Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký ban hành Nghị quyết số 01/2021/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2022.
Nghị quyết nêu rõ: Việc xây dựng hệ thống định mức phân bổ chi thường xuyên ngân sách nhà nước phải góp phần thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; ưu tiên bố trí kinh phí cho những lĩnh vực quan trọng và vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi đặc biệt khó khăn, khó khăn, biên giới, hải đảo.
Nguyên tắc phân bổ phù hợp với khả năng cân đối ngân sách nhà nước năm 2022, Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm giai đoạn 2022 - 2024, Kế hoạch tài chính quốc gia 5 năm giai đoạn 2021 - 2025; ưu tiên nguồn lực để thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Ban Chấp hành trung ương và Nghị quyết của Quốc hội. Thúc đẩy từng bước nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước, phấn đấu giảm dần tỷ trọng chi thường xuyên, góp phần cơ cấu lại ngân sách nhà nước, sắp xếp bộ máy quản lý hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã, tinh giản biên chế, thực hiện cải cách tiền lương và bảo hiểm xã hội theo các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng bộ, cơ quan trung ương và địa phương.
Nguyên tắc tiếp theo là thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; cải cách hành chính nâng cao chất lượng dịch vụ công, sử dụng hiệu quả ngân sách nhà nước; góp phần đổi mới quản lý tài chính đối với khu vực sự nghiệp công để giảm mức hỗ trợ trực tiếp cho đơn vị sự nghiệp công lập, tăng nguồn bảo đảm chính sách hỗ trợ người nghèo, đối tượng chính sách tiếp cận các dịch vụ sự nghiệp công, khuyến khích xã hội hóa, huy động các nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội. Tăng cường tính chủ động, gắn với chức năng, nhiệm vụ, chế độ, chính sách chi ngân sách nhà nước.
Tiêu chí phân bổ ngân sách phải rõ ràng, đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện, kiểm tra và giám sát; bảo đảm công bằng, công khai và minh bạch; từng bước phù hợp với thông lệ quốc tế. Đưa tối đa các khoản chi thường xuyên vào định mức chi quản lý hành chính của các bộ, cơ quan trung ương với yêu cầu triệt để tiết kiệm; giảm các khoản chi hội nghị, hội thảo, các đoàn đi công tác nước ngoài; ưu tiên mức phân bổ kinh phí cho khối các cơ quan tư pháp, Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ.
Định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải tuân thủ thêm một số nguyên tắc, tiêu chí khác. Trong đó, tiêu chí dân số là tiêu chí chính chia theo bốn vùng; kết hợp các tiêu chí bổ sung phù hợp với thực tế và đặc thù từng địa phương. Định mức phân bổ của ngân sách địa phương được xây dựng cho các lĩnh vực chi theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, bảo đảm chi lương, phụ cấp, các khoản đóng góp theo chế độ và mức tiền lương cơ sở 1.490.000 đồng/tháng, hoạt động của cơ quan quản lý hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và kinh phí thực hiện các chế độ, chính sách được Nhà nước ban hành, có hiệu lực đến thời điểm Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết này (chưa bao gồm kinh phí phát sinh tăng thêm để thực hiện các chính sách theo tiêu chí chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021- 2025 và kinh phí thực hiện một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa).
Liên quan đến tiêu chí, định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Nghị quyết quy định: Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có cơ chế chính sách đặc thù hoặc có tỷ lệ điều tiết về ngân sách trung ương, được phân bổ thêm theo tỷ lệ phần trăm (%) số chi tính theo định mức dân số. Theo đó, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh được phân bổ thêm 80%; các thành phố Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ được phân bổ thêm 70%; các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Thừa Thiên Huế được phân bổ thêm 45%. Các tỉnh còn lại có tỷ lệ điều tiết về ngân sách trung ương từ 40% trở lên được phân bổ thêm 60%; các tỉnh có tỷ lệ điều tiết về ngân sách trung ương từ 15% đến dưới 40% được phân bổ thêm 50%; các tỉnh có tỷ lệ điều tiết về ngân sách trung ương còn lại được phân bổ thêm 40%.
Dự phòng ngân sách địa phương của từng địa phương là 2% tổng chi ngân sách địa phương. Trên cơ sở dự toán chi cân đối ngân sách địa phương, căn cứ tình hình thực tế, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ động bố trí dự phòng ngân sách địa phương bảo đảm theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ năm ngân sách 2022 và thời kỳ ổn định ngân sách mới theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và Nghị quyết của Quốc hội.
TTXVN/Báo Tin tức