ, nâng cao trình độ giác ngộ chính trị của mình; phải thống nhất tư tưởng, thống nhất hành động, quyết tâm làm tròn nhiệm vụ”[3], để “Đảng ta tuy nhiều người, nhưng khi tiến đánh thì chỉ như một người”[4]. Đó cũng là những điều kiện để không biến Đảng thành câu lạc bộ, không để Đảng trở thành một tổ chức của những người “làm quan phát tài”, và nhất quyết không để nguồn sức mạnh nội lực của Đảng giảm sút khi Đảng “quan liêu theo kiểu chuyên quyền độc đoán”.

2. Đoàn kết không chỉ là truyền thống quý báu của nhân dân ta trong hàng ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, đoàn kết còn là một truyền thống quý báu của Đảng. Thấu hiểu sâu sắc rằng, cơ sở để xây dựng đoàn kết trong Đảng chính là đường lối, quan điểm và Điều lệ của Đảng, trong những năm lãnh đạo nhân dân đấu tranh giành chính quyền, Đảng ta đã không ngừng thực hiện sự đoàn kết thống nhất trong ý chí, quan điểm và hành động. Không phải ngẫu nhiên, tháng 11/1939, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá I lại nhấn mạnh vấn đề đoàn kết của các cấp uỷ Đảng và khẳng định rằng, các cấp uỷ phải “tiêu biểu được ý chí thống nhất của Đảng”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: Đoàn kết là vấn đề then chốt, đoàn kết thì sống, chia rẽ thì chết, vì thế có thực hiện được đoàn kết và thống nhất, nguồn sức mạnh của Đảng mới được củng cố và phát huy. Là lực lượng lãnh đạo, là linh hồn của khối đại đoàn kết toàn dân, và nhờ sức mạnh của tinh thần đoàn kết thống nhất, chỉ sau 15 năm xây dựng và phát triển (1930-1945), với lý luận và phương pháp cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lênin, “Đảng ta không những đã giành được quyền lãnh đạo cách mạng trong cả nước, mà còn giữ vững được quyền lãnh đạo đó trên mọi lĩnh vực”[5].

Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề này, trước những khó khăn, thách thức khôn lường của thực tiễn, Hồ Chí Minh khẳng định và yêu cầu: “Sức mạnh của Đảng là ở sự đoàn kết nhất trí. Mỗi cán bộ đảng viên phải nâng cao ý thức tổ chức và kỷ luật, nghiêm chỉnh chấp hành đường lối và chính sách của Đảng, tôn trọng nguyên tắc và sinh hoạt của Đảng”[6]. Người cũng nói, khi đã trở thành Đảng cầm quyền, trong Đảng càng cần phải đoàn kết, bởi rằng: “Đoàn kết là sức mạnh của Đảng. Đoàn kết chặt chẽ và kỷ luật nghiêm khắc, hai điều đó không thể rời nhau. Kỷ luật nghiêm, để đảm bảo tư tưởng nhất trí và hành động thống nhất của toàn Đảng, toàn dân. Chủ trương của Đảng ta là: Trong nội bộ thì mở rộng dân chủ, tự phê bình và phê bình. Nguyên tắc tổ chức thì cực kỳ nghiêm, tức là ở bất kỳ hoàn cảnh nào, mọi đảng viên và cán bộ cũng phải thật thà và triệt để chấp hành chính sách và nghị quyết của Đảng, phải làm đúng chế độ gửi báo cáo và xin chỉ thị”[7].

Chỉ ra trách nhiệm của các cấp uỷ Đảng từ Trung ương xuống đến cơ sở, Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Để giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, “cần đấu tranh không khoan nhượng chống chủ nghĩa cá nhân, tư tưởng cục bộ, bản vị, địa phương chủ nghĩa, chống chủ nghĩa cơ hội và mọi biểu hiện bè phái trong Đảng”[8]. Đồng thời Người cũng chỉ rõ: “Muốn đoàn kết chặt chẽ trong Đảng, ắt phải thống nhất tư tưởng, mở rộng dân chủ nội bộ, mở rộng tự phê bình và phê bình”[9], vì “phê bình, tự phê bình để cùng nhau tiến bộ, để đi đến càng đoàn kết. Đoàn kết, phê bình, tự phê bình thật thà để đi đến đoàn kết hơn nữa”[10].

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: Mỗi chi bộ của đảng phải thực sự là một hạt nhân lãnh đạo quần chúng, đoàn kết chặt chẽ, liên hệ mật thiết với quần chúng và để làm được điều đó, “cần thực hiện đầy đủ dân chủ trong sinh hoạt Đảng, đẩy mạnh tự phê bình và phê bình một cách trung thực, thẳng thắn với tình đồng chí, tôn trọng, thương yêu nhau”[11]. Người cũng nhấn mạnh vấn đề này trong Di chúc dặn lại cho Đảng, cho muôn đời các thế hệ con cháu mai sau: “Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”[12], đồng thời mong muốn “trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình”. Theo Người, đó không chỉ là những nhiệm vụ trọng yếu, là yêu cầu bức thiết của một Đảng cầm quyền trước mỗi bước chuyển của cách mạng, mà còn là cách tốt nhất để “củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng”, để Đảng trong sạch, khoẻ mạnh, để “dù công việc to lớn mấy, khó khăn mấy chúng ta cũng nhất định thắng lợi”.

3. Xuyên suốt lịch sử xây dựng và trưởng thành của Đảng, mỗi cán bộ đảng viên đều nhận thức sâu sắc rằng: Đoàn kết không phải chỉ là nhiệm vụ chiến lược của Đảng, không phải chỉ thực hiện trong Đảng, mà đoàn kết còn là đòi hỏi khách quan của toàn thể dân tộc trong cuộc đấu tranh để giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng nhân loại. Là người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, đồng thời cũng là trung tâm đoàn kết của Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bằng tâm trong sáng, đạo đức cách mạng sáng ngời để quy tụ và tạo nên nguồn sức mạnh đoàn kết toàn Đảng, trước hết là đoàn kết trong Ban chấp hành Trung ương và trong Bộ chính trị. Người đồng thời cũng trở thành linh hồn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Sức mạnh của Người hấp dẫn mọi người xung quanh và sức mạnh đó toả ra từ phẩm cách cao quý, từ lòng nhân ái, bao dung và phong cách một vị lãnh tụ giản dị, gần dân, vì dân. Hồ Chí Minh – người con trung thành của Đảng, người đầy tớ tận tuỵ của nhân dân từng chỉ rõ: để thực hiện được sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, để làm nên nguồn sức mạnh nội lực của Đảng, nhất định “cán bộ, đảng viên phải đoàn kết chặt chẽ, bảo đảm dân chủ và kỷ luật trong Đảng”. Bởi rằng, chỉ có đoàn kết thương yêu nhau, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ trong Đảng, Đảng Cộng sản Việt Nam đúng là một Đảng “vừa là đạo đức, vừa là văn minh”, “tiêu biểu cho trí tuệ, danh dự, lương tâm của dân tộc và thời đại”.

Đề cập vấn đề giữ gìn và củng cố sự đoàn kết thống nhất trong Đảng trong giai đoạn lịch sử mới, thực hiện những lời căn dặn đầy tâm huyết của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Di chúc, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ X nhấn mạnh: “Xây dựng Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đoàn kết nhất trí cao, gắn bó mật thiết với nhân dân …Đây là nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa sống còn đối với Đảng và sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta”[13].

Sau hơn 20 năm đổi mới, bài học kinh nghiệm về giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng càng cho thấy việc phải tăng cường sự thống nhất về chính trị, tư tưởng và tổ chức; phải kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên; đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực trong Đảng, làm trong sạch đội ngũ của Đảng. Đặc biệt, khi nguy cơ suy thoái của Đảng cầm quyền trở nên nghiêm trọng, khi tham ô, lãng phí, quan liêu và tham nhũng đang trở thành vấn nạn, thì việc học tập và làm theo những lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đoàn kết trong Đảng càng trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. Vì vậy, càng nhiều cam go, thử thách, toàn Đảng càng phải đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; phải đổi mới công tác lựa chọn và sử dụng cán bộ; công tác kiểm tra, giám sát và bảo vệ chính trị nội bộ để Đảng ngày càng lớn mạnh về số lượng và chất lượng, vững vàng về trí tuệ và bản lĩnh.

Luôn luôn thấm nhuần và hết lòng, hết sức giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, coi đó là nhiệm vụ sống còn của Đảng, sự tồn vong của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, càng khó khăn thử thách, sức mạnh nội lực được củng cố và phát huy trên cơ sở đoàn kết và thống nhất của Đảng càng trở thành một nhân tố đặc biệt quan trọng. Vì vậy, dù Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa hơn 40 năm, và tròn 80 mùa xuân kể từ ngày thành lập Đảng, song điều Người từng nói: “Ngày nay, sự đoàn kết trong Đảng là quan trọng hơn bao giờ hết, nhất là sự đoàn kết chặt chẽ giữa các cán bộ lãnh đạo”[14], cùng những việc Người đã làm để góp phần xây dựng sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng vẫn sẽ là những chỉ dẫn, những bài học kinh nghiệm vô giá, chỉ dẫn và soi đường đưa sự nghiệp đổi mới của nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đi đến thắng lợi hoàn toàn./.


TS. Văn Thị Thanh Mai  (Bảo tàng Hồ Chí Minh )


[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 1996, t.3, tr. 561

[2] C.Mác- Ph. Ăngghen, Tuyển tập, tập 2, Nxb Sự thật, Hà Nội 1981, tr. 250

[3] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.7, tr. .492

[4] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.5, tr. 553

[5] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.10, tr. 17

[6] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.9, tr. 582

[7] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.7, tr. 335

[8] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Nxb Sự thật, H, 1991, tr131

[9] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.7, tr. 492

[10] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.8, tr. 387

[11] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Nxb Sự thật, H, 1991, tr131

[12] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.12, tr.506

[13] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb CTQG, H, 2006, tr 130

[14] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.7, tr.492

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất