Thứ Sáu, 22/11/2024
Vấn đề quan tâm
Thứ Năm, 20/9/2018 9:12'(GMT+7)

Chặng đường hữu nghị Việt - Nhật 45 năm: Mưa nắng cùng thuyền

Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân cùng Nhà vua Nhật Bản Akihito và Hoàng hậu dự Lễ kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Nhật

Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân cùng Nhà vua Nhật Bản Akihito và Hoàng hậu dự Lễ kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Nhật

Tự nhiên, có nghĩa là sự gắn bó với nhau không chỉ vì lợi ích, mà một phần rất quan trọng lại bắt nguồn từ sự tương đồng về văn hóa, truyền thống, chuẩn mực đạo đức, đặc điểm tâm lý, cảm xúc, quan niệm về giá trị… Nhà yêu nước Phan Bội Châu cũng đã từng đúc kết mối tương đồng giữa Việt Nam và Nhật Bản trong 6 chữ “đồng văn, đồng chủng, đồng châu”. 

Nhân dịp 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức giữa hai nước Việt Nam - Nhật Bản, tôi muốn chia sẻ trong bài viết này những trải nghiệm thực tế và suy nghĩ của mình đối với con người Nhật và tình hữu nghị giữa hai đất nước. Năm 2018 này đối với tôi cũng rất đáng nhớ. Đó là, đúng 30 năm trước (1988), tôi lần đầu tiên đặt chân lên mảnh đất của xứ hoa anh đào để làm nghiên cứu sinh. Đây là sự kiện có tính bước ngoặt trong sự nghiệp giảng dạy và nghiên cứu của tôi.

SỰ TƯƠNG ĐỒNG VỀ VĂN HÓA - “ĐỒNG VĂN”GIỮA CON NGƯỜI VÀ VĂN HÓA

 Một trong bài học đầu tiên về văn hóa Nhật Bản là câu nói của một giáo sư của Trường Ngoại ngữ Osaka, rằng đất nước chúng tôi là nơi tận cùng, không thể đi xa hơn nữa. Mọi thứ, cả những cái cao thượng, tử tế đến cái thấp hèn, xấu xa đều buộc phải dừng lại nơi đây, chung sống tại quốc đảo này.

Quả thật, trải qua lịch sử hàng ngàn năm, dân tộc Nhật đã cùng tồn tại trong hoàn cảnh vừa chống chọi với tai biến thiên nhiên vừa phải đấu tranh, sắp đặt xã hội để mà cùng tồn tại. Cũng vì thế, người Nhật rất coi trọng chữ HÒA, đến mức từ này còn để gọi những sản phẩm văn hóa, tinh thần và vật chất. Ví dụ, “Hòa thực” là món ăn Nhật, ăn kiểu Nhật; hoặc “Hòa ngưu” là thịt bò Nhật, “Hòa phong” là phong cách Nhật… 

Trà đạo - Một nét văn hóa đặc trưng lâu đời của người Nhật

Trà đạo - Một nét văn hóa đặc trưng lâu đời của người Nhật


Trà đạo:

 Triết lý của Trà đạo, một nét văn hóa đặc trưng lâu đời của Nhật Bản, được kết tinh trong 4 chữ, trong đó chữ Hòa đứng trước nhất: Hòa - Kính - Thanh - Tịch.

Hòa tức là sự hài hòa, hòa hợp, giao hòa giữa người mời trà, người uống trà và không gian nơi diễn ra nghi lễ trà đạo.

Kính là lòng kính trọng, sự tôn kính, sự tri ân cuộc sống trà nhân với tổ tiên, trời đất và con người. Khi lòng tôn kính với vạn vật đạt tới sự không phân biệt thì nhân tâm trở nên thanh thản, yên tĩnh.

Thanh là sự thanh khiết, thánh thiện, trong sáng, khiêm nhường trong cái tâm, cái trí của mỗi người.

Tịch là khi lòng thanh thản, yên tĩnh hoàn toàn thì toàn bộ thế giới trở nên tịch lặng. Cũng chính lúc ấy, người ta sẽ đạt đến một trạng thái cao về mặt tinh thần và tâm linh, họ sẽ tìm thấy được sự an lạc và hạnh phúc thực sự.

Bốn chữ Hòa - Kính - Thanh - Tịch cũng được xem như một thước đo để mỗi người tham gia nghi lễ có thể tự nhận biết mình đang ở đâu trên con đường Trà Đạo.

Văn hóa uống trà của người Việt cũng có lịch sử từ lâu đời. Ngày xưa trà chỉ được dùng trong lớp quyền qúy cao sang. Tác phong mời trà một cách cung kính, nâng tách trà bằng hai tay tỏ ra rất thanh tao lịch lãm. Từ xưa, những tiền nhân sành sỏi nghệ thuật uống trà đã từng nói “nhất thủy - nhì trà - tam bôi - tứ bình - ngũ quần anh” tức là nhất là nước, nhì là trà, ba là chén, bốn là bình và năm là bạn trà. Điều này cũng phần nào nói lên được phong cách của trà Việt và trà Nhật có nhiều điểm tương đồng.

Nghệ thuật cắm hoa tươi - Ikebana:

 Ikebana hay là kado (Hoa đạo), có nguồn gốc từ thế kỷ 15, với nhiều phong cách và trường phái. Hoa tươi, cành cây, lá, cỏ và bình hoa được sử dụng là sự kết hợp hài hòa giữa màu sắc với hình dạng tự nhiên, gửi gắm ý nghĩa mà người cắm muốn được ẩn dấu một cách khéo léo. Ikebana là nghệ thuật diễn tả những sắc thái tình cảm qua các cung bậc màu sắc của các loài hoa. Ikebana cũng được xem là một nghệ thuật giống như hội họa hay điêu khắc với lịch sử lâu đời.

Lễ hội hoa anh đào bên Hồ Gươm (2018)

Lễ hội hoa anh đào bên Hồ Gươm (2018)

 

Truyền thống chơi hoa của Việt Nam cũng xuất hiện rất lâu và trở thành một nghệ thuật đặc sắc. Hà Nội xưa là đất hoa, những tên làng như Nghi Tàm, Yên Phụ, Hồ Tây đều gắn bó với nghề trồng hoa hàng thế kỷ trước đây. Ngoài ra, những tên phố, tên đường như Hòe Nhai, Liễu Giai, Bạch Mai, Hồng Mai, Hoàng Mai… đều mang tên những loài hoa và cây đẹp. Nhã nhạc cung đình Huế và Nhã nhạc cung đình Nhật Bản (Gagaku) có nét tương giao.

Cuối năm 2007, trong chương trình chuyến thăm Nhật Bản của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết có một hoạt động rất độc đáo. Đó là đội nhạc đến từ Huế đã trình diễn nhã nhạc phục vụ Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản. Hai vị đã rất chăm chú thưởng thức và trò truyện với các nhạc công. Có mặt trong buổi trình bày nhã nhạc cung đình Huế hôm ấy, tôi chứng kiến cách thưởng thức âm nhạc rất tinh tế của Nhà vua Akihito. Mười năm sau, trong chuyến thăm Việt Nam tháng 3 năm 2017, Nhà vua và Hoàng hậu đã thăm TP. Huế và thưởng thức Nhã nhạc cung đình Huế.

MỘT SỐ TRIẾT LÝ RẤT ĐẶC BIỆT CỦA NGƯỜI NHẬT

 Triết lý chế tác sản phẩm - Monozukuri

Cách đây 10 năm, nhân dịp kỷ niệm 35 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản, tôi được nghe ông Fujio Cho, Chủ tịch Tập đoàn Toyota thuyết trình về một triết lý rất thú vị - triết lý hay văn hóa chế tác. Tiếng Nhật là monozukuri. Khái niệm này hình thành 2 chữ được viết là 物 作 り, hay là も の づ く り. Được dịch theo nghĩa đen, có nghĩa là chế tác (zukuri) ra sản phẩm (mono).

Monozukuri còn hơn là chế tác ra sản phẩm. Nó là một suy nghĩ, một tinh thần tự hào, một triết lý về danh dự của người sáng tạo, một đạo đức làm việc của người Nhật Bản hướng tới sự hoàn hảo. Bản thân từ này được coi là một từ nguyên bản tiếng Nhật. Trước đây, công việc nhà máy ở Nhật Bản thường không được coi là công việc được mong đợi mà được coi là công việc 3 K, tức là: kiken (危 険) - nguy hiểm), kitsui (き つ い): khó nhọc), và kitanai (汚 い): bẩn. Từ năm 1999, Chính phủ Nhật Bản ban hành một đạo luật về Chương trình khuyến khích Monozukuri. Điều này cải thiện đáng kể hình ảnh của công việc trong nhà máy để mang lại giá trị lịch sử của nghề thủ công và công nghệ sản xuất hiện đại. Theo tôi hiểu, monozukuri là sự phát triển của tinh thần “kỹ Âu hồn Nhật” đã có từ thời Minh Trị (1868).

