Đối với báo chí cách mạng Việt Nam, với lịch sử hơn 90 năm, trong số các nhà báo lão thành, các nhà báo bậc thầy, Hoàng Tùng là một cây đại thụ như cách gọi của nhiều nhà báo tên tuổi. Con người và sự nghiệp của Hoàng Tùng là sự kết hợp giữa nhà cách mạng lão thành, nhà tuyên huấn nổi tiếng và nhà báo ở tầm cao, người con ưu tú có nhiều đóng góp và ảnh hưởng sâu sắc tới sự phát triển của quê hương Hà Nam.
Nhân kỷ niệm 92 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, ngày 10/6, tại Hà Nam, Tỉnh ủy Hà Nam phối hợp với Báo Nhân Dân và Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Nhà báo Hoàng Tùng với quê hương Hà Nam và đất nước”.
Dự hội thảo có các đồng chí: Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Thuận Hữu, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam, cùng các nhà báo lão thành, đại diện các cơ quan báo chí; đại diện các sở, ban, ngành của tỉnh Hà Nam và thân nhân, gia đình nhà báo Hoàng Tùng.
Nhà báo Hoàng Tùng, tên thật là Trần Khánh Thọ, sinh ngày 14/1/1920, tại xã Nhân Hòa, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Năm 17 tuổi đồng chí tham gia hoạt động cách mạng. Năm 1940 bị thực dân Pháp bắt, giam cầm tại nhà tù Sơn La và được kết nạp Đảng tại Chi bộ nhà tù, học làm báo trong tù. Sau khi ra tù, đồng chí tiếp tục tham gia hoạt động cách mạng, trở thành Bí thư Thành ủy Hà Nội tháng 10/1945, khi mới 25 tuổi. Từ đó, đồng chí được giao nhiều trọng trách quan trọng: Bí thư Thành ủy Hải Phòng, Xứ ủy viên Bắc Kỳ, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương, Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương, Bí thư Trung ương Đảng phụ trách công tác tư tưởng…
Phát biểu đề dẫn của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Vinh nhấn mạnh, đối với báo chí cách mạng Việt Nam, với lịch sử hơn 90 năm, trong số các nhà báo lão thành, các nhà báo bậc thầy, Hoàng Tùng là một cây đại thụ như cách gọi của nhiều nhà báo tên tuổi. Con người và sự nghiệp của Hoàng Tùng là sự kết hợp giữa nhà cách mạng lão thành, nhà tuyên huấn nổi tiếng và nhà báo ở tầm cao, người con ưu tú có nhiều đóng góp và ảnh hưởng sâu sắc tới sự phát triển của quê hương Hà Nam. Hội thảo là dịp để tri ân, vinh danh những đóng góp to lớn của nhà báo Hoàng Tùng với quê hương Hà Nam, với đất nước, với sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam; tuyên truyền sâu rộng những bài học sâu sắc về lòng yêu nước, lý tưởng cách mạng, sự kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội từ thực tiễn hoạt động cách mạng của nhà báo Hoàng Tùng. Đồng thời cũng là dịp để giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, yêu quê hương cho cán bộ, đảng viên và nhân dân Hà Nam, đặc biệt cho thế hệ trẻ; bồi đắp niềm tự hào về truyền thống văn hiến và cách mạng của quê hương Hà Nam.
Sau 3 tháng chuẩn bị, Ban tổ chức Hội thảo đã nhận được gần 30 tham luận, tập trung vào 3 chủ đề chính là cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Hoàng Tùng, trên cương vị là cán bộ cao cấp của Đảng qua các thời kì; Nhà báo Hoàng Tùng với sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam; Tình cảm của nhà báo Hoàng Tùng với gia đình, người thân, bạn bè, quê hương.
Tại hội thảo, nhà báo Hà Đăng, nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Trưởng Ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, Trợ lý Tổng Bí thư, trình bày tham luận “Hoàng Tùng, cây đại thụ trong làng tư tưởng – báo chí”. Qua đó khẳng định, nhà báo Hoàng Tùng là nhà chính luận bậc thầy. Những bài chính luận của nhà báo Hoàng Tùng trực tiếp đề cập những vấn đề chính trị, xã hội rộng lớn nhất, nóng bỏng nhất. Nhà báo Hoàng Tùng có giọng văn hùng hồn, ngôn ngữ vừa hiện đại lại vừa rất dân gian, giàu hình tượng, đôi khi pha lẫn điển tích, rực lửa chiến đấu và đặc biệt hấp dẫn. Trong nhiều năm tham gia lãnh đạo hoặc trực tiếp làm Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương, có lúc kiêm cả Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam, nhà báo Hoàng Tùng đều truyền ngọn lửa chiến đấu cho đội ngũ những người làm công tác tư tưởng, văn hóa và báo chí.
Với tham luận “Hoàng Tùng, một tầm cao báo chí”, nhà báo Phan Quang, nguyên Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam nhấn mạnh, nhờ có bản lĩnh, tham gia cách mạng khi còn rất trẻ, gắn bó với quê hương, sớm dấn thân vào nghề đáng yêu, đáng quý mà không ít gian nan là báo chí, kiên trì tự học nhằm bồi đắp kiến thức, lại được sự dìu dắt của Bác Hồ, sự chỉ đạo trực tiếp của Đảng, nhà báo Hoàng Tùng trở thành một cao trí tuệ, một tài năng tỏa sáng lâu bền của báo chí Việt Nam.
Các tham luận khác tại Hội thảo cũng khẳng định, đối với đất nước và quê hương, nhà báo Hoàng Tùng là sự kết hợp giữa nhà cách mạng lão thành trọn đời vì Đảng, vì dân, nhà tuyên huấn nổi tiếng và nhà báo ở tầm cao, người con ưu tú có nhiều đóng góp và ảnh hưởng sâu sắc tới sự phát triển của quê hương Hà Nam. Đối với báo chí cách mạng Việt Nam, Hoàng Tùng là một cây đại thụ trong làng tư tưởng - báo chí, là nhà báo bậc thầy – người thầy giỏi nghề và nghiêm khắc./.
TG