Trong hơn 25 năm làm nghiên cứu, GS.TS. Nguyễn Thị Lang đã lai tạo thành công hơn 73 giống lúa mới từ lúa “ma”. Với kết quả này, bà vinh dự là nhà khoa học nữ đầu tiên được trao Giải thưởng Trần Đại Nghĩa năm 2019.
GS.TS. Nguyễn Thị Lang chia sẻ: “Tôi đã thấy những giống lúa ngày xưa cho cơm ăn rất ngon, sao giờ lại mất? Chính vì vậy, từ năm 1998, tôi đã cùng GS.TS. Bùi Chí Bửu đi tìm cây lúa “ma”- tổ tiên của giống lúa trồng hiện nay”.
Theo bà Nguyễn Thị Lang, trên thế giới hiện nay có 26 loài lúa “ma” hoang dại. Riêng ở Việt Nam, có 4 quần thể gồm: Oryza officinalis, Oryza rufipogon, Oryza nivara và Oryza granulata.
Từ năm 1998, GS.TS. Nguyễn Thị Lang đã cùng GS.TS Bùi Chí Bửu dành rất nhiều công sức và tâm huyết để nghiên cứu lai tạo các giống lúa mới từ lúa “ma”. Ngoài các loài lúa “ma” tại Việt Nam, bà còn thử lai lúa “ma” ở Lào, Australia, châu Phi... với các giống lúa thơm, lúa chất lượng cao của Thái Lan, Ấn Độ, Việt Nam.
Trong hơn 25 năm làm nghiên cứu, GS.TS. Nguyễn Thị Lang đã lai tạo thành công hơn 73 giống lúa, trong đó có 31 giống lúa đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận và đưa vào sản xuất tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, 106 giống lúa được đánh giá là triển vọng và đang trong quá trình khảo nghiệm cấp quốc gia.
Sau khi tạo ra các giống mới, bà tìm cách ứng dụng. Có khi, bà phải đi vận động từng địa phương cho thử giống mới của mình. “Tôi đưa cho họ ứng dụng 10 giống, cuối cùng họ chọn được một đến 2 giống thích hợp cho địa phương. Có khi mình cho dân, không lấy tiền. Thậm chí, tôi cùng với nông dân thực hành gieo giống, chăm sóc lúa trên ruộng”, bà nói.
Ở Vĩnh Long, lãnh đạo và người dân địa phương đã nhiệt tình ủng hộ việc GS. Lang triển khai ứng dụng các giống lúa. Bạc Liêu, một địa phương có nhiều vùng đất nhiễm mặn, lãnh đạo địa phương đã chủ động đặt hàng GS. Lang nguồn giống thích nghi với đất mặn để người dân canh tác.
Theo Chinhphu.vn