Triết lý của lòng mến khách - Omotenashi Omotenash là triết lý thể hiện lòng mến khách, làm cho người khách ngạc nhiên bởi sự chu đáo đến từng chi tiết, tinh tế và chân thành đến mức người khách ngạc nhiên, không ngờ tới để rồi qua đó có những trải nghiệm đáng nhớ nhất có thể. Người ta kể lại rằng, khái niệm về omotenashi được xuất hiện trong lễ trà đạo Nhật Bản. Gốc rễ của từ omotenashi là cụm từ "omote-ura nashi" theo nghĩa đen có nghĩa là "mặt trước, mặt sau không có gì dấu diếm cả”. Mọi thứ đều phải chân thành, cởi mở, hài hòa. Một trong những điểm khác biệt chính giữa "dịch vụ" và lòng hiếu khách Nhật Bản (omotenashi) là dịch vụ phương Tây thường được thực hiện với hy vọng khách hàng sẽ thưởng tiền cho một sản phẩm hoặc dịch vụ bổ sung, trong khi omotenashi được thực hiện mà không mong đợi bất kỳ điều gì. Không giống như trong văn hóa phương Tây, khách không mất thêm chi phí cho omotenashi. Omotenashi thường xuyên kín đáo phục vụ khách hàng và về cơ bản không bao giờ nên cố ý nhắc nhở khách hàng về sự hiếu khách.

Lời cảm ơn ghi trên bia mộ

  Tháng 10 năm 2011, với cương vị là Thứ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ, tôi có chuyến công tác đến Nhật Bản. Noi theo tấm gương nhà yêu nước Phan Bội Châu thăm mộ và xây bia tưởng nhờ ân nhân là bác sỹ Asaba Sakitaro, tôi đã tranh thủ đến thăm gia đình và viếng mộ Giáo sư Wadatsumi - người hướng dẫn khoa học của tôi thời kỳ tôi làm nghiên cứu sinh tại Osaka. Ông mất đầu năm ấy. Rất ngạc nhiên là nắm hương tôi thắp trên mộ giáo sư bỗng cháy rừng rực. Lúc ấy, bà vợ giáo sư nói rằng, vậy là giáo sư mừng lắm khi biết anh Khải đến thăm. Ngạc nhiên hơn nữa, tôi thấy trên bia mộ có ghi hai từ Cảm ơn (Arigato). Bà vợ của giáo sư giải thích rằng chính giáo sư đã tự thiết kế mộ cho mình. Ngụ ý của ông là khi còn sống ở trên đời đã có biết bao ân tình, nên khi ra đi cũng phải có lời cảm ơn. Lời cảm ơn cũng xin dành cho tất cả những ai đã đến thăm viếng nơi ông an nghỉ. Thật là trọn vẹn. Ngay cả lúc đã ra đi thầy vẫn cho tôi những lời răn dạy không thể nào quên. Lời cảm ơn của Ngài Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản, ngài Onodera Tôi cũng nhớ, cách đây 5 năm, tại lễ kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản tổ chức tại khách sạn Melia, Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nhật Bản, ngài Onodera khi phát biểu đã nhắc tới một sự kiện lịch sử. Đó là, năm 1288, quân Nguyên Mông xâm lược Việt Nam lần thứ 3. Theo mưu đồ đã định sẵn là sau khi chiếm được Việt Nam sẽ thôn tính Nhật Bản. Vì thảm bại tại Việt Nam nên Nguyên Mông đã phải từ bỏ ý đồ xâm lược Nhật Bản. Bộ trưởng Onodera đã cảm ơn Việt Nam đã giúp Nhật Bản tránh được một cuộc xâm lăng 725 năm trước. 

Lời cảm ơn từ Đại sứ quán Nhật Bản tại Hà Nội

 Ngày 11-3-2011, thảm họa động đất, sóng thần đã diễn ra ở miền Đông Bắc nước Nhật. Ngay lập tức, phong trào quyên góp ủng hộ các nạn nhân Nhật Bản đã diễn ra rộng lớn chưa từng có trên khắp các địa phương Việt Nam.



Người Việt ta có câu “qua cơn họa nạn càng tỏ tận lòng nhau”. Còn người Nhật cũng có câu “nắng mưa cùng thuyền”. Khi đó tôi là chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản, chúng tôi được giao nhiệm vụ chủ trì phát động đợt quyên góp. Trong thời gian ngắn, phong trào đã quyên góp được hơn 120 tỷ đồng. Số tiền ấy không lớn so với sự mất mát của người dân vùng bị nạn nhưng đã có rất nhiều câu chuyện cảm động về nghĩa cử của những học sinh nhỏ tuổi nhường phần ăn sáng, hay các bà nội trợ bớt đi một phần chi tiêu để dành ra khoản đóng góp cho các bạn Nhật Bản… Điều đó thể hiện đồng bào ta luôn biết tri ân bè bạn. Chắc nhiều người sẽ còn nhớ mãi tấm biển lớn treo trên tường của Đại sứ quan Nhật Bản với lời cảm ơn chân thành từ Nhân dân Nhật Bản.

 

TSKH. Nghiêm Vũ Khải

Nguyên Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản

Người nhận Huân chương Mặt trời mọc năm 2014

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất