Thứ Tư, 9/10/2024
Thế giới
Chủ Nhật, 12/6/2016 20:30'(GMT+7)

Nguy cơ kích động bạo loạn ở Vê-nê-du-ê-la

Cảnh sát chống bạo động ngăn những người biểu tình quá khích ở thủ đô Ca-ra-cát. (Ảnh:Reuters)

Cảnh sát chống bạo động ngăn những người biểu tình quá khích ở thủ đô Ca-ra-cát. (Ảnh:Reuters)

Tình hình chính trị tại Vê-nê-du-ê-la vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khi phe đối lập tiếp tục gây sức ép yêu cầu tiến hành trưng cầu dân ý nhằm bãi nhiệm Tổng thống N.Ma-đu-rô. Theo Reuters, hàng trăm sinh viên một trường đại học hàng đầu Vê-nê-du-ê-la đã xuống đường ở Ca-ra-cát ngày 10/6; đụng độ bằng gạch đá, bom xăng đã xảy ra khi cảnh sát chống bạo động xuất hiện ngăn chặn họ. Trước đó, một nhóm người biểu tình do các nghị sĩ phe đối lập dẫn đầu đã bất chấp hàng rào của cảnh sát và binh lính, tìm cách xông vào trụ sở của Hội đồng Bầu cử quốc gia (CNE). Cảnh sát đã phải sử dụng hơi cay để giải tán đám đông gây sức ép yêu cầu CNE nhanh chóng đưa ra thời hạn tiến hành trưng cầu dân ý nhằm bãi nhiệm Tổng thống Ma-đu-rô. Đây là lần thứ tư trong những ngày gần đây cảnh sát Vê-nê-du-ê-la phải thực hiện các biện pháp trấn áp người biểu tình tìm cách xông vào trụ sở CNE. Do căng thẳng gia tăng, người ta lo ngại rằng bạo lực có thể tái diễn như hồi năm 2014, khi phe đối lập Vê-nê-du-ê-la cũng đã kích động bạo loạn ở nước này trong nhiều tháng khiến 43 người chết và hàng trăm người bị thương. 

Phát biểu trong một buổi lễ, Tổng thống Ma-đu-rô tố cáo phe đối lập đã cố tình âm mưu gây bạo loạn tại thủ đô Ca-ra-cát nhằm tạo cớ cho một cuộc tấn công quân sự của nước ngoài. “Những vụ bạo loạn ở Vê-nê-du-ê-la đang được thiết lập nhằm mở đường cho một cuộc xâm lược của nước ngoài. Có một trục ma quỷ đang vận động hành lang, tài trợ tài chính cho âm mưu gây bạo loạn tại Vê-nê-du-ê-la”, ông Ma-đu-rô nói. Tuy nhiên, ông Ma-đu-rô khẳng định, Vê-nê-du-ê-la vẫn sẽ bảo đảm an ninh và hòa bình, đồng thời nhấn mạnh sẽ bắt giam những kẻ cầm đầu kích động gây bất ổn tình hình an ninh chính trị đất nước.

Những tuyên bố của ông Ma-đu-rô đưa ra trong bối cảnh liên tiếp các cuộc biểu tình do phe đối lập tổ chức nổ ra nhằm gây sức ép yêu cầu tiến hành trưng cầu dân ý bãi nhiệm tổng thống. Ông H.Bo-ghét (Julio Borges), một chính trị gia của phe đối lập nói: “Chúng tôi yêu cầu có một cuộc trưng cầu dân ý về việc bãi nhiệm ông Ma-đu-rô. Việc trưng cầu dân ý về bãi nhiệm tổng thống được quy định trong điều 72 của Hiến pháp. Trưng cầu dân ý có nghĩa là hòa bình”. Liên minh Bàn Đoàn kết Dân chủ (MUD) đối lập ở Vê-nê-du-ê-la cũng tuyên bố CNE đã công nhận tính hợp lệ của hơn 1 triệu chữ ký, trong bức thỉnh nguyện thư yêu cầu mở cuộc trưng cầu dân ý về sự tín nhiệm đối với Tổng thống Ma-đu-rô.

Theo quy định, sau khi cơ quan bầu cử quốc gia chấp nhận thỉnh nguyện thư đầu tiên, ít nhất 200.000 người ký tên sẽ phải trực tiếp xác nhận quyết định của mình và phải chứng minh nhân dạng bằng cách quét dấu vân tay. Phe đối lập sau đó trong vòng 3 ngày phải thu thập được 4 triệu chữ ký trong bức thỉnh nguyện thư thứ 2 mới có thể mở đường cho một cuộc trưng cầu dân ý.

Dự kiến, MUD và CNE sẽ có buổi họp về lộ trình chứng thực ít nhất 200.000 chữ ký đòi tổ chức trưng cầu dân ý. Phe đối lập khẳng định cuộc trưng cầu dân ý bỏ phiếu tín nhiệm Tổng thống Ma-đu-rô là phương thức duy nhất để giải quyết khủng hoảng chính trị ở nước này và họ sẽ chỉ đàm phán nếu chính phủ đồng ý bỏ phiếu tín nhiệm người đứng đầu nhà nước. Hiện tại, CNE có nhiệm vụ kiểm chứng 200.000 trong tổng số 1,8 triệu chữ ký yêu cầu tiến hành trưng cầu dâný do MUD thu thập để có thể tiếp tục tiến hành các thủ tục tiếp theo nhằm phế truất ông Ma-đu-rô.

Chính phủ Vê-nê-du-ê-la cáo buộc phe đối lập có hành vi gian lận trong quá trình này khi cho rằng nhiều chữ ký trong bức thỉnh nguyện thư yêu cầu mở một cuộc trưng cầu dân ý về sự tín nhiệm đối với Tổng thống là của những người đã qua đời. Tuy nhiên, phe đối lập khẳng định các chữ ký yêu cầu trưng cầu dân ý là hợp lệ. Hôm 10-6, CNE thông báo 1,3 triệu người đã ký vào kiến nghị trưng cầu dân ý về việc bãi nhiệm Tổng thống Ma-đu-rô cần đến các phòng bầu cử khu vực để xác nhận danh tính của họ. Cử tri sẽ có 5 ngày kể từ ngày 20-6 để chữ ký của họ được kiểm tra.

Theo quy định của Hiến pháp Vê-nê-du-ê-la, nếu cuộc trưng cầu dân ý diễn ra trong năm nay, khi Tổng thống đương nhiệm chưa đủ 4 năm cầm quyền thì sẽ phải tổ chức tổng tuyển cử sớm. Trong trường hợp cuộc trưng cầu dân ý tổ chức vào năm tới mà ông Ma-đu-rô không đủ tín nhiệm của cử tri thì Phó tổng thống sẽ lên thay thế.

Những bất ổn tại Vê-nê-du-ê-la cũng đang khiến tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Ma-đu-rô sụt giảm nghiêm trọng. Kết quả thăm dò dư luận cho thấy, có đến 70% người dân Vê-nê-du-ê-la muốn ông Ma-đu-rô từ chức trong năm 2016. Theo nhiều nhà phân tích nhận định, tình hình tại Vê-nê-du-ê-la sẽ có nhiều diễn biến khó lường trong thời gian tới nếu phe đối lập hội đủ điều kiện để yêu cầu tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý./.

Ngọc Hà (QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất