Thứ Hai, 30/9/2024
Thế giới
Thứ Bảy, 25/10/2014 15:26'(GMT+7)

Nguy cơ hiện hữu của chủ nghĩa khủng bố

Cảnh sát Ca-na-đa nhanh chóng triển khai lực lượng trấn áp kẻ nã súng hôm 22/10. (Ảnh: AP)

Cảnh sát Ca-na-đa nhanh chóng triển khai lực lượng trấn áp kẻ nã súng hôm 22/10. (Ảnh: AP)

Xả súng như phim hành động

Giới chức Ca-na-đa ngày 23/10 đã công bố video giám sát ghi lại thời điểm trước khi tay súng Mai-cơn Di-háp Bai-bi-au (Michael Zehaf-Bibeau) xông vào quốc hội Ca-na-đa và bị bắn chết.  Băng hình do cảnh sát Ca-na-đa công bố cho thấy, Mai-cơn Di-háp Bai-bi-au cướp xe và xông vào tòa trung tâm của nhà quốc hội ở Ốt-ta-oa, sau khi nã đạn làm một binh sĩ thiệt mạng ở khu vực gần đó.

Theo điều tra của cảnh sát, Bai-bi-au đến Ốt-ta-oa ngày 2/10, để giải quyết vấn đề liên quan đến việc xin cấp hộ chiếu. Ngày 21/10, y mua chiếc xe hơi màu be (được sử dụng trong vụ tấn công). Hôm sau, vào khoảng 9 giờ 50 phút (giờ địa phương), Bai-bi-au tiếp cận Đài tưởng niệm Chiến tranh ở trung tâm thành phố từ phía sau, bất ngờ nã súng hai lần vào binh sĩ Xi-ri-lô (Cirillo) và một lính gác khác. Xi-ri-lô thiệt mạng, còn cú bắn vào người thứ hai bị trượt. Bai-bi-au hét lên câu gì đó bằng tiếng Anh, sau đó y lái xe về phía Bắc đến đường Wellington, hướng đến khu nhà quốc hội. Y dừng xe ngay trước tòa nhà phía Đông của khu phức hợp này, vừa bước xuống vừa khua khẩu súng trường khiến người đi đường hoảng sợ bỏ chạy.

Băng hình cho thấy y đã cướp xe của một bộ trưởng, sau đó phóng về tòa trung tâm và bị cảnh sát đuổi theo. Tại đây, y bỏ chiếc xe lại và chạy vào bên trong tòa nhà, đấu súng với lực lượng an ninh và cảnh sát. Thời gian từ lúc Bai-bi-au đỗ xe và xông vào tòa nhà trung tâm chỉ là 1 phút 23 giây.

Giới chức Ca-na-đa cho biết, Bai-bi-au lớn lên ở Quê-bếch, từng có tiền án về tội cướp của và ma túy. Trang tin CBC dẫn lời Đ.Ba-thớt (Dave Bathurst), một người bạn thân của nghi can cho biết, 3 năm trước anh gặp Bai-bi-au trong một ngôi đền và từ đó đến nay không hề thấy người bạn này có biểu hiện cực đoan hay hành động có khuynh hướng bạo lực. Lần cuối cùng Ba-thớt gặp Bai-bi-au là cách đây 6 tuần, khi cả hai đang cầu nguyện trong một ngôi đền ở khu vực Van-cu-vơ. Khi đó, Bai-bi-au cho biết, muốn đi ngay đến Trung Đông để học về đạo Hồi và nghiên cứu tiếng A-rập.

Hãng tin AFP cho biết, Bai-bi-au đã bị cơ quan xuất nhập cảnh Ca-na-đa tịch thu hộ chiếu nhằm ngăn chặn y ra nước ngoài gia nhập các tổ chức khủng bố. Trong một tuyên bố đưa ra ngày 23/10, Ủy viên lực lượng Cảnh sát Hoàng gia Ca-na-đa (RCMP) Bốp Pau-xơn (Bob Paulson) thông báo, điều tra bước đầu cho thấy, thủ phạm Di-háp Bai-bi-au đã hành động một mình, bởi vẫn chưa xác định "liệu tên này có nhận được sự hỗ trợ nào trong việc lên kế hoạch tấn công hay không". Bai-bi-au cũng không nằm trong danh sách nguy hiểm như các báo cáo trước đó. Tuy nhiên, y đã cải sang đạo Hồi và có mối liên hệ với các phần tử cực đoan. Gần đây, y nộp đơn xin cấp hộ chiếu và dự định sang Xy-ri. Tuy nhiên, thủ tục này đã bị hoãn và có thể đây là động cơ dẫn đến vụ tấn công của y.

Ba ngày, hai vụ tấn công

Vụ tấn công này diễn ra chỉ hai ngày sau một vụ tấn công khác, trong đó, một kẻ cải đạo sang Hồi giáo, 25 tuổi, tên là M.Ru-liu (Martin Couture-Rouleau), đã dùng xe hơi cán chết một quân nhân và làm bị thương một người khác trước khi bị cảnh sát bắn chết. Ru-liu bị cáo buộc là người ủng hộ tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tại I-rắc và Xy-ri.  Ngày 21/10, cảnh sát Ca-na-đa cho biết, Ru-liu đã bị tịch thu hộ chiếu và y là một trong 90 người bị Cơ quan an ninh Quốc gia để mắt khi cố sang Xy-ri.

Vụ tấn công của Bai-bi-au đã gây chấn động tại Ca-na-đa, vốn chưa hết bàng hoàng sau vụ tấn công của Ru-liu. Không giống như Mỹ, Ca-na-đa ít xảy ra tình trạng bạo lực và là một trong những nước an toàn nhất. Các vụ tấn công nói trên đều xảy ra sau khi Ca-na-đa triển khai máy bay tiêm kích tham gia các cuộc không kích do Mỹ đứng đầu nhằm vào lực lượng IS tại I-rắc. Dù các quan chức Ca-na-đa khẳng định, hai vụ tấn công không có mối liên hệ gì với nhau nhưng người ta cho rằng chúng có một điểm chung, đó là những nghi phạm đều có liên quan đến yếu tố Hồi giáo cực đoan.

Theo một tài liệu mà Global News có được, từ tuần trước, mức độ cảnh báo đe dọa khủng bố ở Ca-na-đa đã được nâng từ mức thấp lên mức trung bình, lần đầu tiên kể từ ngày 13/8/2010. Tài liệu này có đoạn: “Tình báo cho thấy một cá nhân hoặc nhóm nào đó bên trong Ca-na-đa hoặc ở nước ngoài có ý định và thực hiện một hành vi khủng bố. ITAC (Trung tâm Đánh giá khủng bố Tích hợp) cho rằng, có khả năng xảy ra hành vi khủng bố bạo lực”. Tài liệu này cũng cảnh báo là “những phần tử cực đoan tự biên, tự diễn” lấy cảm hứng từ IS, nhiều khả năng sẽ tấn công Ca-na-đa thông qua “các tiểu tổ hoặc cá nhân tiến hành các cuộc tấn công đơn giản, quy mô nhỏ”. Giới chức tin rằng, khoảng 130 người Ca-na-đa hiện đang ở nước ngoài ủng hộ các lực lượng khủng bố. Trong số này có hơn 30 người ở I-rắc và Xy-ri. Tài liệu cũng cho biết, người ta tin rằng, ít nhất 80 người Ca-na-đa sẽ trở về quê hương sau khi đã đến các khu vực xung đột.

Việc xảy ra hai vụ tấn công khủng bố trong ba ngày qua ở Ca-na-đa cho thấy, nguy cơ ngày càng hiện hữu của chủ nghĩa khủng bố tại bất kỳ nơi nào trên thế giới, cũng như những thách thức đặt ra đối với liên minh quốc tế do Mỹ dẫn đầu trong cuộc chiến chống lực lượng IS đang nổi lên tại I-rắc và Xy-ri./.

Ngọc Hà (QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất