Tới dự buổi lễ kỷ niệm có Chủ tịch nước Trần Đại Quang; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - Bí thứ Thành ủy TP.HCM; đồng chí Phạm Minh Chính, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương; đồng chí Võ Văn Thưởng, Uỷ viên Bộ Chính Trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, Uỷ viên Bộ Chính Trị, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; Đồng chí Tô Lâm, Uỷ viên Bộ Chính Trị, Bộ trưởng Bộ Công an, các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và TP.Hà Nội...cùng hàng trăm nhà báo lão thành cách mạng, nhà báo, phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và địa phương cả nước.
Mở đầu buổi lễ kỷ niệm, đồng chí Thuận Hữu, Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam nhấn mạnh: "Báo chí cách mạng Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, rèn luyện và dạy bảo đã đi qua chặng đường 92 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự tin yêu, ủng hộ và đùm bọc của nhân dân, báo chí cách mạng luôn gắn bó với vận mệnh dân tộc, ngày càng lớn mạnh, luôn luôn là lực lượng đi đầu, là vũ khí tinh thần sắc bén của Đảng".
Phát biểu tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Trần Đại Quang trân trọng gửi tới tất cả các nhà báo lão thành, những người làm báo cả nước lời thăm hỏi ân cần, những tình cảm thân thiết và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.
Đồng chí Trần Đại Quang nhấn mạnh: Suốt 92 năm qua, báo chí cách mạng Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện, đã ngày càng lớn mạnh, trưởng thành về mọi mặt. Các thế hệ nhà báo cách mạng Việt Nam thực sự là những chiến sĩ cách mạng, những người lính xung kích của Đảng, Nhà nước trên mặt trận tư tưởng - văn hóa, luôn có mặt nơi “đầu sóng ngọn gió” và sẵn sàng xả thân vì sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc.
Chủ tịch nước khẳng định công lao to lớn của các nhà báo: “Tổ quốc và nhân dân mãi mãi ghi công và tri ân các nhà báo - chiến sĩ đã anh dũng hy sinh, hiến dâng cả cuộc đời mình cho độc lập, tự do của Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân”.
Đồng chí Trần Đại Quang nhấn mạnh: Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn trân trọng, đánh giá cao vai trò xung kích, những đóng góp to lớn của báo chí cả nước trong việc tích cực góp phần củng cố, tăng cường sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong nhân dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, nâng cao ý chí phấn đấu thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế của đất nước, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị: Báo chí nước nhà cần tiếp tục phát huy vai trò xung kích trên mặt trận tư tưởng - văn hóa, các cấp Hội Nhà báo, các cơ quan báo chí và mỗi nhà báo cần quán triệt sâu sắc, tuyên truyền mạnh mẽ và sâu rộng hơn nữa các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
“Báo chí phải thực hiện tốt vai trò định hướng dư luận xã hội, cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân, tham gia giám sát, phản biện xã hội; đẩy mạnh hơn nữa việc phát hiện, biểu dương, nhân rộng những nhân tố mới, những điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt. Đẩy mạnh việc phát hiện, tích cực đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, sự suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống và những biểu hiện tiêu cực khác trong đời sống xã hội. Chủ động phối hợp đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, làm thất bại âm mưu, hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước của các thế lực thù địch, phản động", Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhận định.
Bên cạnh đó, đồng chí Trần Đại Quang cũng yêu cầu các cơ quan báo chí cần tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức thể hiện, mô hình hoạt động, tăng cường cơ sở vật chất, kỹ thuật, công nghệ, bảo đảm an toàn hệ thống và an ninh thông tin; bắt kịp xu thế hội nhập quốc tế trong công nghệ làm báo; các cấp Hội Nhà báo cần phát huy vai trò tập hợp, đoàn kết rộng rãi hội viên, đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị (Khóa XII), gắn với thực hiện Luật Báo chí năm 2016 và 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam. Cùng với đó, các cơ quan báo chí cần chú trọng bồi dưỡng nâng cao nhận thức, năng lực chuyên môn, nêu cao tính trung thực, nhân văn và đạo đức người làm báo cách mạng. Hội Nhà báo Việt Nam cần tiếp tục cải tiến, tổ chức tốt hơn nữa Giải Báo chí quốc gia, thu hút ngày càng nhiều tác phẩm xuất sắc; có hình thức tôn vinh và động viên, khen thưởng kịp thời những tác giả và tác phẩm có giá trị cao cả về nội dung tư tưởng và hình thức thể hiện, góp phần xây dựng nền báo chí cách mạng nước nhà ngày càng phát triển.
Nhân dịp này, Chủ tịch nước đề nghị các cơ quan chủ quản báo chí tiếp tục đổi mới sự lãnh đạo, chỉ đạo và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý để báo chí hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Qua đó, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mãi xứng đáng với sự tin yêu của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Năm nay, giải Báo chí Quốc gia lần thứ XI đã nhận được 1.637 tác phẩm báo chí của 214 đơn vị và cá nhân gửi tác phẩm về tham dự.Trong đó, 139 tác phẩm lọt vào vòng Chung khảo để chọn ra 95 tác phẩm đạt giải, trong đó có 7 Giải A, 24 Giải B, 39 Giải C và 25 giải Khuyến khích.
Ban Tổ chức nhận định: Các tác phẩm đạt giải Báo chí năm nay đều là những tác phẩm tiêu biểu, có tính phát hiện, tính chiến đấu cao, tạo hiệu ứng xã hội tích cực, tập trung phản ánh những vấn đề lớn của đất nước, góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.../.
Nhật Minh