Thứ Hai, 25/11/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Năm, 8/6/2017 14:40'(GMT+7)

Vấn đề đào tạo báo chí - truyền thông kỷ nguyên số

Khoa Báo chí (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) là đơn vị đưa vào chương trình đào tạo đại học môn học Lý thuyết truyền thông sớm nhất toàn quốc - từ năm 1999, chỉ sau hai năm Việt Nam quyết định tham gia mạng toàn cầu in-tơ-nét. In-tơ-nét đã và đang làm thay đổi rất nhanh chóng mọi mặt của đời sống xã hội đương đại, từ nhận thức, tư duy đến phong cách, hành xử của con người và xã hội nói chung.

Khoảng hơn một thập niên trở lại đây, môi trường truyền thông toàn cầu nói chung, ở Việt Nam nói riêng đang có những chuyển động nhanh quá sức tưởng tượng. Kỹ thuật và công nghệ truyền thông số - nền tảng tạo ra mọi chuyển động đã và đang làm thay đổi về mọi mặt và đòi hỏi báo chí phải thay đổi. Trong môi trường truyền thông công nghệ số, có thể gọi là môi trường truyền thông số, đã tạo ra khả năng siêu kết nối trên phạm vi rộng lớn đang tạo ra nền báo chí kết nối mà ở đó mỗi tòa soạn cần phải là một trung tâm kết nối xã hội; mỗi nhà báo phải là mỗi nhà kết nối.

Vai trò và vị thế xã hội của công chúng thay đổi. Vai trò và vị thế của nhà báo - nhà truyền thông không như trước. Mọi hành xử của chúng ta đối với báo chí - truyền thông cũng không như trước. Báo chí - truyền thông nói chung không chỉ là công cụ tuyên truyền, là phương tiện và phương thức thể hiện quyền lực của Ðảng và Nhà nước; mà nó còn là thiết chế kiến tạo xã hội.

Trên phương diện góp phần đào tạo nguồn nhân lực báo chí truyền thông trong bối cảnh và môi trường truyền thông số, theo chúng tôi, cần chú trọng mấy vấn đề sau đây. Cần tạo điều kiện và hướng dẫn phương pháp để người học tích hợp kiến thức nền tảng, kiến thức bách khoa đủ rộng; đồng thời tạo cơ hội định hướng tích hợp kiến thức ngành, chuyên ngành cũng như tích hợp đa kỹ năng trong điều kiện kỹ thuật và công nghệ truyền thông số, bảo đảm tác nghiệp trong môi trường truyền thông số và thế giới đang bị làm phẳng. Nhà báo chuyên nghiệp cần phải được đào tạo căn bản, dù đào tạo ban đầu hay đào tạo nâng cao, đào tạo bổ sung, cập nhật kiến thức, kỹ năng mới. Quá trình đào tạo này cần tránh hai khuynh hướng rất dễ xảy ra: thiên về hàn lâm hoặc thiên về dạy nghề bắt tay chỉ việc. Nếu thiên về hàn lâm, người học sẽ thiếu kiến thức thực tế, mất thời gian tích hợp kỹ năng sau thời gian ra trường. Nếu thiên về bắt tay chỉ việc, người học sẽ thiếu hệ kiến thức nền tảng, nhất là phương pháp luận và phương pháp tiếp cận và giải quyết vấn đề để có thể vươn xa tầm nhìn, mở rộng hiểu biết và khả năng phân tích, lý giải các sự kiện, vấn đề thời sự có sức thuyết phục công chúng cả về trí tuệ và cảm xúc.

Ðào tạo nguồn nhân lực báo chí - truyền thông trong môi trường truyền thông số là cung cấp và hướng dẫn người học khai thác các nguồn kiến thức để làm phong phú hệ kiến thức nền tảng, cung cấp phương pháp tiếp cận và giải quyết vấn đề, cách thức thuyết phục công chúng và dư luận xã hội (DLXH) để họ có khả năng thích ứng rộng sau khi ra trường. Không nên chỉ đào tạo chuyên môn hẹp trên nền kiến thức mỏng sẽ làm khó cho người học thích ứng trong môi trường xã hội thay đổi và môi trường truyền thông số biến động nhanh.

Vừa nắm bắt những vấn đề thực tiễn đang vận động, vừa nắm vững quan điểm, định hướng phát triển của Ðảng và Nhà nước để đào tạo nguồn nhân lực thích ứng với nhu cầu xã hội và đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng đang đặt ra.

Trong môi trường truyền thông số, khái niệm "báo chí kết nối" đang hình thành, cần chú trọng đào tạo vừa thu hẹp vừa mở rộng. Thu hẹp quy mô đào tạo nhà báo chuyên nghiệp để tập trung nguồn lực nâng cao chất lượng đào tạo. Ðề xuất này xuất phát từ mấy lý do: Trong nền tảng kỹ thuật - công nghệ truyền thông đa nền tảng, nguồn tin từ báo chí chỉ là một phía - dù rất quan trọng, ngoài ra báo chí còn phải chú ý tới đa nguồn tin từ MXH, nhà báo công dân và truyền thông xã hội nói chung; do đó, báo chí cần kết nối với MXH để làm phong phú hóa nguồn tin, có phương pháp thẩm định, xác tín nguồn tin và "thâm nhập" vào thế giới MXH để lôi kéo công chúng, chiếm lĩnh thị trường.

Tác nghiệp trong môi trường công nghệ và kỹ thuật số, nhà báo làm vai trò kết nối và phân tích, đánh giá nguồn tin lớn hơn là vai trò săn tin. Do đó, cần thay đổi quan niệm từ đào tạo người viết báo thành đào tạo người vừa viết báo tốt vừa biết làm báo - có ý tưởng và biết tổ chức, kết nối nguồn lực xã hội phục vụ cho báo chí chuyên nghiệp. Cần quan tâm đào tạo đội ngũ nhà báo chuyên trách có hệ kiến thức và kỹ năng, phương pháp chuyên sâu - như báo chí điều tra, báo chí chính luận, báo chí chính trị, báo chí môi trường, báo chí - truyền thông với quản lý và ứng xử với truyền thông trong khủng hoảng...

Ðào tạo mở rộng là cần tăng cường đào tạo đội ngũ những cộng tác viên, thông tin viên và những ai yêu thích nghề báo để họ có thể trở thành nhà báo công dân và nhà báo chuyên nghiệp bất kỳ lúc nào. Phương thức đào tạo này cần linh hoạt theo nguyên tắc "đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội". Khi nguồn nhân lực này phát triển và được phát huy, cùng với kỹ năng kết nối của nhà báo và mỗi tòa soạn, cơ quan báo chí sẽ giải được bài toán hiệu quả kinh tế và nguồn nhân lực, nguồn tin trong hoạt động báo chí và hiệu quả chính trị - tư tưởng, vươn ra chiếm lĩnh công chúng và thị trường truyền thông. Tuy nhiên, với cơ chế chính sách như hiện nay, hầu hết các cơ sở đào tạo mở rộng quy mô đào tạo để giải bài toán thu - chi, trong khi năng lực đào tạo chưa được nâng lên tương ứng đang ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng đào tạo nguồn nhân lực báo chí - truyền thông, có thể tạo ra hệ quả "gậy ông đập lưng ông".

Vấn đề nữa là cần quan tâm cập nhật kiến thức và kỹ năng làm việc chuyên nghiệp cho các nhà báo, nhà truyền thông chuyên nghiệp theo hướng chuyên sâu, nhất là kiến thức pháp luật và kiến thức, phương pháp chuyên đề lĩnh vực đề tài cũng như phương pháp tác nghiệp. Bên cạnh đó, cần có chính sách đào tạo, phát triển đội ngũ nhà báo chính luận và nhà báo điều tra... cùng với đào tạo, tập huấn bảo đảm kiến thức, phương pháp làm việc và tính chuyên nghiệp cho đội ngũ cán bộ quản lý cơ quan báo chí từ ban biên tập đến các phòng, ban chức năng. Có thể nói đó là những binh chủng đặc biệt cần bảo đảm tính chuyên nghiệp và tinh nhuệ của nghề nghiệp báo chí - truyền thông; bảo đảm họ là những nhà văn hóa, nhà kinh tế, nhà chính trị - xã hội luôn giương cao ngọn cờ tư tưởng và đi đầu trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực và góp phần làm lành mạnh hóa các quan hệ xã hội. Thiết nghĩ, đó chính là mong đợi của Ðảng, Nhà nước và nhân dân cũng như mong đợi của công chúng và DLXH, mong đợi của lịch sử đương đại và tương lai.

Trước đòi hỏi, yêu cầu của quá trình phát triển đất nước, thời gian tới, Khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền xác định giữ vai trò là một trong những cơ sở đào tạo báo chí đầu tàu của cả nước, phải xây dựng, tích hợp và thích ứng với các khối việc lớn. Ðào tạo theo chương trình chuẩn từ trình độ đại học, thạc sĩ đến tiến sĩ trên cơ sở các chuẩn mực được nêu ra trong chương trình, bảo đảm chất lượng mong đợi của nghề nghiệp, nhất là bảo đảm tiêu chuẩn đầu ra. Cần trở thành trung tâm tập huấn đào tạo lại nguồn nhân lực báo chí - truyền thông theo các tiêu chuẩn chức danh tòa soạn, theo nhu cầu xã hội, đáp ứng nhu cầu tư vấn, kiến tạo và triển khai các chiến dịch và kế hoạch báo chí - truyền thông; chú trọng cùng với các đồng nghiệp tổ chức và cấu trúc lại các tòa soạn bảo đảm đổi mới mô hình tổ chức - sản xuất và quản lý cơ quan báo chí và tòa soạn báo chí cũng như các cơ sở truyền thông.

PGS, TS NGUYỄN VĂN DỮNG
Giảng viên cao cấp, Trưởng Khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất