Thứ Năm, 14/11/2024
Thế giới
Chủ Nhật, 5/1/2014 17:4'(GMT+7)

Nhà báo tác nghiệp trên chiến trường: Máu đổi chữ

Phóng viên Reuters dù bị thương vẫn tác nghiệp. (Ảnh: AP)

Phóng viên Reuters dù bị thương vẫn tác nghiệp. (Ảnh: AP)

1. Tổng thống Nga V.Putin đã được Tạp chí "The Times", một trong những tờ báo lâu đời nhất của Anh, bình chọn là "Nhân vật của năm 2013".  Lý do được "The Times" đưa ra là Tổng thống Nga V.Putin đã có những thành tích đối ngoại nổi bật trong năm 2013, đặc biệt trong việc đạt được thỏa thuận với Mỹ nhằm góp phần tránh được một cuộc tấn công quân sự vào Syria và việc cung cấp cho Ukraine một khoản vay tín dụng lớn nhằm giúp Kiev giải quyết những khó khăn tài chính nổi cộm và khôi phục kinh tế.

Tổng thống Nga V.Putin tới thăm nạn nhân của vụ đánh bom ở Volgograd. Ảnh: AP

Vào cuối tháng 10/2013, tạp chí "Forbes" cũng xếp ông Putin đứng đầu danh sách những người có ảnh hưởng nhất trên thế giới. Tạp chí này khẳng định Tổng thống Nga đã đóng vai trò then chốt trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng Syria.

2. Câu chuyện "nghe lén" vẫn chưa có hồi kết. Mới đây, Tập đoàn truyền thông lớn nhất của Pháp Orange đã quyết định khởi kiện Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) với cáo buộc thu thập dữ liệu bất hợp pháp. Thông tin trên được lãnh đạo tập đoàn công bố ngày 30-12, sau khi báo chí phương Tây dẫn các tài liệu do cựu nhân viên NSA Edward Snowden tiết lộ, cho biết NSA đã truy cập thông tin quản lý mạng của hệ thống cáp quang ngầm dưới biển Sea-Me-We-4, mà Orange (trước đây là France Télécom) là một trong những cổ đông vận hành.

Hệ thống cáp quang ngầm dưới biển Sea-Me-We-4. Ảnh: telegraph.co.uk

Mạng Sea-Me-We-4 viết tắt từ "Đông Nam Á - Trung Đông - Tây Âu 4" là hệ thống cáp quang viễn thông dưới biển dài khoảng 18.800 km, kết nối các nước Singapore, Malaysia, Thái Lan, Bangladesh, Ấn Độ, Sri Lanka, Pakistan, Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE), Saudi Arabia, Sudan, Ai Cập, Italy, Tunisia, Algeria và Pháp. Mạng này hoạt động bổ sung cho mạng cáp quang dài nhất thế giới SEA-ME-WE 3 (39.000 km) nối châu Âu, châu Phi, châu Á và Australia. Theo giới lãnh đạo Orange, tập đoàn này không có liên quan tới các hoạt động ăn cắp dữ liệu bất hợp pháp trên.

Snowden ở Nga. Ảnh: AP

Trong khi Pháp “sục sôi” vì NSA, ngày 3/1, các chính đảng ở Đức đã nhất trí thành lập một uỷ ban của Quốc hội để điều tra việc NSA tiến hành do thám tại nước này. Kế hoạch trên được nêu ra từ lâu, song Thủ tướng Angela Merkel còn do dự vì quan ngại việc lập một uỷ ban như vậy có thể gây căng thẳng cho quan hệ với nước Mỹ đồng minh. Trước sức ép của phe đối lập, Thủ tướng Merlel đã đồng ý. Khi Quốc hội Đức vào cuộc, uỷ ban điều tra tại cơ quan lập pháp này sẽ có quyền thu thập các chứng cứ liên quan đến NSA từ các cơ quan tình báo Đức. Tuy nhiên, hiện chưa rõ uỷ ban trên có mời cựu nhân viên Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Edward Snowden làm nhân chứng hay không. Nhiều chính khách đối lập ở Đức đã kêu gọi đảm bảo an toàn cho Snowden để người này tới Đức phục vụ công tác điều tra, trong khi các phụ tá của bà Merkel cho rằng các nhà điều tra có thể tới Moskva để lấy lời khai của Snowden thay vì mời ông này tới Đức.

3. 2013 tiếp tục là năm đẫm máu đối với các nhà báo khi có tới 70 nhà báo đã ra đi trong lúc đang tác nghiệp tại các điểm nóng khắp thế giới. Cuộc nội chiến tại Syria, các vụ bạo lực tại Iraq tiếp tục biến hai quốc gia này trở thành "tử địa" đối với các phóng viên khi tác nghiệp. Theo số liệu thống kế, có 29 nhà báo đã thiệt mạng khi đưa tin về tình hình chiến sự thảm khốc tại Syria. Trong khi đó, khoảng 60 nhà báo đã bị bắt cóc tại đây và một nửa trong số này hiện vẫn mất tích. Iraq cũng là một trong những điểm nóng không thể bỏ qua khi 10 phóng viên đã "tử nghiệp". Tại Ai Cập cũng đã có ít nhất 6 nhà báo thiệt mạng khi đưa tin về cuộc khủng hoảng chính trị tại quốc gia Bắc Phi này.

Các nhà báo tác nghiệp tại Syria. Ảnh: PressTV.ir

Ngoài một số trường hợp nhà báo bị sát hại trên các "chiến trường", một số nhà báo "tử nghiệp" khi đưa tin liên quan đến những vấn đến khác như tham nhũng, buôn bán ma túy....Theo ghi nhận, năm có số nhà báo thiệt mạng nhiều nhất là năm 2009, với 74 trường hợp. Trước thực trạng đáng lo ngại này, Liên hợp quốc (LHQ) đã phê chuẩn Kế hoạch Hành động về đảm bảo an toàn của các nhà báo và vấn đề tội phạm chống nhà báo mà không bị trừng phạt.

4. Myanmar đang có những nỗ lực nhằm ổn định tình hình đất nước, duy trì hòa bình và củng cố đoàn kết dân tộc. Chính phủ Myanmar ngày 31/12 thông báo trả tự do cho tất cả tù nhân chính trị. Nhân kỷ niệm Ngày Độc lập của đất nước (4/1), Tổng thống Myanmar Thein Sein đã ban bố sắc lệnh ân xá cho nhiều phạm nhân. Văn phòng Tổng thống Myanmar ngày 3/1 đã công bố sắc lệnh trên, theo đó một số tù nhân bị kết án tử hình sẽ được giảm án xuống còn chung thân, trong khi một số đối tượng chịu mức án từ hơn 40 năm tù giam trở lên tới chung thân sẽ được giảm xuống mức án 40 năm tù giam. Cũng trong đợt ân xá này, những tù nhân đang chịu mức án 40 năm và dưới 40 năm tù giam sẽ được giảm 1/4 thời gian thụ án. Theo hồ sơ của Chính phủ Myanmar, hàng trăm tù nhân chính trị ở nước này đã được trả tự do trong năm 2013.

Niềm vui đoàn tụ. Ảnh: Telegraph.co.uk

Cùng thời điểm, đảng Đoàn kết và Phát triển (USDP) cầm quyền ở Myanmar đã đề nghị sửa đổi 73 điều và hủy bỏ 21 điều trong Hiến pháp năm 2008 trước thềm cuộc tổng tuyển cử vào năm 2015. Liên quan đến cuộc tổng tuyển cử vào năm 2015, Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Aung San Suu Kyi cũng tuyên bố sẽ tham gia tranh cử trong cuộc tổng tuyển cử dự định tổ chức vào năm 2015 tới bất chấp Hiến pháp cấm bà Suu Kyi ra tranh cử tổng thống có được sửa đổi hay không.

5. Chưa biết ý đồ thực sự của cả Mỹ và Afghanistan là gì khi Afghanistan nhất quyết từ chối ký Hiệp định An ninh song phương (BSA), trong khi đó các nghị sĩ Mỹ hối thúc nước này phải ký BSA với Mỹ. Nhằm gia tăng áp lực cùng với chính quyền của Tổng thống Barack Obama ngày 2/1, các nghị sĩ hàng đầu của Mỹ đã tới thăm và thúc giục Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai ký BSA liên quan tới sự hiện diện của lính Mỹ tại quốc gia Tây Nam Á này sau lộ trình rút quân vào cuối năm 2014.

Nhiều người Afghanistan không muốn lính Mỹ hiện diện nữa. Ảnh: AP

Một số Thượng nghị sĩ hàng đầu của đảng Cộng hòa tại Quốc hội Mỹ đã lên tiếng cảnh báo rằng nếu BSA không được ký kết thì an ninh của Afghanistan và khu vực Nam Á sẽ bị de dọa. Lý do được các nhà lập pháp Mỹ đưa ra là nếu không có BSA, lính Mỹ và các đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẽ phải rút toàn bộ binh lính ra khỏi cuộc chiến đã kéo dài hơn 12 năm này, bỏ mặc Afghanistan rơi vào tình trạng bạo lực như kiểu Iraq.

6. Trước thềm năm mới, một loạt vụ đánh bom khủng bố tại Nga làm hàng chục người thương vong lại gióng lên hồi chuông cảnh báo về chủ nghĩa khủng bố. Ngày 29/12, một vụ nổ lớn tại nhà ga xe lửa ở thành phố Volgograd đã làm ít nhất 17 người thiệt mạng, 37 người khác bị thương. Sáng 30/12, chỉ một ngày sau vụ đánh bom trên, lại xảy ra một vụ đánh bom liều chết trên tàu điện. Theo số liệu ban đầu, ít nhất 10 người thiệt mạng, 23 người bị thương. Đây là vụ khủng bố thứ hai chỉ trong hai ngày tại cùng thành phố Volgograd.

Chính quyền tỉnh Volgograd đã quyết định hủy mọi hoạt động vui chơi, giải trí từ ngày 1 đến 3/1/2014 để tưởng niệm những người bị thiệt mạng trong vụ khủng bố. Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) và lãnh đạo nhiều quốc gia trên thế giới đã ra tuyên bố lên án mạnh mẽ vụ tấn công khủng bố ở Volgograd và gửi lời chia buồn đến gia đình các nạn nhân, Chính phủ và nhân dân Nga.
Người dân chia sẻ tình cảm với những người thiệt mạng. Ảnh: AFP

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chỉ thị Ủy ban Chống khủng bố quốc gia tăng cường an ninh trên toàn lãnh thổ LB Nga và tỉnh nói trên. Công tác điều tra đang được tiến hành. Cảnh sát trên toàn lãnh thổ Nga cũng đã được chuyển sang chế độ hoạt động tăng cường. Trong một diễn biến liên quan, Ủy ban Olympic quốc tế bày tỏ tin tưởng chính quyền Nga có thể đảm bảo an ninh cho các vận động viên và khách mời trong thời gian diễn ra Thế vận hội mùa Đông tại thành phố Sochi vào tháng 2/2014.

7. Nhật Bản có thể xem xét lại hiến pháp hòa bình. Đây là tuyên bố được Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đưa ra ngày 1/1. Thủ tướng Shinzo Abe cho rằng hiến pháp hòa bình soạn thảo sau Chiến tranh thế giới thứ Hai vốn hạn chế lực lượng quân sự nước này trong việc tự phòng vệ có thể sẽ được sửa đổi vào năm 2020. Ông Abe nhấn mạnh, sau 68 năm kể từ khi có hiệu lực, nay đã đến lúc Nhật Bản cần xem xét sửa đổi một cách sâu rộng để phù hợp với sự thay đổi của thời cuộc. Về chính sách an ninh của mình, ông Abe cam kết sẽ kiên quyết bảo vệ tận cùng lãnh thổ của Nhật Bản, gồm đất liền, biển và không phận.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thăm đền Yasukuni. Ảnh: AP

Bình luận trên được đưa ra vài ngày sau khi ông Abe viếng thăm đền Yasukuni có thờ các nạn nhân chiến tranh, trong đó có cả những tội phạm chiến tranh của Nhật Bản và là một biểu tượng của chủ nghĩa quân phiệt Nhật trong con mắt của người nước ngoài, động thái hứng chịu nhiều chỉ trích từ các nước láng giềng và cả đồng minh thân thiết của Nhật Bản là Mỹ.

8. Các bên tham chiến tại Nam Sudan đang bắt đầu hòa đàm tìm giải pháp chấm dứt xung đột. Ngày 1/1, phái đoàn của Chính phủ và lực lượng nổi dậy Nam Sudan đã đến thủ đô Addis Ababa của Ethiopia để đàm phán về một thỏa thuận ngừng bắn nhằm nhanh chóng chấm dứt cuộc xung đột kéo dài hơn 2 tuần qua. Nam Sudan đã chìm trong bạo loạn từ ngày 15/12 khi Tổng thống Salva Kiir cáo buộc cựu Phó Tổng thống Riek Machar âm mưu đảo chính, gây bạo lực đẫm máu. Theo số liệu của LHQ, các cuộc đụng độ đã làm hàng nghìn người thiệt mạng, gần 200.000 người phải đi lánh nạn và tạm trú trong tại nhiều tòa nhà của LHQ trên cả nước.

Hàng trăm nghìn người Sudan bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến. (Ảnh: Alralabylia.com)

Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon ngày 29/12 đã lên án mạnh mẽ hành động tấn công nhằm vào phái bộ LHQ - Liên minh châu Phi tại Darfur (UNAMID) cùng ngày làm một số binh sĩ LHQ thiệt mạng. Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã nhất trí tăng gấp đôi lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ tại Nam Sudan lên gần 14.000 quân để bảo vệ hòa bình cho người dân và các cơ quan của LHQ tại đây./.

Nguyễn Hoà (QĐND)


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất