Ngày 29/5, tại buổi cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh cho các cơ
quan báo chí khu vực phía Nam được tổ chức ở Thành phố Hồ Chí Minh, Phó
Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Trương Đình Bắc nhận định dịch
bệnh vẫn có thể diễn biến phức tạp, khó lường trong những tháng mùa Hè.
Vì vậy, nếu không triển khai tốt các biện pháp phòng chống, nguy cơ dịch
sẽ bùng phát là rất lớn.
Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng, từ đầu năm 2014 đến nay, cả nước
ghi nhận 4.857 trường hợp mắc sởi xác định trong số 24.648 trường hợp
sốt phát ban nghi sởi tại 63 tỉnh, thành phố. Hầu hết các trường hợp mắc
sởi là trẻ em dưới 10 tuổi.
Tính đến ngày 27/5, tỷ lệ tiêm vét vắcxin sởi cho trẻ từ 9 tháng đến 2
tuổi trên toàn quốc đạt 96,1%, trong đó, 49 tỉnh, thành phố đạt từ 95%
trở lên, 12 tỉnh, thành phố đạt từ 90-95%. Hai tỉnh, thành phố có tỷ lệ
tiêm vét vắcxin sởi thấp nhất cả nước là Cao Bằng và Tây Ninh.
Bên cạnh đó, trong tháng Năm, 9/11 tỉnh, thành phố nguy cơ cao đã triển
khai tiêm bổ sung vắcxin sởi cho trẻ từ 2-10 tuổi. Riêng Hà Nội đã kết
thúc chiến dịch này với tỷ lệ tiêm chủng đạt 97,9%.
Bộ Y tế khuyến cáo, mặc dù hiện nay số trường hợp mắc sởi xác định tại
các địa phương đã chững lại và bắt đầu giảm, nhưng các địa phương vẫn
cần theo dõi giám sát chặt chẽ, bởi còn những trẻ em chưa được tiêm đủ 2
mũi vắcxin sởi, đặc biệt là trẻ ở vùng sâu, vùng xa.
Trong tháng Tám năm nay, Bộ Y tế sẽ tiến hành chiến dịch tiêm vắcxin sởi và rubella cho trẻ từ 1-14 tuổi.
Ngoài ra, các địa phương vẫn phải theo dõi chặt chẽ không để bùng phát
thành dịch một số bệnh như tay chân miệng, sốt xuất huyết; không để dịch
bệnh xâm nhập vào Việt Nam nhất là bệnh viêm đường hô hấp cấp tính khu
vực Trung Đông (Mers-CoV), cúm A, virus bại liệt hoang dại...
Riêng Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành khu vực phía Nam, tình
hình dịch bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết đang có diễn biến phức
tạp. Tính từ đầu năm 2014 đến nay, cả nước ghi nhận 24.730 trường hợp
mắc bệnh tay chân miệng tại 62 tỉnh, thành phố, trong đó có 2 trường hợp
tử vong tại tỉnh Long An và Bà Rịa-Vũng Tàu. Một số tỉnh ở khu vực miền
Nam chiếm 78,5% các trường hợp mắc trong cả nước. Các típ virus ở phía
Nam chủ yếu là EV71 (chiếm 59,2%).
Do bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắcxin dự phòng nên trước
mắt, các biện pháp dự phòng như rửa tay thường xuyên, giữ gìn vệ sinh cá
nhân, ăn uống.... được xem là hữu hiệu nhất.
Bên cạnh đó, các tỉnh, thành phố khu vực này cũng đang bước vào mùa mưa,
vì vậy Bộ Y tế lưu ý người dân phải giữ gìn môi trường sạch sẽ, tránh
bùng phát dịch sốt xuất huyết.
Để chủ động đối phó và sẵn sàng tiếp nhận, điều trị cho người bệnh, Bộ Y
tế đã xây dựng kế hoạch tăng cường công tác điều trị phòng, chống bệnh
sởi, tay chân miệng, sốt xuất huyết và một số bệnh dịch mới nổi năm
2014, với mục tiêu hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp tử vong,
giảm mắc, biến chứng và quá tải ở các bệnh viện tuyến cuối.
Lực lượng y tế tập trung vào việc rà soát, chuẩn bị sẵn sàng về sơ sở
vật chất, thuốc, vật tư trang thiết bị, nhân lực đáp ứng công tác điều
trị; kiểm soát lây nhiễm tại các cơ sở khám, chữa bệnh đồng thời cập
nhập, chuẩn hóa các hướng dẫn và điều trị bệnh sởi, tay chân miệng, sốt
xuất huyết, cúm A, Mers-CoV và một số bệnh dịch nguy hiểm mới nổi
khác...
Bộ Y tế cũng giao một số bệnh viện tuyến trên nhiệm vụ đào tạo, tập
huấn, hỗ trợ kỹ thuật cho các tỉnh về phòng chống bệnh sởi, tay chân
miệng và sốt xuất huyết./.
Hứa Chung (TTXVN)